Việt Nam đã quá nổi tiếng với văn hóa uống bia. Năm 2014, theo công bố của Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, tốc độ của ngành sản xuất bia tuy có chậm lại so với các năm trước nhưng vẫn tăng tới 10%. Sản lượng bia tiêu thụ toàn thị trường đạt tới 3,1 tỉ lít trong năm ngoái; và Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường tiêu thụ bia nhiều nhất châu Á.
Còn theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Business Monitor International (BMI), doanh thu ngành bia ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng đến 12%/năm trong giai đoạn 2014 - 2018.
Thế nhưng, có một điều dễ thấy là phong cách và văn hóa hưởng thụ bia của người Việt vẫn còn khá đơn giản. Trước đây, bên cạnh các quán ăn nhà hàng theo phong cách truyền thống, người Việt vẫn có thể lui tới vũ trường, quán bar để có thể tận hưởng những ngụm bia mát lạnh trong không khí thoải mái với âm nhạc, khiêu vũ. Tuy vậy, có thể nhận ra một điều rằng các quán bar hay vũ trường vẫn là những địa điểm khá “xa xỉ”, không dành cho số đông với khả năng chi tiêu ở mức trung bình.
Chính vì lẽ đó, gần đây, mô hình Beer Club với phong cách nhẹ nhàng hơn so với quán bar hay vũ trường đã ra đời để đáp ứng được nhu cầu của thị trường; và trở thành một cơn sốt mới ở Việt Nam. Vậy tiềm năng của mô hình kinh doanh mới này cụ thể ra sao?
Ông Đinh Xuân Được, một chuyên gia nổi tiếng trong ngành Thực phẩm & Ðồ uống (F&B) và CEO Au Viet Culinary Group. |
Beer Club xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2011 với thương hiệu Vuvuzela của Công ty Cổng Vàng. Ðến nay, chỉ tính riêng ở TP.HCM, số lượng Beer Club đã lên tới hàng chục với các thương hiệu nổi tiếng như KingDom, Racing, Republic, Guru, Beer Market Underground...
Ông Đinh Xuân Được, một chuyên gia nổi tiếng trong ngành Thực phẩm & Ðồ uống (F&B) và là CEO Au Viet Culinary Group cho biết mô hình Beer Club được thị trường đón nhận vì kết hợp thành công được 2 yếu tố “ăn uống” và “vui chơi”. Nếu như mô hình nhà hàng hay quán ăn truyền thống chỉ đáp ứng về nhu cầu “ăn uống”, còn quán bar hay vũ trường chủ yếu đáp ứng nhu cầu “vui chơi”, thì Beer Club lại cùng lúc đáp ứng được cả 2 nhu cầu này.
Ngoài ra, việc tìm ra phân khúc khách hàng khác biệt cũng mang lại sự thành công cho mô hình Beer Club. Bởi nếu so với phân khúc hạng sang là quán bar hay vũ trường với đối tượng khách chủ yếu là giới trẻ phong cách và những người có khả năng chi tiêu cao, thì Beer Club lại hướng đến đối tượng đông đảo hơn bao gồm dân văn phòng, thanh niên... với khả năng chi tiêu thấp hơn. “Thông thường, chỉ cần trong túi có vài trăm ngàn là bạn đã có thể đến vui chơi tại một Beer Club, so với con số vài triệu đồng khi muốn đến quán bar”, ông Được nói.
Một điểm quan trọng khác làm nên sự thành công của Beer Club là có thiết kế đáp ứng được yêu cầu giải trí, tạo ra một không gian khác lạ để khách hàng có thể tận hưởng cảm giác uống bia thoải mái. Theo ông Được, phần lớn các Beer Club hút khách đều có thiết kế vừa phải ấn tượng, mạnh mẽ nhưng vẫn giản đơn và có một chút “bụi”.
Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất phải đúng chất “bụi”, phong cách phục vụ năng động và diện tích tối thiểu khoảng 450m2, một Beer Club muốn thành công còn phải đảm bảo chất lượng món ăn, sản phẩm bia mà đặc biệt là bia tươi. Ngoài ra, Beer Club phải xây dựng chương trình giải trí chuyên nghiệp để thực khách thêm hưng phấn.
Thêm vào đó, một Beer Club muốn “chắc ăn” còn phải có một kế hoạch marketing, khuyến mãi bài bản, dài hơi ngay từ đầu. Đơn cử như Racing. Ðây là Beer Club lớn nhất TP.HCM với diện tích hơn 1.000m2 ở quận Gò Vấp. Dù nằm cách xa khu vực trung tâm và ra mắt trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, nhưng với chiến lược marketing hợp lý, Racing đã ngay lập tức đã thu hút được đông đảo khách hàng ủng hộ và sánh ngang với các Beer Club đình đám khác.
Khía cạnh tài chính của mô hình Beer Club cũng rất hấp dẫn. Theo kinh nghiệm tư vấn của ông Được, chi phí đầu tư cho một Beer Club dao động từ 6 - 9 tỉ đồng. Với mức lãi gộp có thể đạt tới 35% cho thức ăn và 50% đối với bia, nếu thành công, nhà đầu tư có thể hòa vốn chỉ trong vòng 12 tháng. Tuy vậy, khả năng thất bại cũng không phải là nhỏ nếu nhà đầu tư không quan tâm đầy đủ đến tất cả các khía cạnh nêu trên.
“Với mức đầu tư ban đầu cũng như chi phí vận hành cao, Beer Club nào ra mắt mà không đạt chuẩn và không nhận được sự ủng hộ của khách hàng thì sẽ bị đào thải trong khoảng 2 - 3 tháng kinh doanh”, ông Được chia sẻ.
Năm 2014, Công ty Cổng Vàng (sở hữu chuỗi Vuvuzela) đã gây tiếng vang lớn khi nhận được đầu tư từ quỹ đầu tư tư nhân Standard Chartered Private Equity, với giá trị 35 triệu USD. Sự kiện này phản ánh một thực tế rằng thị trường ăn uống và giải trí của Việt Nam vẫn rất tiềm năng với dân số đông, trẻ tuổi và thu nhập ngày càng cao. Vì thế, một công ty kinh doanh mô hình Beer Club có chiến lược phát triển chuyên nghiệp hoàn toàn có thể thu hút được sự quan tâm của các quỹ đầu tư.
Trong thời gian tới, theo ông Được, bên cạnh mô hình Beer Club nguyên bản (ăn và chơi tập trung trong một không gian tiêu chuẩn), những mô hình kinh doanh bia khác như Beer Garden (Vườn bia), Beer Station (Trạm bia), Beer House (Nhà hàng bia)… cũng có thể mang tới những nét mới và hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh như Beer Club.
Sự phát triển của trào lưu Beer Club còn mang lại cơ hội kinh doanh cho những ngành nghề khác có liên quan. Một trong số đó là dịch vụ tư vấn thiết kế và đào tạo nguồn nhân lực.
Chia sẻ với người viết, ông Được cho biết với lợi thế là một Trường chuyên về đào tạo nghề Pha chế (www.truongdayphache.vn) quy tụ được đội ngũ giảng viên cũng là chuyên viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vự F&B, Âu Việt Group đã nhận nhiều hợp đồng tư vấn xây dựng mô hình Beer Club từ các chủ đầu tư có vốn nhưng ít kinh nghiệm trong lĩnh vực mới mẻ này.
Bên cạnh khâu thiết kế, các chuyên gia tư vấn như ở Âu Việt sẽ giúp nhà đầu tư xây dựng chiến lược, lên kế hoạch marketing tổng thể và thực hiện đào tạo nhân sự. “Mức phí mà chúng tôi lấy dao động trong khoảng 5% tổng giá trị đầu tư”, ông Được cho hay.
Theo NCĐT