Ảnh minh họa.
Vui buồn chuyện thưởng Tết
Càng giáp Tết thì chủ đề về lương thưởng lại càng được nhiều người quan tâm, bàn tán. Theo số liệu từ Bộ Lao động, thương binh và xã hội, mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất năm nay là 482 triệu đồng. Số doanh nghiệp thưởng Tết tới vài chục triệu rồi cả trăm triệu cũng không hiếm.
Tuy nhiên, bên cạnh những con số thưởng cao ngất, nhiều doanh nghiệp lại chỉ thưởng cho người lao động những khoản tiền “có cũng như không” với 30.000 đồng/người. Nhiều người băn khoăn với số tiền ít ỏi này liệu có thể mua được được gì khi giáp Tết, mặt hàng nào cũng khấp khểnh “đòi” tăng giá.
Điều đáng buồn hơn, 30.000 đồng cũng chưa phải thấp nhất bởi ở nhiều doanh nghiệp, người lao động còn chẳng được... đồng nào. Như trường hợp của chị H. công nhân tại Công ty may Long Mã. Chị H. tâm sự, gần Tết chỉ mong được thanh toán đủ lương, chứ không “mơ” tới thưởng.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, năm nay có tới 20% số doanh nghiệp cho biết không kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, theo ông Tống Văn Lai, Phó vụ trưởng Vụ Lao động - tiền lương thì con số thực tế lớn hơn rất nhiều, vì số liệu trên được tổng hợp từ báo cáo của 13.000 trên tổng số tới hơn 400.000 doanh nghiệp.
Như vậy để thấy, số người lao động không có thưởng Tết như chị H. không phải là ít. Đây cũng là lý do mới đây, Bộ Lao động, thương binh và xã hội phải có văn bản đề nghị địa phương vận động doanh nghiệp tiết kiệm chi phí khác để thưởng hoặc hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, việc thực thi được chỉ đạo của Bộ Lao động cũng là khó, bởi nhiều doanh nghiệp đang lâm vào hoàn cảnh thực sự khó khăn. Nói với BizLIVE, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Giám đốc công ty Thái Anh cho biết: Công ty khó khăn, đầu ra sản phẩm bế tắc, lo đủ lương và việc làm cho công nhân cũng là một sự cố gắng lớn.
Thèm... thưởng Tết
Thưởng Tết là khoản tiền mà các công ty, tổ chức đơn vị… thưởng cho người lao động vào dịp cuối năm. Dù ít hay nhiều thì cũng được coi là một “khoản” để người lao động ngóng chờ. Nhưng với nhiều người, cũng quanh năm đi làm thuê nhưng lại chẳng biết đến tiền thưởng Tết ... là gì.
Như trường hợp anh T. (Nghệ An), ra Hà Nội làm nghề bốc vác cho một cửa hàng chuyên bán buôn hàng thủy sản đông lạnh tại chợ Hà Đông (Hà Nội). “Tết nhất người ta còn có khoản trông vào, chứ cứ như chúng tôi, làm gì được đồng thưởng nào, chỉ được gói bánh với chai rượu về làm quà thôi”, anh T. chia sẻ.
Những trường hợp gần Tết mà không biết trông vào khoản nào như anh T. không phải con số nhỏ. Và để bù lại số tiền sẽ chi tiêu cho dịp Tết thì áp Tết họ tìm đủ mọi cách buôn bán kiếm sống với nhiều nghề thời vụ, mà chỉ dịp Tết mới có.
Như trường hợp của chị H., là phụ nữ nhưng lại làm nghề khuân vác cho một cửa hàng vật liệu xây dựng. Được chủ cho nghỉ sớm, từ 20 Tết, nhưng chị không về quê mà nán lại Hà Nội kiếm việc thêm từ các chợ lao động.
Chị H. cho biết, hy vọng với số tiền làm thêm những ngày này chị sẽ có thêm chi phí về quê và mua sắm một số vật dụng cho gia đình. Hỏi chị có được nhận thưởng Tết từ chủ không, chị H. cười nhạt: “Làm gì có cô ơi, như tụi tôi đi làm quanh năm Tết về chỉ được người ta cho hộp mứt gói bánh là mừng rồi. Làm gì được có tấm có món như người nhà nước, như làm cho công ty”.
Đã ngày 22 Tết nhưng chợ lao động cầu Đen Đông (Hà Đông) nhộn nhịp người. Những lao động ở đây đa phần khi được hỏi đều mong giá như họ có khoản tiền thưởng Tết về quê thì cuộc sống sẽ đỡ vất vả, bon chen hơn những ngày cuối năm.
Theo Bizlive