Chị Mai Hoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm ở một công ty nước ngoài, nên công việc cuối năm khá bận rộn. Thông thường phải đến 30 Tết chị mới có thời gian chăm lo cho gia đình. Chồng chị lại là con trưởng trong gia đình. Vì vậy, việc nhà Tết năm nào cũng là một áp lực lớn đối với chị.
Dịch vụ nấu cỗ Tết thuê 'cháy' hàng |
"Vì Tết nhất quá nhiều việc, nên việc chuẩn bị bữa cơm tất niên cho gia đình luôn khiến tôi thấy mệt mỏi. Vì vậy, mấy năm nay, thay vì phải đi chợ, rồi đầu tắt mặt tối ở trong bếp thì tôi tìm đến dịch vụ nấu cỗ thuê. Tuy giá có đắt hơn so với mình nấu nhưng đồ ăn ngon, còn tôi thì bớt đi được một việc", chị Hoa chia sẻ.
Giống như chị Hoa, chị Liên (Đống Đa, Hà Nội) năm nào cũng lo lắng khi Tết đến bởi việc phải nấu ăn cho gia đình và làm cơm cúng cụ.
Sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ lại nuông chiều, nên từ nhỏ chị Liên đã không phải đụng tay đụng chân vào việc bếp núc. Thế nhưng, đến khi đi lấy chồng, năm nào cũng phải nấu cỗ khiến chị luôn lo lắng.
"Tôi nấu ăn không giỏi, nên đồ ăn thường bị cả nhà chồng chê là không biết nấu. Vì thế, năm nay để tránh những rắc rối này, tôi đã đặt dịch vụ nấu cỗ thuê từ đầu tháng Chạp với 11 món cơ bản cho gia đình", chị Liên chia sẻ.
Có thể thấy, càng gần Tết, dịch vụ nấu cỗ thuê càng đắt khách. Chỉ cần bạn gõ từ khóa "nấu cỗ Tết thuê", hàng nghìn kết quả sẽ hiện ra.
Khác với nấu cỗ cưới, cỗ nấu Tết mỗi nhà mỗi khác nên giá dịch vụ này không hề rẻ. Thông thường, giá cho mỗi mâm cỗ cúng Tết có từ 6 đến 8 món, chủ nhà phải bỏ số tiền từ 1 triệu đồng trở lên, tùy vào giá nguyên liệu và thời gian nấu, thường được phục vụ tận nhà vào đêm 30 Tết.
Chị Hồng Anh, chủ của một cửa hàng chuyên nhận nấu cỗ thuê dành cho khách đặt hàng qua mạng cho biết: "Ngày Tết, nhiều bà nội trợ muốn nghỉ ngơi, xả hơi, nên ngại ngần việc bếp núc. Do đó, tôi liêp tiếp nhận được đơn hàng cho ngày 29, 30 đến mùng 3 Tết. Tôi chỉ nghỉ ngày mùng 1, còn mùng 2, 3, tôi đều nhận nấu và giao hàng đến tận nhà cho gia chủ. Giá công cỗ Tết cao hơn cỗ ngày thường khoảng 100 - 200 nghìn đồng/mâm, còn nguyên liệu thì tùy theo giá thị trường mà tính. Trung bình mỗi mâm cỗ 8 món giá từ 1 - 1,5 triệu đồng".
Không chỉ đặt cỗ theo mâm, chị Hồng Anh còn nhận các đơn đặt hàng các món truyền thống như thịt đông, bò kho, cá kho riềng, nem, gỏi cuốn, canh măng, lẩu các loại hoặc một vài món lạ miệng như: Kim chi muối, tai heo chua ngọt… "Hàng năm, cứ từ 20 Âm lịch đổ lại là mình bận luôn tay luôn chân, có ngày nhận tới 20 đơn hàng. Mình phải huy động họ hàng xắn tay vào trợ giúp", chị Hồng Anh nói thêm.
Vì tiền công nấu cao, nên nhiều bà nội trợ cũng tranh thủ dịp Tết đi nấu cỗ thuê để kiếm thêm thu nhập.
Chị Yến, nhân viên lễ tân của một công ty truyền thông cho biết, năm nào chị cũng nhận một số đơn hàng từ khách quen để nấu đồ ăn cho dịp Tết.
Đơn hàng của chị gồm các món thịt đông, bò kho, cá kho riềng, nem, gỏi cuốn, lẩu các loại… Ngày Tết, giá thực phẩm biến động nên chị không đưa ra đơn giá chính xác. Tuy nhiên, mỗi kg nguyên liệu chính (thịt, cá...) chị tính 200.000 đồng công đi chợ và chế biến. Nếu khách hàng mang nguyên liệu đến thì chị Mai tính 150.000 đồng công chế biến và đun nấu.
Hiện chị Yến đã nhận khoảng 30 đơn hàng của khách. Đa số khách đăng ký nhận hàng trước Tết, tuy nhiên, cũng có người hẹn sẽ nhận vào ngày mùng 2, 3 Tết.
“Tôi cũng phải mua một số nguyên liệu dự trữ, đề phòng những khách có nhu cầu đặt đột xuất vào những hôm Tết. Khách chỉ cần gọi trong vòng 2-3 tiếng là có hàng giao tận nơi”, chị Yến cho hay.
Theo VTCNews