Lương công nhân Singapore gấp 10 lần Việt Nam trong công ty Nhật

Thứ sáu, 13/02/2015, 10:15
Khi làm việc cho công ty Nhật Bản, người Việt nhận lương thấp hơn hẳn nếu so sánh với nhiều quốc gia châu Á.
nha-may-1671-1423739128.jpg

Công nhân Việt trong một nhà máy có vốn đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Bình

Báo cáo hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố hôm nay đề cập đến vấn đề tiền lương, chi phí nhân công. So sánh với các nước khác, lương người Việt làm cho công ty Nhật ở mức khá thấp.

Theo đó, trong cả năm 2014, trung bình một công nhân làm trong công ty sản xuất của Nhật Bản tại Việt Nam nhận 2.989 USD, tương đương 64 triệu đồng. Kỹ sư Việt tại các công ty trên nhận mức lương cao hơn, khoảng 124 triệu đồng.

Người Việt Nam làm quản lý trong công ty sản xuất được nhận khoảng 288 triệu đồng. Ngành phi sản xuất trả lương cao hơn, với quản lý nhận 394 triệu đồng. Tính trung bình, chức vụ quản lý tại các công ty có vốn đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam nhận lương 340 triệu đồng trong năm 2014.

Quốc gia Ngành sản xuất Ngành phi sản xuất
Công nhân Kỹ sư Quản lý Nhân viên Quản lý
Singapore 26.285 48.435 69.548 39.119 72.640
Trung Quốc 8.204 13.045 22.921 15.411 35.786
Malaysia 7.630 15.641 29.499 14.439 30.829
Thái Lan 7.120 12.444 25.143 11.049 26.109
Indonesia 4.481 7.215 16.468 7.263 19.213
Philippines 4.012 6.611 15.807 7.678 19.742
Ấn Độ 3.618 8.693 20.123 8.615 23.513
Việt Nam 2.989 5.800 13.499 7.848 18.452
Myanmar 2.062 4.700 12.312 5.178 13.776
Campuchia 1.887 3.996 9.054 5.599 13.811
Lào 1.718 2.615 12.153 4.802 17.422
Chi phí nhân công của giới doanh nghiệp Nhật tại 11 quốc gia châu Á
Đơn vị: USD
Số liệu: Jetro

Theo nhận xét của Jetro, chi phí nhân công của giới doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam khá thấp. Trong ngành sản xuất, thu nhập của công nhân, kỹ sư Việt không bằng một nửa so với Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Mặc dù vậy, lương công nhân Việt tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản đã tăng 63% so với 2010. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các vị trí, chức danh khác như kỹ sư, quản lý với mức tăng từ 19,6 đến 32% trong bốn năm qua.

Năm 2014, chi phí nhân công trong nhóm công ty FDI Nhật Bản tại Việt Nam tăng 9,9%, thấp hơn mức tăng hồi 2013 ở 12,1%. Cùng lúc đó, chi phí nhân công của giới doanh nghiệp Nhật tại nhiều quốc gia châu Á khác đang tăng mạnh hơn, như ở Indonesia điều chỉnh 14,2%, hay Myanmar 12,4%.

Báo cáo của Jetro cho thấy chi phí nhân công đang chiếm 24,6% trong tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam. Phần còn lại bao gồm 58% chi phí nguyên vât liệu và 17,4% chi phí khác.

Nhìn chung, chi phí nhân công rẻ vẫn là lợi thế của Việt Nam, khi so sánh với môi trường kinh doanh của các quốc gia châu Á và châu Đại Dương khác trong báo cáo lần này. Việt Nam xếp hạng 4 trong 15 quốc gia được khảo sát về yếu tố nhân công rẻ.

Với nhiều nhận định tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam, có 66,1% số doanh nghiệp Nhật tại đây cho biết họ dự định sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các nước khác như ở Trung Quốc là 46,5% và Malaysia 46,2%.

Những con số nói trên nằm trong báo cáo Thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản, do Jetro thực hiện năm thứ 28 liên tiếp. Khảo sát năm nay được thực hiện với 10.078 doanh nghiệp Nhật đang kinh doanh ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, Jetro phỏng vấn 720 doanh nghiệp, trong đó có 458 phiếu trả lời hợp lệ.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn