Bản tin thị trường lao động mới nhất được công bố hôm 30/10, tại Hà Nội, cho thấy quý II/2015, thu nhập bình quân/tháng (gồm tiền lương/tiền công, các khoản có tính chất lương và phúc lợi khác) từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 4,46 triêu đồng.
Thu nhập bình quân của lao động nam là 4,7 triệu đồng/tháng; lao động nữ thấp hơn chỉ đạt 4,13 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của lao động thành thị là 5,25 triệu đồng/tháng, còn lao động nông thôn ở mức thấp hơn rất nhiều, chỉ đạt 3,84 triệu đồng/tháng.
Xét theo phân cấp, quý II/2015, thu nhập bình quân tháng của nhóm “lãnh đạo” cao nhất (7,3 triệu đồng), tiếp đến là nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao, 6,5 triệu đồng/tháng, thấp nhất là nhóm lao động giản đơn chỉ 3 triệu đồng/tháng.
Lao động trong khu vực DNNN vẫn có mức lương cao nhất. |
Điều đặc biệt là nếu xét lương theo hình thức sở hữu, lao động làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong các quý gần đây liên tiếp thuộc nhóm có mức lương cao nhất, vượt cả khu vực FDI. Cụ thể, thu nhập lao động trong khu vực DNNN bình quân tháng đạt 6,15 triệu đồng. Tiếp đến là khu vực FDI đạt 5,09 triệu đồng, sau đó là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 4,99 triệu đồng. Lao động làm việc ở khu vực hợp tác xã có mức thu nhập thấp nhất, chỉ 2,84 triệu đồng/tháng.
Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online, về việc tại sao lương khu vực DNNN là cao nhất trong khi thực tế lao động trong khu vực này luôn kêu “không đủ sống”, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, nói rằng, từ trước tới nay, thu nhập trong DNNN và doanh nghiệp FDI luôn cao nhất. Thậm chí trong những năm gần đây, thu nhập trong DNNN còn vượt cả FDI. Điều này là do DNNN là khu vực có quy mô lớn.
“Trong nền kinh tế của chúng ta, 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần 3% còn lại tập trung nhiều vào DNNN. Theo nguyên tắc khu vực kinh tế quy mô thì tiền lương phải cao hơn, dù chúng ta vẫn cho rằng DNNN không hoạt động có hiệu quả,” bà Hương nói.
Bên cạnh đó, nếu xem về phân bố nguồn nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, khu vực DNNN bao giờ cũng có tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật cao hơn, nên tiền lương khu vực này cũng phản ánh tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.
Mặt khác, vì liên quan tới tiền lương, thu nhập nên rất nhiều người không khai báo hoặc khai không chính xác. Trong khi đó, khu vực DNNN có hệ thống thang bảng lương khá chuẩn.
Song, bà Hương cũng phải thừa nhận, có được mức lương cao như vậy cũng là do sự độc quyền của khu vực DNNN. Do đó, mô hình tiền lương trong DNNN là mô hình tiền lương độc quyền. Có nghĩa tiền lương vẫn tăng nhưng chưa chắc hiệu quả kinh tế sẽ tăng cao, và điều này sẽ gây ra sự méo mó thị trường lao động.
Cũng theo bản tin lao động này, quý II/2015, cả nước có hơn 1,4 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 15.200 người so với quý I/2015. Trong số những người thất nghiệp đó, có 607.800 người không có chuyên môn kỹ thuật, chiếm 53,1%, tăng 50.800 người so với quý I/2015. Và vẫn còn 199.400 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp (chiếm 17,4%), tăng 22.000 người.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2015 là 2,42%, giảm nhẹ so với quý I/2015.
Trong quý II/2015, ngoại trừ nhóm có trình độ cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý I, từ 7,13% xuống còn 6,56%, thì tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật khác đều tăng. Cụ thể: nhóm có trình độ đại học trở lên tăng từ 3,29% lên 4,6%; trình độ trung cấp tăng từ 3,66% lên 4,49% và trình độ sơ cấp tăng từ 2,05% lên 2,71%.
Đáng báo động, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên tiếp tục tăng. Quý 2/2015 tỷ lệ này là 6,68%, cao gấp 2,8 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung và tăng 0,08 điểm phần trăm so với quý I/2015. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị quý II/2015 lên đến 11,84%.
Theo bà Lan Hương, thất nghiệp của lao động có trình độ đại học cao và liên tục tăng là do việc phân luồng giáo dục vẫn chưa hiệu quả, khi mà hàng năm vẫn có khoảng ba phần tư học sinh theo học giáo dục đại học, trong khi nhu cầu thị trường chỉ cần 20%. Do đó, khi ra trường, nền kinh tế không thể đáp ứng được và lao động có bằng đại học sẽ ít có cơ hội việc làm hơn.
“Các nước có nền kinh tế tri thức thì người ta tập trung vào phân khúc đại học và trên đại học, còn mô hình nước ta là nền kinh tế công nghiệp thì chỉ tập trung vào giáo dục tầm trung,” bà Hương nói.
Theo Zing