Đằng sau mức tăng “khủng” kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử?

Thứ năm, 29/10/2015, 14:44
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu rất lớn, cũng giống như ngành dệt may, công nghiệp điện tử của Việt Nam không có giá trị gia tăng lớn như một số nước khác.
Muốn tăng giá trị gia tăng và thông qua đó tăng GDP Việt Nam cần phải tăng cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất FDI.

Phát biểu trong Hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thay thế hàng nhập khẩu và tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm” do Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức, ông Lưu Hoàng Long – Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp điện tử ghi nhận kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gấp nhiều lần trong những năm gần đây.

Kim ngạch xuất khẩu tăng

Kể từ năm 2012, ngành công nghiệp điện tử lần đầu tiên vượt kim ngạch xuất khẩu dầu thô, đứng đầu các ngành hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử Việt Nam

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

3,4 tỷ USD

6,9 tỷ USD

20,5 tỷ USD

32.1 tỷ USD

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu rất lớn, cũng giống như ngành dệt may, công nghiệp điện tử của Việt Nam không có giá trị gia tăng lớn như một số nước khác.

Đặc biệt, ông Long lưu ý tăng trưởng của ngành công nghiệp điện tử đang phụ thuộc rất nhiều vào đóng góp của các doanh nghiệp FDI.

“Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 1/3 trong tổng số các doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhưng lại sở hữu nhiều công nghệ cao, chiếm trên 80% thị trường trong nước và trên 90% kinh ngạch xuất khẩu”, ông nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu sử dụng lợi thế về nhân công giá rẻ và ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam.

Việt Nam không thể tăng chi phí nhân công lên nhiều để tránh mất lợi thế cạnh tranh. Do đó, muốn tăng giá trị gia tăng và thông qua đó tăng GDP Việt Nam cần phải tăng cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất FDI nêu trên, ông Long kết luận.

Cần "chung tay góp sức"

Đề xuất các giải pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp điện tử ở Việt Nam, ông Long cho rằng cả Chính phủ và các bộ ban ngành liên quan đều cần chung tay góp sức.

Kể từ năm 2012, ngành công nghiệp điện tử lần đầu tiên vượt kim ngạch xuất khẩu dầu thô, đứng đầu các ngành hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam.

Đầu tiên, để có thể thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước, đầu tiên phải tạo ra thị trường tiêu thụ mà các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia để cạnh tranh được.

Do đó, Chính phủ và Bộ Công thương cần xác định danh mục các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà trong nước có lợi thế cạnh tranh để phát triển, từ đó đề ra các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc nhóm này.

Bên cạnh đó, Chính phủ có thể tập hợp các đơn vị xúc tiến thương mại về công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thuê chuyên gia marketing chuyên sâu về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ làm việc và tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước về nội dung này.

Thứ hai, Bộ khoa học công nghệ cần thúc đẩy các chương trình KHCN quốc gia hoặc các quỹ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động về công nghiệp hỗ trợ.

Thứ ba, ngoài các chính sách hiện nay về ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước, chính phủ cần tạo cơ chế để các ngân hàng ưu tiên cho vay vốn ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ hoặc thành lập quỹ chuyên về hỗ trợ đầu tư về công nghiệp hỗ trợ.

Thứ tư, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Nhật Bản để tiếp nhận các công nghệ và đầu tư về công nghiệp hỗ trợ, cũng như thúc đẩy việc doanh nghiệp Nhật Bản mua các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích