Hà Nội - Kinh Bắc: Anh là ai?

Thứ ba, 10/03/2015, 16:22
Hà Nội - Kinh Bắc, doanh nghiệp vừa gửi hồ sơ niêm yết lên HNX, là công ty như thế nào?

Khá kín tiếng trong giới kinh doanh, nên khi có thông tin Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (Hakinhvest) gửi hồ sơ niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) giữa tháng 2 vừa qua, nhiều nhà đầu tư khá bất ngờ và muốn tìm hiểu về công ty này. Vậy Hà Nội - Kinh Bắc là ai?

Hà Nội - Kinh Bắc là công ty chuyên cung cấp nguyên liệu chế biến trong ngành nông nghiệp do ông Dương Quang Lư đồng sáng lập vào cuối năm 2009 sau 18 năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại nhiều công ty lớn như Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, Công ty Nông sản Đất Việt, Công ty Lương thực Hà Bắc... Hiện ông Lư giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc tại công ty này.

Mục tiêu của Hà Nội - Kinh Bắc là đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp.

Lúc mới thành lập, Hà Nội - Kinh Bắc chỉ có 5 nhân viên với số vốn vẻn vẹn 1,8 tỉ đồng. Vốn ít nhưng nhờ có kinh nghiệm và có sẵn các đầu mối xuất khẩu từ những năm hoạt động trong ngành nông nghiệp, nên trong giai đoạn đầu, ông Lư chủ yếu hướng Hà Nội - Kinh Bắc vào mảng kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu. Công ty tập trung mua các sản phẩm tiêu, ngô, sắn, gạo... tại các tỉnh và xuất đi nhiều nước châu Á và châu Mỹ. Đơn hàng xuất khẩu nhiều nên chỉ 1 năm sau, nguồn vốn của Hà Nội - Kinh Bắc đã tăng gần 5 lần.

Với tình hình kinh doanh khả quan, Công ty nhanh chóng cho xây dựng tổ hợp chế biến gạo và nông sản tại 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định để tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Sau 6 năm hoạt động, đến nay Hà Nội - Kinh Bắc đã có 4 nhà máy chuyên về sản xuất, bắt đầu lấn sâu vào lĩnh vực trồng trọt và tham gia kinh doanh nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ năm 2010.

Kinh doanh nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi là một quyết định chớp thời cơ của Hà Nội - Kinh Bắc trong bối cảnh các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi mọc lên như nấm và ngày càng thiếu hụt nguồn nguyên liệu.

Trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất chiếm đến 70% giá thành của sản phẩm. Do đó, đây là một lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao. Ngay như Tập đoàn Thủy sản Hùng Vương cũng đem về khoản lợi nhuận gần 500 tỉ đồng trong năm 2014, nhờ nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về tự sản xuất và bán lại cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi khác.

Tuy nhiên, kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không hề đơn giản, nhất là với công ty quy mô vừa và nhỏ như Hà Nội - Kinh Bắc. Một phần lý do nằm ở khâu thu mua và sơ chế nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu được chia làm 2 loại. Sản phẩm ngô, sắn, cám gạo, đậu tương có thể mua được ở trong nước, trong khi các sản phẩm khô đậu tương, khô dừa, khô cọ thì được nhập từ Ấn Độ, Argentina… Sau đó, Công ty mới trộn lẫn 2 loại nguyên liệu này với nhau, rồi đóng gói và bán cho khoảng 12 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định.

Với vốn điều lệ 240 tỉ đồng, đến tháng 2 vừa qua, Công ty đã đăng ký niêm yết toàn bộ 20 triệu cổ phiếu, tương đương với số vốn 200 tỉ đồng thực góp. Động thái này cho thấy Hà Nội - Kinh Bắc đang muốn thu hút vốn để phục vụ chiến lược mở rộng quy mô mà Công ty đã đưa ra ngay từ những ngày đầu thành lập.

Xác định nhu cầu thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới là rất lớn nên Công ty đã đẩy mạnh đầu tư. Kế hoạch của doanh nghiệp này trong năm 2015 là sẽ lắp thêm 1 dây chuyền sấy sắn/ngô, 1 dây chuyền chế biến gạo, 1 dây chuyền chế biến tiêu với công nghệ của Hà Lan để xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và châu Âu.

Cũng trong mục tiêu sắp tới, Công ty sẽ đầu tư thu mua và cung cấp nguyên liệu tiêu chưa qua chế biến cho các công ty lớn trong nước như Intimex Bình Dương, Olam Gia Lai, Mexico Gia Lai, Vietspices Bình Dương...

Về lý do đầu tư mạnh cho ngành tiêu, theo báo cáo tài chính của Hà Nội - Kinh Bắc, rủi ro trong ngành tiêu là rất ít vì lưu kho càng lâu thì chất lượng càng tăng và tiêu đang trở thành “vua” trong ngành nông nghiệp nhờ lợi nhuận cao và nhu cầu thị trường thế giới ngày càng lớn.

Không chỉ tiêu mà sắn cũng là một mảng kinh doanh triển vọng của Hà Nội - Kinh Bắc nhờ nhu cầu cao. Theo bản cáo bạch của Công ty, nhu cầu nguyên liệu sắn cho thị trường Việt Nam trong năm 2015 được dự báo lên tới 750.000 tấn, trong khi nhu cầu mua sắn của các đối tác Trung Quốc và Hàn Quốc cũng gia tăng. Sắn được cho là mảng sẽ mang về nguồn lợi lớn cho Công ty trong năm 2015.

Để phục vụ cho các mục tiêu này, Hà Nội - Kinh Bắc sẽ cần một lượng vốn lớn. Và lên sàn là một giải pháp hiệu quả. Thời điểm lên sàn cũng chín muồi khi kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty đang khởi sắc, giúp gia tăng sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành không tăng trưởng hoặc phải giảm hoạt động.

Trường hợp của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam là một ví dụ. Tổng công ty này có 44 thành viên nhưng vừa qua có đến 19 công ty con thua lỗ, theo thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 3. Trong khi đó, Hà Nội - Kinh Bắc lại báo cáo kết quả kinh doanh năm 2014 khá khả quan. Cụ thể, doanh thu tăng 15,61% so với năm 2013, đạt 455 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 6 lần, đạt 19 tỉ đồng trong khi biên lợi nhuận là 14,86%.

Thực ra, những năm qua, Công ty cũng chịu ảnh hưởng bởi thị trường nông sản không ổn định, khiến doanh thu giảm từ 606,5 tỉ đồng năm 2012 xuống còn chỉ 393,6 tỉ đồng trong năm 2013. Tuy nhiên, nhờ có chính sách dự trữ hàng tồn kho hợp lý, mua giá thấp nhưng bán giá cao nên Hà Nội - Kinh Bắc vẫn làm ăn có lãi và cải thiện được biên lợi nhuận gộp lên mức 11,14% trong năm này.

Và nay với tình hình kinh doanh đã khả quan trở lại trong năm 2014 và dự báo tăng trưởng cao hơn cho năm nay, Hà Nội - Kinh Bắc đã đặt mục tiêu trong dài hạn là đầu tư mạnh lĩnh vực nông nghiệp và sẽ mở rộng thêm một số lĩnh vực khác như công nghiệp thực phẩm và năng lượng.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn