Sáng 23 tháng Chạp, trong tiết trời rét buốt, mưa phùn, tại ngõ làng Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) tấp nập những chuyến xe máy chở đồ cúng đến những địa chỉ yêu cầu. Với khoảng sân rộng chừng 20m2, gia đình ông Ngô Văn Bá (làng Dịch Vọng Hậu) đang tất bật luộc gà, đồ xôi gấc, nấu canh… để chuyển cho khách.
“Cả năm không có thời gian cho con cái nên dù có tốn tiền triệu tôi sẵn sàng bù đắp để con thấy được không khí Tết”. |
Vừa làm vừa tiếp chuyện, ông Bá cho biết, sáng nay có 20 nhà đặt cỗ nên gia đình phải dậy từ 2 giờ sáng. “Gia đình tôi chuyên làm cỗ cưới hỏi, đám ma. Vài năm trở lại đây, do người dân có nhu cầu nên gia đình làm thêm cỗ cúng. Cỗ cúng ông Công, ông Táo có các món chủ yếu như: gà luộc, xôi gấc, canh bóng. Tuy nhiên, do nhiều gia đình muốn làm to nên đặt mâm cỗ thịnh soạn không khác gì cỗ cưới. Mâm cỗ có giá từ: 1 triệu - 3 triệu đồng”, ông Bá nói. Ông Bá cho biết thêm, có những món nấu sẵn ở nhà nhưng có món phải tẩm ướp rồi mang đến nhà cho khách nấu. Toàn bộ nhân công cho ngày này khoảng 60 người.
Theo chân hai người làm thuê nhà ông Bá đến một gia đình tại tòa chung cư cao cấp Chelsea Park (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), thật ngạc nhiên khi mâm cỗ đã bày ra nhưng chỉ có một người giúp việc và một thầy cúng được thuê trước đó. Theo chị Hoa, tên người giúp việc, vợ chồng chủ nhà đang đi công tác nước ngoài, 2 con gái gửi ở nhà ngoại nên nhà chỉ có chị đứng ra lo chuẩn bị. “Ngày 28 Tết vợ chồng bà chủ mới về. Ở nước ngoài nên ông bà chủ sắm Tết từ xa và lo “đặt” đủ đầy việc cúng bái, cỗ bàn sao cho tươm tất”, chị Hoa cho hay.
“Mua” Tết cho con trẻ
Đây là năm thứ 2 vợ chồng chị Hồng Lan (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) thuê người gói bánh chưng tại nhà. Chị Lan cho biết, các năm trước nữa, vợ chồng chị chọn mua bánh chưng có tiếng trên phố cổ về thắp hương nhưng năm ngoái, có người quen giới thiệu dịch vụ gói bánh chưng tại nhà nên gia đình chị thuê. “Tôi có 2 con nhỏ, các cháu đã lớn nhưng chưa một lần tận mắt chứng kiến các công đoạn gói bánh chưng. Khi thuê người về nhà gói, các cháu làm theo và thích thú nên năm nay tôi thuê tiếp”, vừa tiếp chuyện khách chị Lan vừa vui vẻ nói.
Chị Lan chia sẻ, vì thuê dịch vụ nên gạo, thịt, lá dong… do người gói mua mang đến. “Giá trọn gói dịch vụ 10 triệu đồng/nồi 10 bánh. Tôi phải đặt lịch cách đây 2 tháng mới có người đến gói đúng ngày yêu cầu. Cả năm không có thời gian cho con cái nên dù có tốn tiền triệu tôi sẵn sàng bù đắp để con thấy được không khí Tết”, chị Lan nói.
Mặc dù cố gắng cho con thấy được không khí tết cổ truyền nhưng chính ngày gói bánh chưng vào cuối tuần vừa qua, vợ chồng chị Lan không có nhà. “Tôi và chồng đều làm kinh doanh, càng cuối năm càng nhiều việc. Việc biếu quà, sắm tết cho đối tác chiếm gần hết thời gian cho gia đình. Có những hôm vợ chồng 11 giờ đêm về nhà khi con cái đã được người giúp việc cho ngủ say. Sáng hôm sau vợ chồng đi sớm khi con chưa thức dậy. Cả tuần nay, vợ chồng, con cái chưa dùng bữa cơm chung”, chị Lan tâm sự.
Trường hợp của chị Lan không phải hiếm khi trong xã hội ngày càng nhiều các ông bố, bà mẹ bận công việc ngoài xã hội. Cứ nhìn những biển quảng cáo tại các cửa hàng gói bánh chưng trên phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Trần Xuân Soạn (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội)… ghi nhận gói bánh chưng tại gia mới thấy nhu cầu của người dân ngày càng nhiều; các dịch vụ vì thế cũng ăn theo nở rộ.
Bà Hà Thắm, chủ cửa hàng bánh chưng, giò chả trên phố Trần Xuân Soạn cho hay từ 3 năm nay, ngoài gói bánh bán, cửa hàng bà còn làm dịch vụ gói bánh chưng tại gia. “Đa số là những gia đình có con nhỏ muốn thuê dịch vụ này để con biết được tết cổ truyền gói bánh chưng thế nào. Có những gia đình là Việt kiều về ăn tết quê hương cũng sử dụng dịch vụ này để tưởng nhớ tuổi thơ”, bà Thắm nói.