Ông Đặng Thành Tâm: "Cứ giúp doanh nghiệp hoạt động tốt, nợ xấu sẽ hết"

Thứ sáu, 20/02/2015, 10:00
Ông Đặng Thành Tâm cho rằng, cách xử lý hiệu quả nhất khá đơn giản, "cứ tạo chính sách điều kiện giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn thì nợ xấu sẽ hết".

Trải qua năm 2104 đầy thách thức, kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định và đang có nhiều tín hiệu khởi sắc vào đầu năm 2015. Ông Đặng Thành Tâm - Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM, đồng thời cũng là một doanh nhân, chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam nhận định rằng, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành những mục tiêu lớn trong năm Ất Mùi, để nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Kinh tế Việt Nam vượt qua khủng hoảng

- Năm 2014 đã trôi qua với rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam. Theo ông kết quả đạt được đã phản ánh thực chất sức khỏe của nền kinh tế?

Trong những năm qua nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhiều gian nan thử thách, đặc biệt khối doanh nghiệp trong nước hết sức khó khăn, tỷ lệ đơn vị kinh doanh lỗ lên đến 70%. Khó khăn liên tục nhiều năm cũng làm doanh nghiệp Việt Nam mệt mỏi và đầy suy tư.

Tuy vậy, chúng ta cũng cần thấy được những điểm sáng rất tích cực, đó là: Chính phủ đã hoàn thành cơ bản quá trình tái cấu trúc nền kinh tế để tăng năng lực cạnh tranh và bước vào giai đoạn mới ổn định, phát triển bền vững, với những điểm nổi bật:

Thứ nhất, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (cơ bản hơn 90% doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt đề án tái cấu trúc, đã và đang tái cấu trúc tốt.

Thứ hai, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, cơ bản Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt đề án tái cấu trúc cho các ngân hàng và cơ bản hệ thống ngân hàng đã lành mạnh hơn trước nhiều. Quá trình này không tránh khỏi những tổn thất, nhưng việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng lành mạnh có tác dụng quyết định đến việc phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Ngân hàng nhà nước đã làm được điều rất quan trọng đó là kiểm soát được thị trường vàng và đô la, góp phần ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát, hạ lãi suất vay xuống rất thấp giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.

Thứ ba là tái cấu trúc chỉ tiêu ngân sách và đầu tư công: Đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà Chính phủ quyết tâm cao độ để đạt được.

Thứ tư, các doanh nghiệp nhà nước cũng đã tự tái cấu trúc mạnh mẽ để tăng năng lực cạnh tranh và hội nhập, mặc dù chúng ta cũng phải chứng kiến nhiều doanh nghiệp đã phải phá sản.

Ông Đặng Thành Tâm: Những nỗ lực của Chính phủ đang giúp nền kinh tế phát triển lành mạnh.

- Ông có dự báo gì về nền kinh tế Việt Nam năm 2015 và giai đoạn sau đó tới năm 2020?

Quan điểm của tôi rất tích cực dù nhiều người lo ngại giá dầu giảm 1 USD thì thất thu 1.000 tỷ ngân sách. Cứ cho là giảm ngoài dự kiến 50 USD/thùng so với mức giá chúng ta chọn để tính toán (chắc chắn không bao giờ giảm được như thế) thì ngân sách hụt 50.000 tỷ đồng. Nhưng nhìn vào các năm trước, năm nào thu ngân sách cũng vượt hơn 10% (tức là vượt 80.000-100.000 tỷ đồng); huống chi Việt Nam là nước nhập khẩu năng lượng nhiều hơn xuất khẩu, như vậy giá dầu giảm thì nền kinh tế được hưởng lợi nhiều hơn.

Bênh cạnh đó, Chính phủ đã cơ bản hoàn tất quá trình tái cấu trúc nền kinh tế lành mạnh và tăng sức cạnh tranh dẫn đến phát triển ổn định và bền vững, như vậy các chính sách vĩ mô tốt, các điều kiện phát triển đầy đủ thí dụ như: Hệ thống pháp luật cụ thể rõ ràng minh bạch hơn, nguồn vốn dồi dào và lãi suất thấp hơn; đầu ra sản phẩm cũng được mở rộng nhờ các hiệp định thương mại tự do với Châu Âu, Nga, Belarus, Hàn Quốc... Đặc biệt còn có những tín hiệu rất tích cực cho thấy TPP sẽ được ký sớm sẽ mở ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam; đồng thời năm 2015 cũng là năm hội nhập về kinh tế trong khối Asean.

Chính các yếu tố căn bản nêu trên sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh, ổn định, bền vững vào năm 2015 và những năm tiếp theo. Tôi tin tưởng GDP Việt Nam sẽ cao hơn mức 6,2% mà Quốc hội thông qua (ngay quý 4/2014 tăng trưởng đã cao hơn con số này).

Thời cơ cũng là thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam

- Mục tiêu đặt ra là nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào 2020. Theo ông, mục tiêu này có thể hoàn thành đúng thời hạn không? Những khó khăn gì đang làm chậm mục tiêu này?

Tôi khẳng định chúng ta sẽ đạt được sớm hơn kế hoạch. Có thể thấy các chỉ số phát triển công nghiệp rất cao, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao đang phát triển rất tốt ở Việt Nam, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài đang thu hút rất mạnh các doanh nghiệp công nghệ cao. Điều hết sức quan trọng là chất lượng tăng trưởng và chất lượng công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỷ lệ nội địa càng cao càng tốt, cũng như giá trị gia tăng trong nước, kể cả dịch vụ công nghiệp trong nước cũng ậy.

Nhìn tổng thể thì chưa có gì đáng lo ngại là chúng ta không đạt được kế hoạch công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tuy vậy để phát triển nhanh, mạnh và vững chắc hơn, chúng ta vẫn cần quan tâm đến những vấn đề sau:

Một là cần có cơ chế cụ thể rõ ràng và mạnh mẽ hơn về công nghiệp phụ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa cũng như gia tăng giá trị trong nước đối với công nghiệp phụ trợ công nghệ cao. Đối với công nghiệp cơ khí, công nghiệp dệt may cũng rất cần đột phá về chính sách để giảm nhập khẩu phụ kiện và nguyên vật liệu từ Trung Quốc.

Hai là cần chủ động hơn nữa dịch vụ công nghiệp trong nước như công nghiệp cơ khí chế tạo sản xuất máy móc mà cụ thể là các máy móc nông nghiệp và máy móc khai thác hầm mỏ. Trước đây, chúng ta ước muốn phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô, nhưng thực tế cho thấy chúng ta không thành công trong việc này, mà công nghiệp sản xuất điện thoại di động lại bùng nổ mạnh hơn ở nước ta.

Một vấn đề vừa là lợi thế nhưng cũng sẽ là thách đố như TPP sẽ mở ra cơ hội mở rộng thị trường cho Việt Nam, nhưng đồng thời cũng mở thị trường cho nước ngoài vào. Vậy làm thế nào doanh nghiệp trong nước gia tăng được lợi thế là vấn đề không đơn giản. Tiếp tục phát triển công nghiệp là quan trọng nhưng làm sao doanh nghiệp trong nước không tụt hậu và sẽ có được những doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh như Samsung hay LG của Hàn Quốc mới là vấn đề đáng phải suy nghĩ.

Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua 1 năm đầy thách thức. ảnh minh họa, nguồn internet.

- Đối với mỗi quốc gia, hệ thống ngân hàng được coi là xương sống của nền kinh tế. Ở nước ta thì nỗi lo nợ xấu vẫn luôn rình rập, thậm chí có người ví nó như cục máu đông làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tài chính quốc gia. Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, theo ông xử lý nợ xấu thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?

Quan điểm của tôi khá đơn giản, cứ tạo chính sách điều kiện giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn thì nợ xấu sẽ hết. Đây chính là giải pháp căn bản nhất và thực chất nhất. Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có tiền trả ngân hàng thì nợ xấu sẽ chuyển thành nợ bình thường thôi.

Thời gian qua, Chính phủ và đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đã rất thành công trong việc giảm nợ xấu, điển hình là đã cho phép tái cấu trúc nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp để họ tập trung trả nộ gốc trước, trả nợ lãi sau, làm giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.

Đồng thời cũng mở cơ chế tín dụng để dòng vốn lưu thông đến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng việc cho phép ngân hàng thương mại cho vay không cần tài sản thế chấp mà dựa vào dự án khả thi; Lãi suất hạ thấp, dự trữ ngoại hối được quản lý tốt và ổn định tỷ giá.

Điều quan trọng là Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã quản lý, kiểm soát tốt lạm phát, giúp tăng trưởng dương. Chính phủ cũng đang áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, khi nền kinh tế phát triển lành mạnh một cách cơ bản nhất thì nợ xấu tự nhiên biến mất thôi.

Tôi tin rằng trong năm mới Ất Mùi, với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các ngành các cấp, đất nước sẽ đạt được những thắng lợi lớn, tạo bước ngoặt trong sự nghiệp phát triển, đưa đời sống của người dân lên cao.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo GDVN

Các tin cũ hơn