Hết ATM dở chứng ngừng phục vụ
Dù các ngân hàng “hứa” đảm bảo cung ứng đủ tiền và hệ thống ATM sẽ không bị “nghẽn” vào thời điểm cận Tết cũng như sau Tết. Song vào những ngày cao điểm, hiện tượng ATM dở chứng ngừng phục vụ vẫn tái diễn.
Các điểm giao dịch ATM của nhiều nhà băng trong ngày làm việc cuối cùng luôn trong tình trạng hàng dài người xếp hàng chờ đến lượt rút tiền.
Chiều 13/2, chị Minh Sương (Định Công – Hoàng Mai – Hà Nội) tới cây ATM của Ngân hàng Vietcombank trên đường Bà Triệu rút tiền để chi tiêu Tết nhưng máy ATM ở đây đã ngừng giao dịch.
“Quanh cơ quan tôi làm có tới 3-4 cây ATM của Vietcombank, nhưng đi đến điểm ATM thứ 3 mà vẫn không rút được tiền. Không hiểu các ngân hàng cứ nói đảm bảo đủ tiền cho ATM hoạt động, rồi đến khi máy ngừng hoạt động, khách hàng mất thời gian chỉ hiển thị một lời xin lỗi là xong” – chị Sương bức xúc.
Các cây ATM trong nội thành từ chối nhả tiền cho khách là một chuyện, tại các khu công nghiệp tình cảnh này cũng không khá hơn. Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội) có khoảng 63.000 công nhân Việt Nam đang lao động của 96 công ty với tổng cộng lượng khoảng 55.000 thẻ ATM đang hoạt động.
Máy ATM của ngân hàng Vietcombank đường Bà Triệu chiều 13/2 không thể giao dịch. Ảnh: Phan Sương |
Bà Trần Phương Thanh – Giám đốc Phòng giao dịch Agribank Kim Chung (KCN Đông Anh) chia sẻ, thường vào dịp Tết nhu cầu rút tiền lương, thưởng của công nhân tại KCN tăng đột biến so với bình thường. Riêng ngân hàng Agribank chi trả lương cho khoảng 20 công ty với khoảng 55.000 công nhân, mỗi lần chi trả cũng lên tới 40-50 tỷ đồng. “Ngân hàng chúng tôi có 4 máy ATM đặt tại đây nhưng vào giờ cao điểm cũng không đáp ứng được hết nhu cầu giao dịch của số lượng lớn công nhân. Thông thường mỗi máy ATM chỉ được xếp 800 triệu đồng, nhưng vào thời điểm cận Tết chi nhánh đã xin lệnh tăng lượng tiền tiếp quỹ lên gấp đôi, nhưng chỉ từ sáng đến trưa đã hết sạch. Thậm chí có ngày ngân hàng tiếp quỹ tổng cộng tới 8 lần”- bà Thanh giãi bày.
Tuy vậy, không tránh khỏi vẫn có lúc máy ATM hết tiền vì lượng công nhân rất nhiều. Để hạn chế tình trạng này, ngân hàng đã lên phương án tiếp quỹ cho các cây ATM. Bộ phận IT cũng thường xuyên túc trực để xử lý sự cố.
Còn ông Hà Xuân Nam – Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh KCN Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết, có những ngày chi nhánh phải thực hiện tiếp quỹ tới 3 lần mỗi máy ATM, nạp hơn 1,2 tỷ đồng/lần. “Trong 5 ngày chúng tôi nạp hơn 40 tỉ đồng vào ATM để đảm bảo giao dịch rút tiền được thông suốt. Vietinbank có hệ thống báo tin nhắn trực tiếp thực trạng ATM với ban quản lý. Khi cây ATM chỉ còn khoảng 100 triệu, Ban quản lý sẽ có phương án chủ động tiếp quỹ, tránh bức xúc cho người dân”- ông Nam nói thêm.
Tại cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hồi tháng 1/2015, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, cơ quan quản lý tiền tệ đã chỉ đạo và cung ứng đầy đủ lượng tiền mặt cho các ngân hàng thương mại nhằm hạn chế đến mức tối đa hiện tượng ATM trở chứng, hết tiền.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng lưu ý, máy móc hoạt động hết công suất cũng có lỗi kỹ thuật, cần bảo dưỡng, giống con người có khi cũng ốm sốt… Do đó, dù các ngân hàng đã cố gắng tới mức tối đa tiếp quỹ đầy đủ cũng không tránh khỏi có thời điểm ATM hết tiền. “Nếu ATM hết tiền do chủ quan thì cần được khắc phục, xử lý, song nếu vì nguyên nhân khách quan thì khách hàng cũng cần thông cảm”- ông nói.
Theo quy định của Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, việc để ATM hết tiền sẽ bị phạt 15 triệu đồng. Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN đang quyết liệt triển khai Nghị định 96. Tuy nhiên, kết quả điều tra, xác minh một số ngân hàng để xảy ra tình trạng ATM hết tiền của NHNN cho thấy, nhiều trường hợp xảy ra là do nguyên nhân khách quan.
Đến chi nhánh ngân hàng cũng “cạn tiền”
Rút kinh nghiệm tới máy ATM giao dịch sẽ rơi vào cảnh phải xếp hàng chờ đợi mà không rút được tiền, nhiều khách hàng đã chọn phương án tới giao dịch tại các chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng cho … chắc ăn. Nhưng tình cảnh cũng không khá hơn.
Sở Giao dịch Ngân hàng Vietcombank trên đường Ngô Quyền (Hà Nội) trong ngày giao dịch cuối năm nườm nượp khách ra vào, hơn 30 quầy giao dịch của Sở Giao dịch này luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất. Do số tiền rút lớn nên thay vì rút tại cây ATM, chị Minh Thư – làm việc tại một cơ quan báo chí trên đường Lý Thường Kiệt tới đây để thực hiện giao dịch nhưng cũng thất vọng vì không thoát cảnh xếp hàng, chờ đợi. “Mình đã chờ gần cả tiếng đồng hồ mà vẫn chưa tới số giao dịch”- chị Thư than.
Cũng tới giao dịch tại một phòng giao dịch của Vietcombank, chị Bích Ngọc lại không may mắn khi bị nhân viên từ chối giao dịch sau một hồi chờ đợi tới lượt. Số tiền chị Ngọc muốn rút lên tới 700 triệu đồng, lại vào sát giờ đóng cửa buổi sáng nên nhân viên “khất” do … quỹ không đủ tiền chi trả. “Để khách chờ đợi rõ lâu rồi đến lượt giao dịch nhân viên chỉ trả lời không đủ tiền trả, yêu cầu khách sang chi nhánh khác hoặc trở lại vào buổi chiều, thật là quá oải”- chị Ngọc bức xúc.
Khách hàng phải chờ đợi rất lâu mới tới lượt giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng ngày cận Tết Ảnh: T.H |
Tại một chi nhánh của nhà băng lớn khác là Vietinbank, khách hàng cũng gặp tình cảnh tương tự. Khách hàng chuyển trả công nợ chậm nên tới cận Tết chị Quỳnh Nga (Kiến An – Hải Phòng) mới tới ngân hàng để rút tiền. Ngày thường nếu muốn rút 300 triệu đồng chị Quỳnh Nga sẽ chỉ phải chờ khoảng 15 phút kể cả quá trình kiểm đếm, nhưng hôm nay chị đã phải chờ 3 giờ đồng hồ mà vẫn chưa nhận được tiền. Phàn nàn, chị Nga được nhân viên giao dịch chi nhánh Vietinbank Kiến An giải thích, là do chi nhánh đang hết sạch tiền mặt, phải chờ huy động từ Sở Giao dịch/chi nhánh khác.
Biết khách hàng không hài lòng và bức xúc thì không được việc, nhưng trong tình huống này ngân hàng chỉ còn cách xin lỗi. “Do lượng khách đổ dồn giao dịch vào những ngày cuối năm quá đông, phòng giao dịch đã đề nghị được tăng lượng tiền và tăng số lần tiếp quỹ song cũng không xuể. Trường hợp phải hủy giao dịch của khách hàng với những số tiền rút quá lớn vẫn xảy ra”- trưởng phòng giao dịch của Vietcombank phân trần.
Theo Infonet