Giám đốc một công ty may mặc ở TP.HCM than thở, đầu năm nay tình trạng người lao động bỏ việc diễn ra nhiều hơn so với mọi năm. Nếu năm ngoái chưa đầy 10 người nghỉ sau Tết, thì năm nay số lượng tăng lên gấp 3 lần.
“Công ty tôi quy mô nhỏ nên chỉ có khoảng 50 công nhân, tuy nhiên, ra Tết 30 người đã xin nghỉ việc. Tình hình này khiến các đơn hàng gia công buộc phải giao chậm hơn so với dự kiến”, lãnh đạo doanh nghiệp trên bộc bạch.
Một doanh nghiệp ở Long An là Công ty TNHH Suntex - Long An, chuyên lĩnh vực dệt may, da giày thậm chí có mức tuyển "sốc". Với quy mô gần 1.000 công nhân, nhưng lần này công ty thông báo tuyển một lúc 500 nhân sự. Đại diện công ty cho biết đây là mức tuyển cao nhất từ trước tới nay và hiện vẫn còn thiếu khoảng 100 lao động. Năm nay, ngoài việc mở rộng quy mô thì nhân sự nghỉ việc sau Tết khá cao nên nhiều vị trí phải tuyển lại như thời kỳ đầu.
Mở rộng quy mô, nhân sự nghỉ nhiều nên các công ty trong khu công nghiệp VISIP I (Bình Dương) dồn dập tuyển lao động. Ảnh: Nguyệt Triều. |
Tương tự, tại Đồng Nai, Bình Dương khắp nơi cũng giăng đầy thông báo tuyển dụng.
Theo ông Bùi Thanh Nhân, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh có 895.000 lao động ngoài tỉnh, hiện trên dưới 45.000 lao động chưa trở lại công ty cũ làm việc.
“Qua khảo sát cho thấy, số công nhân không trở lại làm việc hầu hết là do đã tìm việc làm được ở quê nên không quay lại, hoặc họ trở lại làm việc nhưng đã tìm được nơi làm mới phù hợp hơn”, ông Nhân cho hay.
Cũng theo ông Nhân việc biến động lao động sau Tết tập trung rơi vào các doanh nghiệp sử dụng lượng lao động lớn như ngành may mặc, giày da…
Theo tìm hiểu của VnExpress, do hầu hết các doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng với đối tác nên cần tuyển gấp công nhân để kịp tiến độ giao hàng. Tại Công ty TNHH Maruei Việt Nam Precision (100% vốn của Nhật) ở khu công nghiệp VSIP I, thị xã Thuận An, thông báo tuyển dụng công nhân được đưa ra với mức lương cơ bản 3,6 triệu đồng và cam kết tổng thu nhập sẽ đạt từ 5,5 đến 8,3 triệu đồng mỗi tháng với gần chục khoản phụ cấp tiền cơm, nhà trọ, tiền xăng để thu hút người tham gia tuyển dụng, cũng như các chế độ lương thưởng, nghỉ phép…
Công ty Global Apparel chuyên may mặc hàng thun xuất khẩu cũng đăng thông báo tuyển gấp số lượng lên đến 600 công nhân lao động kèm mức lượng cam kết hưởng theo sản phẩm đạt từ 5 đến 9 triệu đồng mỗi tháng.
Còn tại Đồng Nai, theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, nhu cầu lao động tại đây cần thêm trên 50.000 người. Nguyên nhân là do các công ty mở rộng đầu tư và xuất hiện nhiều doanh nghiệp mới. Nhiều công ty đăng tuyển tới trên 4.000 người. Điển hình như Công ty TNHH giày Dona Standard Việt Nam cần tuyển hơn 4.200 lao động, Công ty TNHH giày Đồng Nai và Công ty TNHH Hwa Seung Vina... tuyển 1.000-3.000 người.
Chế độ tốt, phụ cấp được cải thiện, nhưng việc tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đạt về số lượng do nhiều yếu tố.
Anh Võ Văn Tuấn Khanh 21 tuổi, quê An Giang cho biết, thời điểm trước Tết đang làm việc cho một công ty điện tử ở khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức (TP HCM) với thu nhập trung bình 6 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên do doanh nghiệp này thường xuyên tăng ca nên vừa rồi anh quyết định ăn Tết xong sẽ chuyển qua Bình Dương làm. “Thế nhưng hai tuần đi tìm việc ở Bình Dương vẫn chưa có doanh nghiệp nào chịu tuyển dụng với mức thu nhập ở công ty cũ. Nếu không tìm được việc chắc tôi đành chấp nhận làm với mức lương thấp”, Khanh nói.
Tương tự, chị Hà cùng bạn quê ở Kiên Giang cũng đón xe ôm đi tìm việc tại các khu công nghiệp ở Bình Dương. Theo chị, trở ngại do trình độ văn hóa chưa đủ 12/12 nên chị và nhóm bạn không được nhận, đành tiếc nuối trước những công ty có mức lương khá hấp dẫn.
Nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long đăng thông báo tuyển lao động. Ảnh: Quý Đoàn |
Đại diện Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP HCM thì cho biết, tháng 3 là tháng cao điểm tuyển dụng. Do vậy, nhu cầu nhân lực bổ sung các ngành nghề sản xuất, chế biến sẽ tăng cao so với tháng một và 2. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng tại TP HCM khoảng 23.000 chỗ làm việc, tập trung nhiều trong các nhóm ngành nghề như: dệt may, giày da, chế biến thực phẩm, nhựa - bao bì, xây dựng, công nghệ thông tin, bán hàng…
Năm nay, ngoài các tỉnh thành phía Nam cấp tập tuyển nhân sự thì tại Hà Nội và các địa phương lân cận, sau Tết các nhóm ngành sợi, nhuộm, cơ khí cũng không khỏi trầy trật khi tìm lao động.
Chị Hiền, phụ trách nhân sự cho một công ty may mặc tại Thanh Hóa cho biết, đã chủ động tuyển dụng vào cuối năm 2014 nên đầu tháng 3 chỉ tuyển thêm 300 người, nhưng đến nay vẫn chưa đủ chỉ tiêu. “Công ty đã cắt cử nhân viên tận đến các xã, huyện để làm đầu mối nhưng số lượng đăng ký mới được khoảng hai phần ba”, chị Hiền cho hay.
Tại Công ty Vinawood (Gia Lâm, Hà Nội), đơn vị chuyên sản xuất và xuất khẩu ván gỗ cũng cho biết, đang đăng tuyển dụng 200 lao động phổ thông nhưng đến nay vẫn khá ít hồ sơ ứng tuyển.
"Chúng tôi không khắt khe trong việc đưa ra yêu cầu công việc, chỉ cần sức khỏe, thật thà, không chây ì… với mức lương khá hấp dẫn 7-10 triệu đồng theo năng lực. Nhưng tình hình này công ty xác định việc tuyển dụng sẽ kéo dài trong cả năm”, vị này cho biết.
Thừa nhận thực tế doanh nghiệp luôn phải chạy theo lao động suốt thời gian qua, đại diện Vinawood cho rằng, hạn chế lớn nhất của nhân lực trong nước chính là không được đào tạo bài bản, không có ý chí để phát huy khả năng của bản thân. “Nhiều trường hợp khi làm việc không theo ý muốn là họ sẵn sàng bỏ việc để tìm một công ty khác. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông bày tỏ.
Theo VnExpress