Cú sốc bất ngờ của kinh tế Mỹ

Thứ tư, 18/02/2015, 08:21
GDP Mỹ tăng trưởng 5% trong quý III/2014, mức cao nhất kể từ năm 2003, trong khi tốc độ tạo ra việc làm cũng nhanh nhất trong 15 năm qua. Tất cả những dấu hiệu này cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi vững chắc. Và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phát đi tín hiệu rằng sẽ tăng lãi suất ngắn hạn trong năm nay trước đà khởi sắc của kinh tế nước này.

Thế nhưng, thứ Ba tuần qua, cả phố Wall đã chao đảo khi chứng kiến báo cáo lợi nhuận đầy thất vọng của các doanh nghiệp Mỹ. Lý do chủ yếu là đồng USD mạnh lên khiến doanh số và lợi nhuận của các tập đoàn lớn giảm mạnh, buộc họ phải cắt giảm chi phí để bù đắp thiệt hại này. Giới phân tích lo ngại, động thái trên có thể sẽ đe dọa đà phục hồi của kinh tế Mỹ.

Các đơn đặt hàng máy móc của doanh nghiệp Mỹ đã giảm 3,7% trong tháng 12.

Những con số lợi nhuận đầy thất vọng

Tác động của đồng USD mạnh lên như một con sóng dữ quét qua hàng loạt doanh nghiệp Mỹ từ tập đoàn hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G) cho đến tập đoàn phần mềm Microsoft, gã khổng lồ trong ngành dược phẩm Pfizer.

Các doanh nghiệp này và nhiều công ty khác đã bành trướng rất nhanh ra khỏi lãnh thổ nước Mỹ trong những năm qua để tìm kiếm các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Và giờ đây, họ đang đối mặt với tình thế éo le khi doanh số bán đang giảm mạnh về giá trị hoặc không thể theo kịp tốc độ gia tăng của chi phí mà được tính bằng USD. Thậm chí Apple, tuy thứ Ba tuần qua báo cáo lợi nhuận tăng mạnh nhờ nhu cầu cao đối với các chiếc iPhone có màn hình lớn hơn, cũng đưa ra khuyến cáo đồng USD đang là nguyên nhân chủ yếu tạo sức ì lên kết quả kinh doanh.

Thực ra, tác động của đồng USD mạnh lên đã được nhìn thấy từ trước. P&G nhiều tháng trời đã đưa ra khuyến cáo về nguy cơ này đối với kết quả kinh doanh. Nhưng mức độ thiệt hại mà cú sốc tiền tệ gây ra dường như vượt quá dự kiến của doanh nghiệp và giới đầu tư, khiến họ không khỏi bất ngờ. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm tới 1,7% còn chỉ 17.387 điểm, mức giảm mạnh nhất trong 3 tuần.

Điều tồi tệ hơn, kết quả kinh doanh ảm đạm của giới doanh nghiệp Mỹ lại xuất hiện đồng thời với các số liệu mới cho thấy giá dầu giảm và đồng USD mạnh lên đang tác động đến kinh tế Mỹ theo những cách mà không ai ngờ tới.

Cụ thể, thứ Ba tuần qua, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh nghiệp nước này đã giảm mạnh chi phí đầu tư cơ bản trong những tháng cuối năm 2014. Động thái đó khiến nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng duy trì đà phục hồi của kinh tế Mỹ trong bối cảnh triển vọng của các nền kinh tế khác không mấy khả quan.

Nhà sản xuất thiết bị nặng Caterpillar Inc. cho biết đồng USD mạnh hơn đang tạo thêm sức ép mới lên doanh số bán, dù các vấn đề lớn hơn mà Công ty đang đối mặt là sự giảm mạnh trên các thị trường dầu mỏ và giá các loại hàng hóa như đồng, than đá và quặng sắt giảm. Caterpillar đã đưa ra kế hoạch cắt giảm mạnh hơn nữa chi tiêu trong năm 2015 để bù đắp vào sự ảm đạm ở các thị trường.

Đồng USD mạnh có thể tổn hại các doanh nghiệp Mỹ theo nhiều cách. Thiệt hại dễ thấy nhất là tác động tỉ giá: doanh số bán của doanh nghiệp Mỹ ở các thị trường nước ngoài có thể tiếp tục tăng lên nếu xét theo giá trị đồng tiền của nước đó, nhưng khi đổi trở lại sang đồng USD, doanh số bán lại thấp hơn. Điều này còn có thể tạo ra mức chênh lệch lớn giữa chi phí và doanh thu và làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu.

P&G bị giảm doanh số cũng là vì thế: đồng USD mạnh lên, cùng với việc ghi giảm giá trị tài sản bộ phận pin Duracell đã khiến lợi nhuận của Tập đoàn giảm tới 31% trong khi doanh số giảm 4%. Tập đoàn cho biết tác động tỉ giá có thể làm bốc hơi 1,4 tỉ USD lợi nhuận trong năm nay.

Theo P&G, cú sốc tiền tệ chủ yếu tập trung ở 6 quốc gia: Nga, Ukraine, Venezuela, Argentina, Nhật và Thụy Sĩ. Tập đoàn dự kiến chỉ riêng đồng ruble của Nga giảm giá đã lấy đi 550 triệu USD lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp này. P&G cũng đang bị thiệt hại do đồng franc Thụy Sĩ tăng mạnh. Tập đoàn tuyển dụng nhiều lao động tại Thụy Sĩ, nên chi phí hoạt động kinh doanh tại đây đang lớn hơn rất nhiều so với doanh số bán tạo ra từ thị trường này.

Trước tình hình trên, P&G đang phải dùng đến biện pháp cắt giảm chi phí như cắt giảm lao động, đồng thời chuyển nhiều công việc quảng cáo hơn sang các kênh kỹ thuật số. Tập đoàn cũng đang tăng giá bán và xây dựng khoảng 20 nhà máy sản xuất mới, chủ yếu tập trung ở các thị trường tăng trưởng nhanh hơn, để có thể rút ngắn chênh lệch giữa chi phí và doanh số. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ mất nhiều thời gian mới phát huy tác dụng.

Các công ty khác cũng bị tác động không nhỏ. Pfizer cho biết tác động tỉ giá sẽ lấy đi 2,8 tỉ USD khỏi doanh thu năm 2015. Microsoft thì đưa ra dự báo tình hình tài chính kém khả quan hơn dự kiến, khiến giá cổ phiếu giảm tới hơn 9%, lấy đi gần 35 tỉ USD khỏi mức vốn hóa thị trường của tập đoàn này.

Hiện giờ, các chuyên gia dự báo các công ty thuộc chỉ số S&P 500 chỉ đạt 0,5% về tốc độ tăng trưởng doanh số bán trong khi tăng trưởng về lợi nhuận mỗi cổ phiếu chỉ 3,3%, theo Thomson Reuters. Trước đó vào ngày 1/1/2015, giới phân tích lại dự đoán các con số tăng trưởng khả quan hơn, lần lượt là 1,3% và 4,2%.

Dấu hỏi về đà phục hồi kinh tế Mỹ

Thông tin về kết quả kinh doanh ảm đạm của doanh nghiệp Mỹ lại xảy đến giữa lúc các chuyên gia đang nhận nhiều tín hiệu tốt xấu đan xen về sức khỏe của kinh tế Mỹ. Trong khi số liệu kinh tế vĩ mô lại cho thấy tăng trưởng và tốc độ tạo ra việc làm cũng khả quan thì những số liệu gần đây hơn lại cho thấy điều ngược lại. Doanh số bán lẻ đã giảm 0,9% vào tháng 12, cho thấy một thực tế là khó có thể trông cậy vào việc giá dầu giảm để kích thích chi tiêu tiêu dùng.

Trong khi đó, đầu tư doanh nghiệp thì suy giảm. Báo cáo hôm thứ Ba tuần qua cho thấy đơn đặt hàng máy móc đã giảm 3,7% trong tháng 12, theo sau các mức sụt giảm trong tháng 11 và tháng 10. “Các con số này không ngờ lại ảm đạm đến như vậy, như tạt một gáo nước lạnh vào tâm lý lạc quan của nhiều người về hoạt động đầu tư doanh nghiệp trong năm 2015”, chuyên gia kinh tế Stephen Stanley của Amherst Pierpont Securities nhận xét.

Đơn đặt hàng đối với hàng hóa lâu bền như ôtô và thiết bị nhà bếp cũng cho thấy triển vọng không mấy chắc chắn của các nhà sản xuất Mỹ, trong bối cảnh Nhật đang suy thoái, tăng trưởng Trung Quốc hạ nhiệt, còn châu Âu thì đình đốn. Cụ thể, đơn đặt hàng đối với hàng bền đã giảm 3,4% trong tháng 12.2014 (so với tháng trước đó), theo sau mức giảm sâu của tháng 11.

Báo cáo từ các nhà sản xuất cũng cho thấy tác động quá lớn của đồng USD mạnh lên. United Technologies Corp., nhà sản xuất máy điều hòa không khí Carrier, đã cắt giảm mạnh triển vọng doanh số năm 2015 tới 1,5 tỉ USD, xuống chỉ còn 65-66 tỉ USD, chủ yếu do tác động tỉ giá. Mức thiệt hại này lớn hơn cả những gì Công ty dự kiến hồi đầu tháng 12.

Tất cả những con số kém lạc quan này đã buộc giới chuyên gia kinh tế phải hạ triển vọng tăng trưởng trong quý hiện tại. Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng chỉ xấp xỉ 3% trong quý IV/2014 sau khi tăng trưởng tới 5% trong quý III. Nhưng đối với quý I/2015, tăng trưởng ước tính chỉ xấp xỉ 2%. “Đồng USD mạnh lên sẽ không tốt cho ngành sản xuất Mỹ cũng như cho cả nền kinh tế nước này”, Doug Oberhelman, Tổng Giám đốc Caterpillar Inc., trả lời các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư vào tuần qua.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn