Nhập siêu từ Trung Quốc: Chóng mặt!

Chủ nhật, 15/02/2015, 08:03
Muốn thoát dần sự lệ thuộc vào nhập siêu từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam phải gia tăng sức cạnh tranh, giúp nền kinh tế trong nước mạnh lên    

Theo Tổng cục Thống kê, ngay trong tháng 1/2015, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục nhập siêu khoảng 500 triệu USD. Vài tháng qua, cán cân thương mại của Việt Nam đã quay trở lại mức thâm hụt và Bộ Công Thương dự báo năm 2015, nền kinh tế nước ta có thể nhập siêu 6-8 tỉ USD. Trong đó, nhập siêu từ Trung Quốc không ngừng tăng mạnh những năm qua đã xóa sạch mọi nỗ lực xuất siêu từ các thị trường khác.

Thứ gì cũng nhập

Những ngày cận Tết Ất Mùi, lượng hàng hóa đổ về các chợ truyền thống, siêu thị ngày càng nhiều. Trong đó, các mặt hàng của Trung Quốc tràn ngập, từ sản phẩm trang trí, tiêu dùng, đồ dùng gia đình đến bánh kẹo, quần áo...

Thực phẩm Trung Quốc về chợ Bình Tây (TP HCM)Ảnh: TẤN THẠNH
Thực phẩm Trung Quốc về chợ Bình Tây (TP.HCM)

Chị Nguyễn Thị Mai - một tiểu thương chợ Phước Bình, quận 9, TP.HCM - cho biết năm nay, chị không nhập các loại khay đựng mứt từ Trung Quốc mà chỉ bán hàng Việt Nam nhưng rất ế ẩm. Theo quan sát của phóng viên, khay mứt hàng Việt mẫu mã đơn giản, nhìn không sang. Trong khi đó, khay mứt xuất xứ từ Trung Quốc đủ màu sắc, kiểu dáng và giá rẻ hơn nên được khách hàng chọn mua nhiều.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2015, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng rất mạnh (47,1% so với cùng kỳ năm 2014, với 4,2 tỉ USD). Trong khi đó, xuất khẩu qua thị trường này giảm 2,5% (1,4 tỉ USD) khiến nhập siêu tăng mạnh (2,8 tỉ USD). Nhiều năm qua, trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam chỉ xuất siêu khoảng 135 triệu USD vào năm 2000 và liên tục nhập siêu cho đến nay. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Năm 2014, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này ở mức kỷ lục với 28 tỉ USD.

Phần lớn hàng nhập từ Trung Quốc là hàng trung gian, chiếm 60% gồm nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, điện tử; các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm khoảng 30%; hàng tiêu dùng chiếm 10%. Trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2014, Việt Nam tốn hàng chục tỉ USD cho nguyên phụ liệu dệt may, da giày, vải các loại, sắt thép, máy vi tính và sản phẩm điện tử linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng, điện thoại các loại...

Đó là chưa kể một lượng hàng tiêu dùng khổng lồ từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam theo đường biên mậu, buôn lậu. Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm WTO cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xuất nhập khẩu qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn có sự chênh lệch. Số liệu phía Trung Quốc thường cao hơn, nguyên nhân xuất phát từ hàng nhập tiểu ngạch đường biên mậu, hàng lậu, trốn thuế. Chẳng hạn, năm 2012, Việt Nam công bố con số nhập khẩu từ Trung Quốc là 28,8 tỉ USD nhưng theo cơ quan chức năng Trung Quốc thì đến 34 tỉ USD.

Khó “thoát Trung” nếu...

Thời điểm xảy ra sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 trên biển Đông giữa năm 2014, rất nhiều ý kiến hô hào phải “thoát Trung” về kinh tế để giảm phụ thuộc. Nhưng thực tế, số liệu thống kê cho thấy nhập khẩu và nhập siêu từ thị trường này vẫn không ngừng tăng.

Với thể trạng nền kinh tế còn yếu và đang phát triển như Việt Nam, việc phải nhập siêu từ các thị trường là điều dễ hiểu. Với Trung Quốc - nền kinh tế hàng đầu thế giới, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi nhập quá nhiều từ thị trường này. Thống kê cho thấy Trung Quốc chiếm tới 24% tổng thương mại của Hàn Quốc, 40% tổng thương mại của Đài Loan. Tuy nhiên, các quốc gia và vùng lãnh thổ này có năng lực cạnh tranh cao nên không quá quan ngại việc phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp nên việc thoát khỏi ảnh hưởng, phụ thuộc vào thị trường chiếm 20% tỉ trọng thương mại này là không đơn giản.

Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh cho rằng cái gốc vấn đề là do năng lực sản xuất của Việt Nam quá kém, nếu không nhập từ Trung Quốc cũng phải nhập từ các thị trường khác. Các doanh nghiệp (DN) của ta chủ yếu làm gia công, nhất là xuất khẩu, lại không có ngành công nghiệp phụ trợ nên muốn sản xuất phải nhập nguyên phụ liệu đầu vào. Nếu giảm phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc thì bằng cách nào? Nếu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị từ các nước khác thì hàng hóa sản xuất ra có tính cạnh tranh không, bán cho ai?

Theo TS Bùi Trinh, muốn “thoát Trung” về kinh tế, cần phải làm cho nền kinh tế Việt Nam mạnh lên, cộng đồng DN phải tăng sức cạnh tranh. Còn nhập siêu từ Trung Quốc thời điểm này không hẳn là xấu. Nhờ máy móc, thiết bị, hàng hóa nhập từ thị trường này giá rẻ mới góp phần giúp lạm phát Việt Nam giữ ở mức như những năm qua. Với tỉ trọng 60% nguyên phụ liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc, nếu từ bỏ thì DN Việt Nam sẽ xoay trở không kịp.

“Cơ quan chức năng cần bãi bỏ tất cả ưu đãi thuế quan bất hợp lý, không cần thiết cho việc nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ, nhất là đối với các khu vực thương mại vùng biên và kinh tế mở. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng lạm dụng, gây thất thoát ngân sách nhà nước và tăng nhập siêu” - chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nhận xét.

Rà soát việc lựa chọn nhà thầu Trung Quốc

Nghiên cứu của Trung tâm WTO cho thấy các nhà thầu Trung Quốc đang là tổng thầu EPC của 77/106 dự án lớn trong các lĩnh vực hóa chất, khai thác chế biến bauxite, xi măng, nhiệt điện... của Việt Nam. Đây là những dự án lớn, ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện nên một phần đáng kể nguồn cung năng lượng, các hoạt động của nền kinh tế phụ thuộc vào năng lực, chất lượng và hiệu quả từ các hoạt động của nhà thầu nước này. Phần lớn các dự án lại sử dụng máy móc, vật tư, nguyên liệu nhập từ Trung Quốc càng khiến tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này thêm trầm trọng. Nhiều nhà máy sau khi đi vào vận hành lại gặp trục trặc, thời gian sửa chữa, bảo dưỡng kéo dài...

Do đó, Trung tâm WTO kiến nghị cần rà soát lại các quy định pháp luật đã có về mời, chọn thầu và trách nhiệm quản lý nhà thầu của chủ đầu tư Việt Nam; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định với nhà thầu nước ngoài, nhất là nhà thầu Trung Quốc...


ÔNG LÊ QUANG HÙNG, CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY CP MAY GARMEX SÀI GÒN:

Cơ hội từ thị trường hơn 1,3 tỉ dân

Năm nay, Hiệp định Thương mại mậu dịch chung ASEAN và Hiệp định ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực hoàn toàn, đồng nghĩa với hàng may mặc các nước sẽ tự do lưu thông trong khu vực ASEAN và Trung Quốc theo lộ trình giảm thuế đã định. Thị trường sẽ không còn khái niệm nội địa hay xuất khẩu. Với Trung Quốc, chi phí lao động ngày càng tăng và hệ quả chính sách một con, sự tăng trưởng kinh tế... khiến họ sẽ không còn là “công xưởng thế giới” về may mặc mà có khả năng trở thành thị trường tiêu thụ. Ước tính, quy mô tiêu thụ hàng dệt may nước này đến năm 2025 khoảng 520 tỉ USD, lớn nhất thế giới.

Thế nên, giai đoạn đầu, có thể ngành dệt may Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt nhưng các năm tiếp theo sẽ là cơ hội rất lớn để hàng Việt tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc. DN dệt may trong nước cần đẩy mạnh chuyển sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (thiết kế, phát triển nguyên phụ liệu, sản xuất, giao hàng), vì nếu chỉ gia công thì giá trị thặng dư sẽ rất thấp.

TS TRẦN DU LỊCH, THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ QUỐC GIA:

Muốn phòng thủ, phải tấn công

Đừng quên Trung Quốc là nền kinh tế lớn đứng ngay bên cạnh Việt Nam. Sự phát triển của kinh tế Trung Quốc liên quan đến quá trình phát triển của Việt Nam cả tích cực lẫn tiêu cực. “Ứng phó” với Trung Quốc, DN Việt Nam nên nhớ chiến thuật của bóng đá là muốn phòng thủ phải tấn công, ít nhất là ở 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây ngay sát biên giới.

Chính phủ cần giải quyết rốt ráo gian lận thương mại, thông qua cái gọi là biên mậu để không giết chết DN trong nước. Không thể lợi dụng kiểu làm ăn biên mậu để phá thị trường trong nước, nhất là với nông sản. Trong quan hệ kinh tế thì làm ăn với Trung Quốc là bình thường, bởi nền kinh tế nước này cũng cần thiết với chúng ta.

ÔNG LÝ THÀNH SINH, GIÁM ĐỐC CÔNG TY MINH LONG HƯNG:

Phải dứt khoát với máy móc, thiết bị kém

Dù chỉ là một DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất quần áo trẻ em nhưng chúng tôi không nhập khẩu nguyên phụ liệu hay máy móc từ Trung Quốc để sản xuất vì “tiền nào của nấy”. Với sợi, công ty nhập từ châu Âu. Sợi Trung Quốc may quần áo trẻ em 100% cotton thường bị giãn, co rút, không bảo đảm chất lượng, giá rẻ nhưng chất lượng kém. Mới đây, công ty đã nhập một dây chuyền máy móc từ CHLB Đức, giá đắt hơn hàng Trung Quốc 3 lần. Dù mới cải thiện được một phần nhưng hiệu quả thấy rõ, giá thành có thể giảm, năng suất tăng lên...

Tôi từng mượn thử máy móc của bạn bè nhập từ Trung Quốc về sản xuất, chưa bao lâu mà máy đã rung bần bật khi vận hành. Quan trọng là DN Việt Nam có dám dứt khoát với thiết bị kém chất lượng, giá rẻ từ Trung Quốc để đầu tư máy móc khác hay không?

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn