TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, cách thức quản lý giá điện hiện nay đang có vấn đề, sai lệch.
Nói về cách thức điều hành giá điện hiện nay liên quan tới trật tự thị trường, TS. Nguyễn Đình Cung thẳng thắn cho rằng, không phải là cách tăng giá điện bao nhiêu mà cách thức họ muốn tăng giá. Thay vì bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, Bộ Công thương thông qua việc bảo vệ đề xuất và phương án tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và bắt người tiêu dùng phải gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN.
TS. Nguyễn Đình Cung: "Cho EVN phá sản ngành điện mới phát triển được"
“Đáng lý, Bộ Công thương phải giám sát EVN độc quyền bằng cách rà soát, đánh giá chi phí sản xuất một cách độc lập, tham vấn chuyên gia, người tiêu dùng và các bên liên quan xem đề xuất của EVN có hợp lý không chứ không phải bảo vệ đề xuất này”, ông Cung nói.
Người đứng đầu CIEM tỏ ra bất bình trước những phát ngôn của lãnh đạo Bộ Công thương khi biện minh và bênh vực cho chuyện “buộc phải tăng giá điện”.
TS. Nguyễn Đình Cung: "Cho EVN phá sản ngành điện mới phát triển được". |
“Không thể có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như không tăng giá thì EVN phá sản và sụp đổ ngành điện. Nếu theo thuyết phá sản sáng tạo thì EVN phá sản thậm chí ngành điện mới phát triển được, chứ không phải kéo theo sự sụp đổ của ngành này”, ông Cung nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, về trung và dài hạn phải tách EVN thành nhiều phần, tách riêng sản xuất và phân phối với truyền tải điện. Nhà nước chỉ giữ độc quyền phần truyền tải điện, lúc đó mới có nhiều nhà đầu tư tham gia vào sản xuất điện và mới có thị trường điện cạnh tranh.
Trước đó, 3 phương án đề xuất về tăng giá bán điện trong thời gian tới đã được EVN "trình" lên cơ quan quản lý, trong đó có đề xuất mức tăng giá thêm 9,5% so với hiện hành. Bộ Công thương cho biết, sau khi cân nhắc tính toán phương án đề xuất của EVN cơ quan này sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3 và việc có tăng giá bán điện hay không sẽ do Thủ tướng quyết định.
Tuy nhiên, kết luận tại cuộc họp liên ngành 4 bộ về điều hành vĩ mô Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu EVN phải nâng cao năng suất lao động, công khai minh bạch chi phí giá điện...
Không những điều hành giá điện đang có vấn đề, cơ quan quản lý “bênh vực” DN độc quyền, ngay cả giá cước vận tải cũng “đang có sự sai lệch trong cách thức quản lý”. Dù giá xăng giảm nhiều lần nhưng cước vận tải không giảm tương ứng. Trong khi 2 Bộ Tài chính, Giao thông vận tải thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra yêu cầu DN phải giảm giá, nhưng giá vẫn không giảm bao nhiêu.
“Liệu cách quản lý thị trường như vậy là phù hợp hay chỉ càng làm thị trường méo mó hơn, kém công bằng hơn?”, ông Cung đặt câu hỏi và cho rằng, chính do cách quản lý hành chính kiểu áp đặt, không có cạnh tranh, cầu lớn hơn cung dẫn tới thực trạng này.
“Người dân có nhu cầu đi lại rất cao, nhất là vào dịp Tết này, nên dù nhà xe có giảm giá hay không thì họ cũng đành 'cắn răng' mà chịu chứ làm sao đi kiện DN được. Nếu thanh tra rồi phạt DN, dọa rút giấy phép… chỉ càng làm cho nguồn cung thiếu hụt. Cung thiếu trong khi cầu thừa, tội gì DN phải giảm giá cước, vì giá có cao họ vẫn có khách”, ông Cung nói.
Chính vì vậy, Viện trưởng CIEM cho rằng cần thay đổi tư duy và cách quản lý. Các cơ quan quản lý về giá nên kiểm soát cạnh tranh và độc quyền thông qua Cục Quản lý Cạnh tranh chứ không phải cách can thiệp kiểu mệnh lệnh hành chính.
"Muốn như vậy Cục Quản lý Cạnh tranh phải tách khỏi Bộ Công thương mới có thể đóng đúng vai của mình", ông nói.
Theo Infonet