Phòng giao dịch của một ngân hàng (NH) ở TP HCM thưởng Tết cho nhân viên tới 10 tháng lương, tức khoảng 50 triệu đến 200 triệu đồng/người, còn mức thưởng phổ biến từ 0,5-1 tháng lương. “Được thưởng bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu, không cần biết nhiều hay ít” - anh Lê Văn Hiếu, nhân viên một NH cổ phần, bộc bạch vào những ngày làm việc cuối năm. Đó cũng là nỗi lòng chung của các nhân viên ngành NH một vài năm trở lại đây khi Tết đến Xuân về.
Không dám vung tay
Chiều 25 tháng chạp (ngày 13-2), nhiều nhân viên NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn ngóng tiền thưởng Tết. “Thông tin về thưởng Tết đã có nhưng tiền vẫn chưa nhận được” - một nhân viên Vietcombank tại hội sở ở Hà Nội chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động.
Theo nhân viên này, Vietcombank có lương cơ bản và lương kinh doanh tính xếp loại hằng tháng và hằng quý nên không có lương tháng 13. Tuy nhiên, thưởng Tết thì mỗi người được từ 1-3 tháng lương. Một cán bộ cốt cán của Vietcombank cho biết với mức lương bình quân thấp nhất 8-11 triệu đồng/ tháng, mức thưởng sẽ dao động từ 8-30 triệu đồng/người.
Được biết, năm 2014, Vietcombank là một trong những NH có mức lợi nhuận cao nhất, với 5.680 tỉ đồng, hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra nhưng cũng không dám vung tay thưởng mạnh như các năm trước.
Tại NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), mức thưởng Tết tính theo phân loại hạng A - D, cao nhất 3 tháng lương và mỗi bậc chênh nhau 0,5-1 tháng lương. Chẳng hạn, nhân viên bộ phận truyền thông thương hiệu có mức lương trung bình 8-9 triệu đồng/tháng thì mức thưởng Tết nếu được xếp bậc A khoảng 25 triệu đồng/người.
Theo lãnh đạo một NH lớn ở TP HCM, mức thưởng Tết dành cho nhân viên làm việc tại hội sở là 0,6 tháng lương; còn tại các chi nhánh, mức thưởng phổ biến từ 0,5-1 tháng lương. Riêng một số chi nhánh vượt chỉ tiêu kế hoạch, nhân viên được thưởng từ 3 tháng lương trở lên. Đặc biệt, một phòng giao dịch vượt chỉ tiêu kinh doanh trên 25% nên nhân viên được thưởng 10 tháng lương (khoảng 50-200 triệu đồng/người). Tuy vậy, đây chỉ là trường hợp hiếm hoi trong ngành, thậm chí họ còn ngại nêu tên vì lo dư luận phản ứng.
Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng Giám đốc NH TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), cho biết Tết này, mỗi nhân viên đều nhận lương tháng 13 và một khoản thưởng tùy vị trí, kết quả hoạt động kinh doanh, chỉ tiêu đề ra nhưng không quá cao. “Khoản thưởng Tết mang tính chất động viên, khuyến khích nhân viên làm việc chứ không nhiều” - ông Nhung nói.
Tương tự, NH TMCP Quốc Dân (NCB) cũng có tiền thưởng Tết nhưng khá khiêm tốn. Bà Trần Hải Anh, Tổng Giám đốc NCB, cho biết năm 2014, hoạt động kinh doanh của NH đã khởi sắc, lợi nhuận đạt 75 tỉ đồng nhưng NH phải dùng tiền này để bù đắp các khoản mục cần thiết nhằm đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc.
Dùng lợi nhuận để xử lý nợ xấu
Theo lãnh đạo nhiều NH, trong điều kiện ngành này đang dần ổn định và đẩy mạnh tái cơ cấu, nhất là tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu thì việc thưởng Tết thấp hơn mặt bằng chung của các năm trước là dễ hiểu. Có điều tình trạng phân hóa mức thưởng Tết ngày càng rõ nét.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn (SCB), cho biết do lợi nhuận không nhiều, NH đang trong tiến trình tái cơ cấu nên phải thực hành tiết kiệm, tập trung tích tụ năng lực tài chính để tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo. Do đó, SCB chỉ thưởng Tết cho các đơn vị hoàn thành kế hoạch từ 0,5-1 tháng lương.
Một chi nhánh NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tại Bình Dương vừa nhận được thông báo cắt giảm một nửa khoản tiền thưởng Tết so với năm ngoái. “Giảm thưởng Tết đã đành, đến lương cũng giảm dù chi nhánh vẫn làm ăn tốt, lợi nhuận cao nhưng do tình hình chung của NH nên phải “gánh bớt”. Sắp Tết rồi mà ai nấy đều kém vui!” - một nhân viên chi nhánh này than thở. Theo lãnh đạo của Agribank, NH đang đối mặt với nhiều tổn thất, đồng thời phải dùng khá nhiều lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro nên chỉ thưởng Tết vài triệu đồng/nhân viên.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết năm 2014, hiệu quả hoạt động của các NH trên địa bàn tốt hơn nhiều so với năm trước. Đến cuối năm 2014, kết quả kinh doanh của 200 chi nhánh NH hoạt động tại TP HCM đạt 6.132 tỉ đồng, cao hơn con số 5.459 tỉ đồng năm 2013. Tuy vậy, do các NH đã bán hàng ngàn tỉ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nên phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng thêm 20% cho số nợ đã bán. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến lương, thưởng cho nhân viên vào dịp Tết.
Khi được hỏi về thưởng Tết, tổng giám đốc một NH nói mức thưởng năm nay của NH là “hài lòng” nhưng không công bố con số cụ thể vì e ngại dư luận. “Doanh nghiệp còn khó, nợ lương nhân viên rồi không có thưởng Tết mà NH lại thưởng quá nhiều hoặc công bố rầm rộ sẽ không hay” - vị tổng giám đốc phân trần.
Bức tranh khó sáng sủa Một phó thống đốc NH Nhà nước cho biết năm nay, các NH sẽ phải tự xử lý từ 50.000-60.000 tỉ đồng nợ xấu bằng cách thu hồi nợ, trích lập dự phòng rủi ro nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của NH. Bức tranh lợi nhuận năm nay sẽ không cao. Thậm chí, một số chuyên gia kinh tế cho rằng nếu “tính đúng, tính đủ” nợ xấu theo các chuẩn mực mới của NH Nhà nước và yêu cầu chặt chẽ trong Thông tư 36 về siết cho vay cổ phiếu, chặt sở hữu chéo… thì lợi nhuận năm nay sẽ khó sáng sủa. |