Ảnh minh họa.
Thị trường đang đón đợi thông tin sáp nhập của những cặp đôi ngân hàng. Tuy nhiên, câu chuyện hậu trường đằng sau những thương vụ sáp nhập mới thật sự hấp dẫn. Ví như việc OceanBank sẽ về tay ai trong cuộc tranh giành của nhiều đại gia hiện tại!
OceanBank sẽ về tay ai?
Từ khi Oceanbank bị khủng hoảng, Chủ tịch HĐQT SeABank, bà Nguyễn Thị Nga thường xuyên xuất hiện tại Oceanbank. Điều này khiến không ít người đặt dấu hỏi về khả năng sáp nhập của hai ngân hàng này trong tương lai.
Tuy nhiên điều này đã được một lãnh đạo cấp cao của SeABank bác bỏ vì mục tiêu của SeABank là chọn ngân hàng ở phía Nam để sức mạnh tổng hợp cao.
Nếu chọn một ngân hàng ở miền Bắc để sáp nhập thì sức bật sẽ yếu hơn bởi không tận dụng được mạng lưới của ngân hàng sáp nhập. Thậm chí, ngân hàng còn phải đóng cửa bớt chi nhánh vì mạng lưới chi nhánh không hợp lý.
“Để sáp nhập được với nhau là một quá trình rất khó khăn về định giá, sắp xếp và tái cơ cấu. Nếu sáp nhập chỉ vì cần mạng lưới thì ngân hàng sẽ phải đóng cửa những chi nhánh của ngân hàng sáp nhập để chuyển đổi sang tỉnh khác. Như vậy, chỉ dùng được mỗi vốn, còn con người thì không. Trong khi con người là quan trọng, vì đó mới là những mối quan hệ cũ cần khai thác. Như vậy thì có khác gì mở mới một điểm giao dịch”, vị này bình luận.
Theo vị này, mở mới chi nhánh như vậy chưa chắc đã tốt. Với điều kiện hiện nay, nếu không có định hướng thì một năm sau chi nhánh mới cũng khó phát triển. Thực tế vấn đề quan trọng của mỗi chi nhánh là khách hàng và nhân sự.
Vị này cũng tiết lộ, phương án trước đó của SeABank là lựa chọn một công ty tài chính nhưng đã không được cơ quan quản lý chấp nhận.
NamABank, một ngân hàng quy mô nhỏ khác cũng được cho là đang để mắt đến Oceanbank. Hồi đầu tháng 1 ngân hàng này đã mua lại 5,35 triệu cổ phiếu OGC (tập đoàn Đại Dương - cổ đông lớn tại Oceanbank).
Tuy nhiên, NamABank được cho là đã sẵn sàng sáp nhập với một ngân hàng khác ở phía Nam, như định hướng của họ. Thương vụ này có thể là vụ M&A ngân hàng đầu tiên trong năm nay được công bố.
Vingroup, đối tác đã mua lại hệ thống thương mại Oceanmart của tập đoàn Đại Dương, cũng được đề cập đến trong các cuộc thảo luận của những nhà đầu tư quan tâm đến việc Oceanbank sẽ về tay ai.
Cuộc "tranh giành" này đang đến hồi gay cấn và có lẽ sẽ được định đoạt vào tháng 6/2015, thời điểm mà Ngân hàng Nhà nước lấy làm mốc cho việc xác định những cặp đôi về một nhà.
Làn sóng “to nhanh” liệu có tốt?
Thời gian qua, thông tin về những cặp đôi sẽ về “một nhà” rất nhiều, chính thức có, tin đồn có, tìm hiểu có như MHB về BIDV, Saigonbank về Vietcombank, PGbank về Vietinbank, NamABank về Eximbank, MDBank về Maritimebank, Southernbank về Sacombank…
Nhưng việc xử lý những ngân hàng yếu kém bằng biện pháp sáp nhập với ngân hàng lớn để “to lên” có phải là giải pháp tốt? Làn sóng này có liên hệ gì tới trào lưu chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn lên đô thị trong những năm 2000, sau đó buộc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng…?
Thời gian qua, hầu hết các ngân hàng lớn bé đều cần phải tái cơ cấu, nhất là sau khi trải qua thời kỳ kinh tế thế giới khủng hoảng. Nhưng có những ngân hàng lớn cũng chưa thật sự vượt qua được giai đoạn đó. Eximbank là một điển hình.
Vài năm trở lại đây, Eximbank bị tụt dốc và rơi khỏi top 5 ngân hàng cổ phần lớn. Trong quý III/2014, lợi nhuận trước thuế giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái, còn lũy kế 9 tháng đầu năm, con số lợi nhuận cũng giảm đến 18%.
Sau 9 tháng, Eximbank mới chỉ đạt được hơn 50% kế hoạch đặt ra, dư nợ cho vay giảm đến 3,9% so với hồi đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu tăng vọt lên mức 3,36% vào thời điểm cuối quý III (cuối năm 2013 chỉ ở mức 1,98%).
Đến tháng 9 năm ngoái, quy mô tài sản của Eximbank đã sụt giảm gần 29.000 tỷ đồng, tương ứng với mức sụt giảm của khoản mục Tiền gửi và Cho vay các tổ chức tín dụng khác, theo bảng cân đối tài sản.
Năm 2014, Eximbank sẽ chia cổ tức gấp đôi năm 2013 là 8,5% nhưng vẫn thấp hơn các ngân hàng khác như Sacombank chia cổ tức 10-12%, ACB là 8%, MB là 10%.
Với một ngân hàng còn đang gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự vững mạnh thì việc “ôm” thêm một ngân hàng khác liệu có phải là giải pháp tốt. Nếu sáp nhập với một ngân hàng khác thì có gì đảm bảo Eximbank sẽ bứt phá để trở lại top 5 ngân hàng cổ phần lớn?
Một chuyên gia ngân hàng băn khoăn, với những ngân hàng có quy mô, thực trạng khác nhau nhưng lại phải mặc cùng một “mẫu thiết kế” liệu có ổn không?
Vấn đề quan trọng là hiệu quả phát huy của ngân hàng sau tái cơ cấu. Có những ngân hàng cần tái cơ cấu theo hướng sáp nhập, có ngân hàng cần phải tìm nơi nương tựa nhưng không nhất thiết phải to lên bằng cách sáp nhập.
“Thực tế, ở những nước phát triển như Mỹ, Châu Âu vẫn có những ngân hàng có quy mô nhỏ hoạt động hiệu quả. Vấn đề quan trọng là Ngân hàng Nhà nước cần định hướng cho những ngân hàng quy mô nhỏ này tập trung vào một phân khúc của thị trường và xây dựng nó thành thế mạnh của mình”, vị này bình luận.
Không những thế, câu chuyện nhân sự sau sáp nhập cũng là điều đáng bàn. Với ngân hàng nhận sáp nhập, họ luôn có lợi thế “cửa trên”, nên được quyết về nhân sự. Câu chuyện của nguyên tổng giám đốc Habubank về làm người thu hồi nợ tại SHB sau khi hợp nhất đã cho thấy phần nào bức tranh đào thải sau sáp nhập, hợp nhất.
Rõ ràng không phải nhân sự nào của ngân hàng bị sáp nhập cũng làm việc không hiệu quả, nhưng thực tiễn diễn ra sau cuộc sáp nhập lại cho thấy sự yếu thế của những người lao động “về nhà mới”.
Cần nhấn mạnh đích đến của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là hình thành một hệ thống lành mạnh, trong đó, mỗi ngân hàng là một cơ thể khỏe mạnh nhằm tạo lợi ích cho nền kinh tế, xã hội. Nếu chỉ hình thành những ngân hàng lớn bằng cách sáp nhập liệu có giải quyết triệt để được nguyên căn của những yếu kém và ngân hàng sẽ có những cơ thể khỏe mạnh?
Theo Bizlive