TP.HCM: Nhu cầu tiêu dùng nhích lên, mua sắm đã rộn ràng hơn

Thứ tư, 28/10/2015, 15:37
Nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng như thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ dùng gia đình bắt đầu nhích lên khi vào mùa cưới, và thời tiết thay đổi cũng giúp không khí mua sắm chộn rộn.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 vừa được Tổng cục Thống kê công bố là chỉ số giá của một số mặt hàng vốn ít biến động trong các tháng trước như thiết bị đồ dùng gia đình, quần áo, giày dép đã tăng khá ở tháng này.

Với nhóm hàng thực phẩm, mức tăng lại càng lớn, lên đến 0,34% (so với tháng 9), cao nhất trong vòng nhiều tháng trở lại đây dù các địa phương chưa vào mùa mưa bão. Đột biến như tại TP.HCM, mức tăng của nhóm hàng thực phẩm lên tới 0,77% (so với tháng 9).

Có hai nguyên nhân chính có thể tác động đến các chỉ số này. Một là sức mua các mặt hàng kể trên đã tăng, cầu đẩy cung. Hai là mặt bằng giá mới có thể đã hình thành sau khi tỷ giá điều chỉnh.

Tuy nhiên, các con số và thông tin thống kê cho thấy, nguyên nhân nằm ở sức mua.

Theo Tổng cục Thống kê, thực phẩm tăng 0,34% do nhu cầu tiêu dùng vào mùa cưới tăng cao. Trong khi đó, may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,2% chủ yếu do thời tiết đang vào thời điểm giao mùa nên nhu cầu mua sắm hàng thu đông tăng; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%...

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 10 tháng của cơ quan thống kê cũng đánh giá, hoạt động bán lẻ hàng hóa những tháng qua có nhiều yếu tố tích cực, trong đó có nhiều chương trình khuyến mãi được triển khai tại các địa phương đã góp phần kích cầu mua sắm.

Điều này được thể hiện ở doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10 đạt 211.000 tỉ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ. Đây là những mức tăng khá so với nhiều tháng trước.

Tính chung 10 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.026.200 tỉ đồng, chiếm 76,1% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán lẻ tăng 10,7%.

Một số ngành hàng được ghi nhận có mức tăng khá như lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,7%; may mặc tăng 12,1%; phương tiện đi lại tăng 9,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 8,6%.

Tại TP.HCM, trung tâm thương mại - dịch vụ lớn nhất của cả nước, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 10 đạt 46.642 tỉ đồng, đẩy con số chung của 10 tháng đạt 438.919 tỉ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm 18%, tăng 9,2%; may mặc chiếm 6,7%, tăng 8,2%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình chiếm 18,8%, tăng 10,5%; xe ôtô tăng 98% và mặt hàng đá quý, kim loại quý tăng 31,4%.

Ghi nhận của TBKTSG Online tại một số siêu thị hàng tiêu dùng, trung tâm điện máy, điện lạnh trên địa bàn TP.HCM cũng cho thấy, không khí mua sắm khá sôi động, nhất là các ngày nghỉ.

Chẳng hạn, tại trung tâm điện máy Sài Gòn – Nguyễn Kim (Quận 1) vào ngày thứ Bảy vừa qua, lượng khách đến mua sắm khá đông, các tầng lầu (phân chia theo ngành hàng) đều nhộn nhịp người mua sắm. Thậm chí, quầy thu ngân của tầng chuyên về đồ dùng nhà bếp, khách hàng phải xếp hàng chờ đến lượt thanh toán.

“Hôm nay khách đông quá nên bây giờ em mới giao hàng được”, nhân viên giao nhận của Nguyễn Kim chia sẻ khi giao hàng cho phóng viên lúc 22 giờ đêm.

Hay tại siêu thị Co.op Extra nằm tại Trung tâm thương mại Vivo City (Quận 7), không gian mua sắm rộng lớn của đại siêu thị này trong ngày Chủ nhật vừa qua đã bớt loãng hơn rất nhiều so với cách đây chừng một tháng khi các gian hàng đều có người mua sắm. Các quầy thu ngân ở tình trạng hoạt động liên tục, khách hàng chờ 1-2 lượt để được thanh toán. Còn khu vực giao hàng thì chật kín với các xe hàng chất đầy.

Các hệ thống siêu thị, trung tâm điện máy cũng như các cửa hàng trên địa bàn TP.HCM hiện đang áp dụng rất nhiều chương trình khuyến mãi bằng rất nhiều hình thức như giảm giá, tặng quà... thu hút người tiêu dùng.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích