Ảnh minh họa.
Tài liệu mật được thu thập thông qua nhiều đầu mối báo chí quốc tế, bao gồm tờ Guardian, French daily Le Monde, BBC Panorama và Washington, dựa vào một tài liệu của Hội đoàn ký giả quốc tế chuyên về điều tra (International Consortium of Investigative Journalists).
Theo đó, chi nhánh Thụy Sỹ của ngân hàng HSBC bị cáo buộc thường xuyên cho phép khách hàng rút những khoản tiền lớn, thường ở dạng ngoại tệ, ít khi sử dụng tại Thụy Sỹ.
Nhà băng liên tục quảng cáo chào mời khách các chương trình giúp trốn thuế tại châu Âu, cấu kết với khách để che giấu hàng loạt tài khoản ngân hàng “ngầm” khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan thuế.
Ngoài ra, HSBC còn cung cấp tài khoản cho tội phạm xuyên quốc gia, các ông trùm và những nhân vật nhạy cảm khác.
Bộ tài liệu ghi nhận hoạt động trong giai đoạn 2005-2007 của ngân hàng HSBC, là vụ rò rỉ tài liệu ngân hàng lớn nhất trong lịch sử, đưa ra ánh sáng 30.000 tài khoản, lưu trữ gần 120 tỷ USD tài sản.
Trả lời phỏng vấn tờ Guardian của Anh, HSBC, ngân hàng lớn thứ hai thế giới, thừa nhận chi nhánh Thụy Sỹ có những hành vi sai trái.
“Chúng tôi thừa nhận chuyện này và chịu trách nhiệm vì các thất bại trong quản lý và tuân thủ trước đây”, ngân hàng thông báo.
Chi nhánh Thụy Sỹ chưa hợp nhất hoàn toàn vào HSBC sau khi được thâu tóm năm 1999. Đây là nguyên do khiến nhiều hoạt động không phù hợp tiêu chuẩn và đạo đức vẫn có cơ hội tiếp diễn, HSBC giải thích.
Một ví dụ về hoạt động bị buông lỏng có liên quan đến Richard Caring, tài phiệt người Anh, sở hữu nhà hàng cao cấp Ivy, chuyên tiếp đón người nổi tiếng ở xứ sở sương mù. Năm 2005, có ngày ông rút tới 5,41 triệu USD tiền mặt từ HSBC Thụy Sỹ mà từ chối đưa lý do.
Mặc dù các cơ quan chức năng trên thế giới đã có trong tay bộ tài liệu từ năm 2010, bản chất của những hoạt động tại ngân hàng Thụy Sỹ chưa hề được công bố cho đến vừa rồi. Trong đó có tên của những ngôi sao Hollywood và các thương gia đình đám bậc nhất châu Âu.
Ngoài ra, nhân viên ngân hàng HSBC còn giúp đỡ Emmanuel Shallop, một thương gia khét tiếng, thường xuyên bị cáo buộc buôn bán “kim cương máu” - nguồn cơn của các cuộc chiến ở châu Phi.
“Chúng ta đã mở một tài khoản công ty cho ông ấy ở Dubai. Vị khách này rất thận trọng vì đang bị Cơ quan thuế Bỉ để mắt. Ông ta đang bị họ điều tra liên quan đến các hoạt động buôn bán kim cương có mùi trốn thuế”, trích một bản ghi nhớ.
Nhân viên HSBC tại Thụy Sỹ thường xuyên cho khách vãng lai vay một lượng lớn tiền mặt mà chỉ hỏi qua loa.
Không chỉ tiếp tay cho khách có nhu cầu trốn thuế, HSBC còn chủ động chào mời các “gói chiến lược” cho khách hàng giàu có, giúp công dân châu Âu trốn thuế đánh vào các tài khoản ngân hàng Thụy Sỹ.
Dịch vụ này càng bùng nổ sau khi Thụy Sỹ và châu Âu ký vào một hiệp ước thuế mới nhằm đánh vào các tài khoản ngân hàng ngầm.
Ngoài người nổi tiếng và doanh nhân, danh sách khách hàng của HSBC Thụy Sỹ có tên của họ hàng nhiều nhà độc tài, các nhân vật liên quan đến bê bối tham nhũng ở châu Phi, lái buôn vũ khí…
Từ năm 1998, ngành ngân hàng Thụy Sỹ yêu cầu soát xét mức độ cao với tài khoản của các nhân vật nhạy cảm chính trị, tuy nhiên bộ tài liệu cho thấy HSBC luôn luôn niềm nở cung cấp dụng vụ cho những cá nhân gây tranh cãi này.
Guardian đưa ra bằng chứng về hoạt động sai trái của HSBC tại Thụy Điển. Trong một phiên tòa gần đây, HSBC dính cáo buộc tiếp tay cho Andrew Silva, một bác sỹ phẫu thuật quốc tịch Mỹ ở Geneva. HSBC gửi cho ông Andrew những cọc tiền 100.000USD mỗi lần, giúp ông gửi bất hợp pháp số tiền đó về Mỹ.
Tại Pháp, ông Nessim el-Maleh, lãnh đạo HSBC, điều khiển một đường dây tiền mặt. HSBC tiếp nhận những bao tải lớn tiền mặt thu từ hoạt động buôn bán cần sa cho dân ngoại ô Paris.
Tiền này được luân chuyển về tay khách hàng hợp pháp của HSBC tại Thủ đô Pháp, còn HSBC Thụy Sỹ làm một số thủ thuật để hoàn trả số tiền cho lái buôn cần sa.
HSBC hiện đang hầu tòa án hình sự tại Pháp, Bỉ, Mỹ và Argentina sau khi bộ tài liệu bị rò rỉ, nhưng chưa lĩnh án tại Anh.
Richard Brooks, một nhà điều tra thuế vụ trả lời BBC Panorama khẳng định HSBC đang cung cấp dịch vụ trốn thuế.
“Nếu không vì trốn thuế, chẳng có lý do gì để mở tài khoản ngân hàng tại nước ngoài. Một số người dùng cách này để trốn thuế, một số người muốn giấu tiền”, ông chỉ ra.
Theo Bizlive