Sáp nhập ngân hàng: Những điều khó nói

Thứ sáu, 06/02/2015, 14:34
Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã bắt đầu với cả ngân hàng lớn - nhỏ, không còn bó hẹp trong phạm vi các ngân hàng yếu kém.

Xử lý những tổ chức tín dụng thua lỗ, nợ xấu cao, âm vốn chủ sở hữu, chất lượng tài sản thấp là tất yếu. Còn những ngân hàng lớn - nhỏ hoạt động tốt, khoẻ mạnh, kinh doanh chưa bao giờ lỗ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, nợ xấu thấp sẽ tham gia hợp nhất, sáp nhập bởi đây là chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tâm tư đòi hỏi giải quyết linh hoạt, thỏa đáng.

Nhỏ khác yếu kém

Các ngân hàng lớn có không ít trăn trở khi nhận sáp nhập ngân hàng nhỏ. Họ chuẩn bị đi qua thời kỳ khó khăn, bước vào vùng tăng trưởng mới và không muốn bị níu kéo bởi khoảng thời gian có thể mất mát cho việc hợp nhất với một ngân hàng nhỏ hơn.

Tuy nhiên, họ không thể đứng ngoài công cuộc tái cơ cấu. Giữa hai lựa chọn một bên là ngân hàng yếu kém như OceanBank (Ngân hàng TMCP Đại Dương); Ngân hàng TMCP Xây dựng; Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank); Ngân hàng TMCP Phương Nam... và bên kia là các ngân hàng khỏe mạnh, chỉ quy mô nhỏ như Sài Gòn Công thương Ngân hàng (SaigonBank); Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB); Ngân hàng TMCP Mê Kông... họ sẽ chọn đồng nghiệp nhóm hai.

Để khích lệ các ngân hàng lớn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục cam kết, sau khi tái khẳng định các “ông lớn” không hề mất mát gì, đưa ra cơ chế chính sách, đảm bảo để các ngân hàng không bị thua thiệt. Thậm chí NHNN còn cho rằng sáp nhập sẽ giúp các ngân hàng lớn mở rộng mạng lưới khi mà mỗi ngân hàng nhỏ đều có 30-50 chi nhánh, phòng giao dịch.

Phía nhận sáp nhập thì như thế, nhưng phía bị sáp nhập chưa hề có được một sự động viên, khuyến khích nào. Dường như người ta đang quên đi các ngân hàng nhỏ cũng có vai trò nhất định trong nền kinh tế, cũng ăn nên làm ra, tình hình tài chính lành mạnh.

Liệu có nhất thiết tất cả các ngân hàng đều phải to hay bên cạnh lớn nên cho phép tồn tại những ngân hàng trung bình? Giống như nền kinh tế có tập đoàn, tổng công ty song song với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá thể. Trong giai đoạn 1 tái cấu trúc, chúng ta đã cho phép một số ngân hàng yếu kém (chứ không phải nhỏ) tự tái cơ cấu và đến giờ quy mô của chúng chưa vượt qua tầm ngân hàng nhỏ như Ngân hàng TMCP Nam Việt (tên mới là Ngân hàng TMCP Quốc Dân).

Xác định giá trị vốn Nhà nước

Trong danh mục kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2015 của Thanh tra Chính phủ, ngoài NHNN, Vinatex, Bộ Quốc phòng, tập đoàn Than - Khoáng sản, có tên Ngân hàng MHB. Vì sao thanh, kiểm tra định kỳ MHB lại quan trọng đến vậy? Vì đây là ngân hàng nơi cổ đông nhà nước chiếm hơn 90% vốn.

Và câu chuyện vốn nhà nước bắt đầu từ đây! Ban đầu mọi hình dung tưởng như đơn giản. Việc hợp nhất những ngân hàng gần như quốc doanh với nhau do chủ sở hữu quyết định (Ban Tài chính quản trị Thành ủy TP HCM nắm giữ khoảng 75% vốn điều lệ SaigonBank). Chủ sở hữu ở đây là Nhà nước. Khi chủ sở hữu đã quyết, người đại diện vốn nhà nước tại các ngân hàng phải thực hiện. Vấn đề là ở chỗ thực hiện theo quy định.

Hợp nhất rồi, hệ thống công nghệ của ngân hàng nhỏ sử dụng thế nào, hay bỏ đi? Sự lãng phí đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho công nghệ không thể tìm lại được.

Hợp nhất rồi, hệ thống công nghệ của ngân hàng nhỏ sử dụng thế nào, hay bỏ đi? Sự lãng phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công nghệ không thể tìm lại được.

Việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước hay ngân hàng, tổ chức kinh tế đều tuân thủ quy định xác định giá trị tài sản, vốn liếng, công nợ, các khoản phải thu phải đòi... Đối với ngân hàng, phải xác định giá trị tài sản của cả hai bên trước khi đưa ra một tỷ lệ hoán đổi thích hợp.

Một cán bộ Thành ủy TP HCM nói xác định giá trị tài sản thực của SaigonBank thì đúng rồi, nhưng còn của ngân hàng nhận sáp nhập thì sao? Chất lượng tài sản của họ thế nào? Ông băn khoăn nếu việc xác định giá trị tài sản chỉ tiến hành với một bên, lỡ có thất thoát vốn nhà nước, ai chịu trách nhiệm? Ông chỉ ra ở nước ngoài các ngân hàng niêm yết có giá giao dịch cổ phiếu hàng ngày nhưng khi mua bán sáp nhập vẫn phải kiểm toán độc lập, lập các ủy ban định giá tài sản, đâu phải áp dụng tỷ lệ hoán đổi 1:1 là xong?

Trước đây SaigonBank đã nhiều lần có văn bản gửi Bộ Tài chính xin đánh giá lại giá trị tài sản thật nhưng đều chưa được Bộ Tài chính chấp thuận. Nay với những quy định khắt khe của ngành tài chính về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngân hàng, liệu việc định giá SaigonBank hay bất kỳ ngân hàng nào có vốn nhà nước chi phối có thuận tiện hơn?

Xin kể một câu chuyện thực về quản lý vốn nhà nước ở những ngân hàng gần như quốc doanh. Mấy năm trước, trong cuộc “khủng hoảng thanh khoản”, ngân hàng XYZ cho một ngân hàng thiếu thanh khoản vay tiền đồng liên ngân hàng. Quá hạn, ngân hàng vay không trả được cả vốn lẫn lãi. Để tháo gỡ, cơ quan quản lý đề nghị bên cho vay miễn lãi khoản vay, chỉ nhận lại phần gốc. Ngân hàng XYZ đồng ý với điều kiện cơ quan quản lý ra văn bản chỉ đạo để họ có chứng từ trình với Kiểm toán Nhà nước khi Kiểm toán Nhà nước vào làm việc mỗi năm. Quy định quản lý tài chính nhà nước rõ ràng, ngân hàng XYZ không thể làm trái. Cuối cùng, cơ quan quản lý không ban hành văn bản chỉ đạo miễn lãi, ngân hàng XYZ nhận lại khoản vay gốc cộng lãi, chỉ không có lãi phạt cho nợ quá hạn.

Yếu tố người lao động

Khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo quy định doanh nghiệp được sử dụng một phần tiền thu từ IPO để sắp xếp lao động dôi dư, đào tạo lại nhân viên. Nếu phần tiền thu được không đủ giải quyết vấn đề người lao động, doanh nghiệp có thể xin hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ cổ phần hóa của Nhà nước.

Việc sáp nhập ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn cũng đụng phải vấn đề người lao động. Giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch; trưởng phó ban các phòng ban, giám đốc các công ty con, trung tâm thẻ... của ngân hàng bị sáp nhập chắc chắn sẽ không còn ở vị trí cũ. Địa điểm giao dịch trên cùng một địa bàn của ngân hàng nhỏ sẽ hợp nhất với chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng nhận sáp nhập. Lúc này việc bố trí lại lao động cho phù hợp với nhu cầu công việc của ngân hàng lớn tất yếu diễn ra. Liệu người lao động ở ngân hàng nhỏ và thu nhập của họ sẽ biến động thế nào?   

Hồi Habubank sáp nhập vào SHB, nguyên tổng giám đốc Habubank sau một thời gian hợp nhất đã trở thành người thu hồi nợ. Có những nhân viên Habubank không làm hết được khối lượng công việc ở vị trí mới đã viết đơn xin nghỉ việc. Không thể trách SHB bởi họ chịu áp lực tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí, việc giảm bớt người lao động không cần thiết là không tránh khỏi.

Một điểm nhấn khác khi sáp nhập sẽ là sự tương thích của hệ thống công nghệ hai bên. Hầu hết các ngân hàng đều đã đầu tư core banking (ngân hàng lõi) với quy trình riêng, mục tiêu khách hàng riêng cũng như định hướng phát triển riêng. Hợp nhất rồi, hệ thống công nghệ của ngân hàng nhỏ sử dụng thế nào, hay bỏ đi? Sự lãng phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công nghệ không thể tìm lại được.    

Sự thành công của mỗi thương vụ sáp nhập giữa các ngân hàng lành mạnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song trên hết là lợi ích tạo ra cho hai bên, cho nền kinh tế, cho xã hội. Nếu chúng ta muốn hình thành nên những “quả đấm thép”, những ngân hàng tầm cỡ ngang các ngân hàng khu vực, sáp nhập chỉ để đáp ứng nhu cầu to liệu đã thật sự hợp lý?

Nhìn lại, có gì liên quan giữa trào lưu ngân hàng nông thôn chuyển thành đô thị; sau đó các ngân hàng bắt buộc phải nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng để đạt chuẩn quy mô, và tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo hiện nay mà chúng ta sẽ còn tiếp tục mất nhiều công sức xử lý. Việc củng cố, xây dựng những ngân hàng tầm cỡ không đồng nghĩa với việc xóa bỏ những ngân hàng nhỏ không dính líu đến sở hữu chéo, không vốn ảo, kinh doanh tương đối hiệu quả (NIM - tỷ lệ lãi biên - của SaigonBank có năm tới 5,9).

Tập trung tín dụng để phát triển nông nghiệp - nông thôn, nhất là khu vực lúa gạo ĐBSCL, là định hướng lớn của Chính phủ hiện nay, trong khi MHB có tới 229 chi nhánh, phòng giao dịch ở địa bàn nông thôn. Tại Hà Nội, TP HCM ngân hàng này chỉ có 4 trên tổng số 44 chi nhánh. Ở ĐBSCL dư nợ cho vay của MHB đứng thứ tư trong hệ thống ngân hàng và đứng thứ hai nếu tính riêng cho vay cá nhân, hộ gia đình. Một định chế tài chính có sức ảnh hưởng đến khu vực sông Mêkông như vậy sẽ phát huy lợi thế ra sao khi “chuyển hộ khẩu” về ngân hàng khác?

Hiệu quả chính sách, cơ chế chỉ đạt được mức tối đa khi áp dụng đúng đối tượng, thời điểm, mức độ. Thực tiễn cho thấy cải cách ngân hàng nhỏ đang rất khác với ngân hàng yếu kém.

Muốn hình thành nên những “quả đấm thép”, những ngân hàng tầm cỡ ngang các ngân hàng khu vực, sáp nhập chỉ để đáp ứng nhu cầu to liệu đã thật sự hợp lý?

Theo KTSG

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn