Chính phủ nước này ước tính người dân sẽ thực hiện khoảng 2,8 tỷ chuyến đi, trong đó có 295 triệu chuyến bằng tàu hỏa trong dịp này. Năm ngoái, chi tiêu tại các trung tâm bán lẻ và nhà hàng dịp lễ đã đạt 610,7 tỷ nhân dân tệ, tương đương gần 100 tỷ USD.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đau đầu, khi phải cố gắng đảm bảo đủ thanh khoản cho nhu cầu du lịch, mua sắm, ăn uống và tặng quà của người dân. PBOC đang phải cân bằng giữa nhiệm vụ thả nổi lãi suất, quốc tế hóa đồng NDT và xử lý rủi ro tín dụng với nhu cầu giữ nền kinh tế không giảm tốc quá nhanh. Nhưng đến Tết Nguyên đán, họ còn vất vả hơn khi phải tìm mọi cách tung tiền mặt vào hệ thống để đảm bảo thị trường tiền tệ không thiếu hụt.
Nhu cầu chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc rất lớn. Ảnh: Bloomberg |
Bloomberg đưa tin hôm qua, Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng nhỏ trên cả nước tiếp cận công cụ cho vay ngắn hạn Standing Lending Facility (SLF) để tránh cạn kiệt thanh khoản, đặc biệt trong dịp nghỉ Tết. Động thái này nhằm hỗ trợ các nhà băng nhỏ và "giải quyết biến động thanh khoản trước Tết", PBOC cho biết.
PBOC tạo ra SLF năm 2013, ban đầu chỉ dành cho các ngân hàng chính sách và nhà băng lớn vay tiền từ ngân hàng trung ương. Tháng 1 năm ngoái, PBOC đã mở rộng chương trình ra Bắc Kinh, Thâm Quyến và 8 tỉnh thành khác, nhằm hỗ trợ ngân hàng địa phương dưới dạng cho vay qua đêm, kỳ hạn 7 ngày và kỳ hạn 14 ngày. Để được vay, các tổ chức tài chính cần dùng trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu chất lượng cao làm tài sản đảm bảo.
Quý I năm ngoái, PBOC đã bơm 340 tỷ NDT (54,5 tỷ USD) cho các ngân hàng thông qua công cụ này. Các nhà băng trả hết khoản vay trong chương trình vào cuối tháng 3. Dù vậy, theo PBOC, SLF không được thực hiện trong 3 quý cuối năm ngoái.