Đìu hiu vốn FDI
Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho hay, lũy kế đến nay, Nhật vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 35 tỉ USD vào gần 2.500 dự án thuộc 18 ngành khác nhau. Nhưng, tỉ trọng rót vốn vào ngành nông nghiệp là rất thấp với vỏn vẹn chỉ 2 dự án đã triển khai thành công.
Hàng loạt các “ông lớn” trong nước đang đổ vốn vào ngành nông nghiệp Việt Nam. |
Lý giải vì sao các nhà đầu tư Nhật hiện vẫn chưa mấy mặn mà với ngành nông nghiệp trong nước, ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Ðiều hành JETRO tại TP.HCM, cho biết kết quả điều tra của JETRO đối với khoảng 10.000 doanh nghiệp Nhật hoạt động tại 19 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm ngoái cho thấy, Việt Nam bị đánh giá ở vị trí 18/19 về độ hấp dẫn của ngành nông nghiệp. Trong đó, vấn đề bị than phiền nhiều nhất chính là thuế và vấn đề pháp lý phức tạp, chồng chéo.
Tại Hội nghị “Xúc tiến thương mại, đầu tư nông nghiệp nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long” (MDEC 2014) tổ chức vào cuối năm 2014 tại Sóc Trăng, một vị đại biểu tham dự giải thích rằng, một nhà đầu tư FDI muốn đầu tư vào ngành chế biến cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải cân nhắc nhiều yếu tố. Chẳng hạn như nếu đầu tư vào sản xuất, chế biến họ phải bỏ ra một nguồn vốn không nhỏ để xây nhà máy, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu...Trong khi thực tế là không ít doanh nghiệp nội địa thường xuyên cạnh tranh bán phá giá.
Thay vì trực tiếp đầu tư vào sản xuất và cạnh tranh với doanh nghiệp nội, nhà đầu tư ngoại đã chọn giải pháp làm nhà phân phối cho doanh nghiệp nội. “Họ không cạnh tranh với ta nhưng vẫn có thể kiếm được lợi nhuận từ chênh lệch giữa mua và bán”, vị này nói.
Trước tình hình thu hút vốn FDI trong nông nghiệp không mấy sáng sủa trong thời gian qua, không ít doanh nghiệp trong nước đang tận dụng tiềm năng của ngành này để triển khai hàng loạt các dự án đầu tư có quy mô từ thấp đến cao.
Dập dìu vốn nội
Mới đây, câu chuyện liên quan tới cô con gái của Chủ tịch Hãng Korean Air đã được giới truyền thông tại Hàn Quốc và châu Á khai thác khá đậm. Vụ việc lại xuất phát từ hạt mắc-ca được đựng trong túi do một tiếp viên mang đến mời cô Cho Hyun-ah dùng thay vì phải đựng trong đĩa.
Thú vị hơn, ngay sau đó, sản phẩm hạt mắc-ca đã nhanh chóng nổi lên thành một hiện tượng ở Hàn Quốc. Rất nhiều người dân xứ kim chi đã mua về dùng khiến doanh thu hạt mắc-ca gia tăng chóng mặt.
Tại Việt Nam, thông tin về hạt mắc-ca cũng nóng không kém. Mặc dù, loạt hạt này đã được trồng tại Việt Nam trong vài năm gần đây, nhưng nay tiềm năng lớn của nó mới chính thức được nhận diện ở tầm quốc gia.
Hôm 7.2 vừa qua, tại hội thảo chuyên đề về phát triển cây mắc-ca, Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã chính thức giới thiệu lộ trình triển khai đề án đầu tư phát triển cây mắc-ca, dự kiến quy mô lên tới hơn 20.000 tỉ đồng trong 5 năm, bắt đầu từ năm nay. Đây cũng là dự án đầu tiên hướng đến việc phát triển quy mô lớn cây mắc-ca tại Việt Nam, được tổ chức từ tạo giống, quy hoạch vùng nguyên liệu và cho vay vốn, cũng như trực tiếp tham gia với các hộ nông dân.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch LienVietPostBank, cho biết quy mô vốn nói trên nằm trong khả năng của ngân hàng, được tính toán phù hợp với lộ trình giải ngân trong khoảng 5 năm, triển vọng phát triển từ 250.000 - 500.000ha tại các tỉnh Tây Nguyên.
Mắc-ca hiện là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, được mệnh danh là “cây tỉ đô” tại Việt Nam, có nhu cầu xuất khẩu cao và đã được trồng thử tại một số địa phương với kết quả khả quan. Tính đến tháng 9.2014, diện tích trồng mắc-ca tại Kon Tum là 50ha, Gia Lai 80ha, Đắk Lắk 500ha, Đắk Nông 600ha và Lâm Đồng 400ha.
“Từ bây giờ cho đến khi tạo được vùng nguyên liệu 500 đến 1 triệu ha thì chỉ mới đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Nếu đạt quy mô này, Tây Nguyên sẽ trở thành thủ phủ mắc-ca của Đông Nam Á”, ông Hưởng, LienVietPostBank, nói.
Tỉ trọng FDI vào nông nghiệp đã giảm 30 lần chỉ sau 15 năm |
Một đại gia khác cũng quyết định lấn sân sang nông nghiệp chính là Ðoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). “Tôi sẽ mở rộng đàn bò vì đây là kênh hiệu quả nhất trong tất cả những ngành Tập đoàn từng đầu tư. Nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh”, ông Đức khẳng định tại buổi ra mắt sản phẩm thịt bò tơ Úc thông qua hợp tác với Công ty Vissan vừa qua.
Theo đó, nuôi bò giúp doanh nghiệp tận dụng được mọi nguồn lực đang có gồm đồng cỏ, nguồn nước, các phụ phẩm nông nghiệp và quỹ đất. Đây còn là ngành cho doanh thu ổn định, quay vòng vốn nhanh, lợi nhuận tốt và hơn hẳn các ngành còn lại của HAGL như thủy điện, mía đường, bắp, cao su, dầu cọ.
Tháng 7.2014, HAGL công bố sẽ phát triển đàn bò quy mô 110.000 con nhưng bầu Đức cho biết, ông có kế hoạch tăng lên 200.000 con. Kế hoạch đầu tư chăn nuôi bò tính riêng tại Gia Lai dự kiến cần 4.000 tỉ đồng. Vốn đầu tư giai đoạn một trong các năm 2014 - 2015 là 3.100 tỉ đồng. HAGL cũng vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất cả năm 2014, với tỉ trọng doanh thu lên tới 48% cho mảng nông nghiệp bao gồm mía đường, bắp và cao su.
Một doanh nghiệp trong nước khác có quy mô tỉ USD trong năm qua cũng quyết định sẽ khai phá lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là Tập đoàn FPT. Theo đó, Tập đoàn Fujitsu và FPT sẽ triển khai thử nghiệm dịch vụ Akisai Cloud trong thời gian một năm (2015 - 2016). Fujitsu sẽ cung cấp giải pháp công nghệ, các thiết bị đi kèm và chuyên gia tư vấn. FPT sẽ tiếp nhận việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ của Fujitsu vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.
Cụ thể, đây là mô hình nhà kính trồng cà chua, dưa chuột, ớt ngọt và hoa lan tại Hà Nội và TP.HCM, sử dụng thiết bị tưới nước, dùng cảm biến để đo chất lượng không khí, nhiệt độ, độ ẩm. Hiện ở Nhật, năng suất cà chua sản xuất theo mô hình này đạt tới 50 tấn/ha, cao gấp 2,5 lần so với trồng tự nhiên mà chỉ cần 5 lao động, cho doanh thu tương đương khoảng 9 tỉ đồng/ha/năm.
“Trên thế giới, không có quốc gia nào có lợi thế nông nghiệp như Việt Nam. Vậy tại sao chúng ta không làm? Nếu quyết tâm, 10 - 15 năm sau, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc nông nghiệp”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, đặt kỳ vọng.
Mới nhất, Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát cũng vừa thông qua phương án thành lập công ty con là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại và sản xuất Thức ăn Chăn nuôi Hòa Phát với 100% vốn từ tập đoàn mẹ. Vốn điều lệ dự kiến 300 tỉ đồng. Lĩnh vực hoạt động của công ty con sẽ là chăn nuôi lợn, gia cầm, hoạt động dịch vụ chăn nuôi, chế biến, bảo quản thịt và sản phẩm từ thịt, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản...
Mặc dù thông tin phản hồi từ Hòa Phát là Tập đoàn sẽ chỉ trả lời về chiến lược đầu tư vào ngành nông nghiệp tại kỳ Đại hội Cổ đông 2015 tới đây, nhưng rõ ràng việc Hòa Phát chính thức đặt chân vào lĩnh vực này càng thêm khẳng định cho tiềm năng của ngành kinh tế cốt lõi của Việt Nam.
Năm 2014, Hòa Phát đạt mức doanh thu 25.525 tỉ đồng, tăng 6.600 tỉ đồng (35%) so với 2013. Lợi nhuận ròng tăng 61%, từ 1.954 tỉ đồng lên mức 3.144 tỉ đồng.
Việc hàng loạt các “ông lớn” trong nước đang đua nhau đổ vốn vào ngành nông nghiệp càng minh chứng cho tiềm năng của nông nghiệp. Thực tế này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên lực hút mới đối với các nhà đầu tư ngoại vào ngành nông nghiệp ngay trong năm 2015.
Theo NCĐT