Taxi luôn giảm cước 500 đồng, lợi nhuận vào túi ai?

Thứ năm, 05/02/2015, 07:02
Ảnh hưởng từ đà giảm mạnh của giá xăng, vấn đề cước phí taxi đang gây chú ý thị trường. Tuy nhiên, chia sẻ từ nhiều tài xế cho thấy một góc nhìn khác về mối quan hệ xăng-cước.

Khi giá xăng liên tục giảm, một số hãng taxi cũng giảm giá cước. Báo cáo gần nhất của tổ kiểm tra liên bộ Tài chính - Giao thông Vận tải cho thấy, đã có 81 hãng taxi thông báo giảm cước trong tháng 1/2015. Mức giảm nhiều nhất dao động 5-20% tùy loại xe, còn phổ biến ở 5-7%.

Điệp khúc giảm 500 đồng

Tuy vậy, vẫn có những hãng "lười" điều chỉnh cước khi xăng giảm mạnh với nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, taxi CP Hà Nội chỉ giảm cước một lần vào giữa tháng 11/2014, với mức giảm 6%, tương đương 600 đồng/km, áp dụng từ km thứ 30 trở đi. Taxi Long Biên chỉ giảm 2 lần trong năm 2014, mức giảm mỗi lần 500 đồng/km, Mai Linh giảm 500 đồng/km.

Đại diện một hãng taxi chỉ giảm giá 2 lần trong năm 2014, mỗi lần 500 đồng/km phân trần: "Hiện giá mở cửa của chúng tôi là 9.000-10.000 đồng - mức gần như rẻ nhất hiện nay. Nhiều hãng trong năm qua giảm tới 3-4 lần thật, nhưng giá mở cửa vẫn ở mức 12.000 đồng. Do vậy, không thể tính số lần giảm hoặc giảm bao nhiêu, mà biểu giá cuối cùng mới là quan trọng".

Nhiều hãng taxi viện giải lý do chậm trễ giảm giá cước do hoạt động thanh kiểm tra, cài lại đồng hồ ngốn chi phí lớn. Tuy nhiên, thực tế chia sẻ từ nhiều tài xế các hãng không hẳn như vậy. Ảnh: Hoàng Anh

Cán bộ phòng kinh doanh của một hãng taxi khác hoạt động trong nội thành Hà Nội chia sẻ: "Thay vì đếm số lần giảm giá cước rồi so sánh với đà giảm của xăng, người tiêu dùng nên nghĩ tới khoảng thời gian dài nhà xe phải gồng gánh tiền nhiên liệu ở mức rất cao nhưng không dám tăng giá. Đó là chưa kể tới việc mỗi lần điều chỉnh giá, công ty phải bỏ chi phí rất lớn cho hoạt động thanh kiểm tra, cân chỉnh lại đồng hồ. Đơn cử, mỗi lần giảm giá chúng tôi đều phải chi khoảng 400.000-500.000 đồng để chỉnh lại đồng hồ cho từng xe".

Khảo sát cho thấy, hiện giá taxi trên địa bàn Hà Nội khoảng 11.000-12.000 đồng/km, được chính các hãng ở đây xếp vào tốp thấp nhất cả nước. Đây cũng là lý do phần lớn các hãng taxi viện dẫn để giải thích cho việc chậm trễ giảm cước, hoặc giảm nhưng ở mức rất thấp. Thậm chí, một nhân viên kinh doanh taxi cho biết, nếu giảm giá thấp hơn nữa, có thể hãng sẽ phải bù lỗ, quyền lợi của tập thể tài xế, nhân viên cũng bị ảnh hưởng.

Chi phí 1 phần, thu lợi 9 phần, tiền vào túi ai?

Theo tìm hiểu của Zing.vn, thực tế, việc giảm hay không, số liệu giảm là bao nhiêu của các hãng không hoàn toàn phụ thuộc vào chi phí nhiên liệu, hoặc một số lý do đại diện hãng giải thích ở trên. Về bản chất, giá nhiên liệu là cố định, các hãng đều phải sử dụng. Chi phí khác như bến bãi, bảo dưỡng, đồng phục nhân viên... giữa các hãng cũng không chênh lệch nhiều. Trong khi đó, các đơn vị kinh doanh đều cần đặt mục tiêu lợi nhuận, nên về bản chất, mức giá trần cho cước taxi sẽ là giá của hãng đang áp dụng mức thấp nhất, sau khi đã bỏ đi chi phí về phương tiện.

Cựu tài xế Đinh Quang Dần (Hoài Đức, Hà Nội) từng lái xe cho nhiều hãng taxi khác nhau ở thủ đô chia sẻ, giá nhiên liệu hiện tại khá thấp, nên gần như không tạo sức ép đối với các hãng taxi. Năm 2011-2012, khi giá xăng ở khoảng 22.500-23.000 đồng/lít, chạy loại xe 4 chỗ khá cũ, mỗi 100 km anh Dần chi hơn 200.000 đồng. Giá cước khi đó là 13.000 đồng/km. Để đi quãng đường dài 100 km, khách phải trả 1,3 triệu đồng. Như vậy, trừ chi phí nhiên liệu, tài xế sẽ thu về hơn 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, ngoài chi phí cho nhiên liệu đắt đỏ, tài xế này còn phải trả nhiều khoản phí khác cho công ty, như tiền khoán xe (trả về theo hợp đồng) gần 300.000 đồng/ngày, phí bảo trì xe 7.000 đồng/ngày, nay tăng lên 15.000-16.000 đồng (bao gồm bảo dưỡng máy và phần thân vỏ), phí đồng phục đóng 2 lần/năm, phí công đoàn.

"Tính ra với hình thức khoán xe, tức là xe của người lái, năm 2011-2012, mỗi ngày mình trả về công ty khoảng 320.000 đồng, thêm 200.000 đồng xăng xe, bỏ túi khoảng 400.000 đồng/ngày. Nếu giá xăng giảm như bây giờ thì thu nhập tài xế đã khác", anh Dần cho biết.

Cũng theo lái xe này, giai đoạn năm 2011-2012 là thời gian giá xăng cao nhưng bình ổn, nên ít khi có chuyện công ty thông báo tăng, giảm giá cước. Tuy nhiên, mỗi lần tăng giá cước công ty cũng chỉ cần ra thông báo trong 1 ngày, là hôm sau có thể thực hiện luôn chứ không rườm rà các thủ tục như hiện nay.

Cùng chung quan điểm trên, anh Lê Cường, tài xế hãng taxi ở khu vực ngoại thành cho biết, trên thực tế, thủ tục điều chỉnh cước của hãng xe này không quá "lằng nhằng" như nhiều người nghĩ. Theo anh Cường, hãng taxi anh làm việc chỉ giảm giá 2 lần trong năm qua, lần gần nhất cách đây 1 tháng, mức giảm là 500 đồng/lít.

"Cũng có khách quen kêu sao giảm thưa và ít vậy, nhưng nếu so giá mở cửa 9.000 đồng của hãng tôi với mức phổ biến hiện nay là 11.000-12.000 đồng/km, thì nhiều đơn vị dù thông báo giảm cước tới 4-5 lần/năm mà đâu có rẻ hơn", tài xế này so sánh.

Anh Cường còn khẳng định, giá rẻ kịch sàn, không thể giảm hơn là lý do lý giải việc hãng này "lười" giảm cước. Đồng thời, anh cũng phủ nhận nhiều lời viện cớ do cài đặt đồng hồ, tốn tiền, tốn thời gian của một số doanh nghiệp. "Ví dụ như xe tôi, mỗi lần hãng giảm cước cũng chỉ mất hơn 100.000 đồng, và thời gian cài đặt lại đồng hồ lâu nhất cũng chỉ 1 tiếng, không ảnh hưởng gì tới hoạt động trong ngày. Không biết các hãng thế nào nhưng ở công ty tôi, tài xế là người chịu phí cài đồng hồ mỗi lần điều chỉnh cước chứ không phải công ty", anh cho hay.

2 năm nay, anh Cường vẫn chạy xe 4 chỗ, bình xăng 50 lít. Mỗi ngày chạy khoảng 400km, xe anh tốn 28 lít xăng, tổng chi nhiên liệu gần 450.000 đồng (giá 15.700 đồng/lít). Lái xe này chia sẻ, chi phí nhiên liệu không quá ảnh hưởng tới thu nhập mỗi ngày của anh, việc công ty anh giảm giá xăng có lẽ chỉ để "theo phong trào". Ngoài chi phí nhiên liệu, mỗi tháng anh Cường trả công ty khoảng 2 triệu đồng phí dịch vụ và 30.000 đồng tiền công đoàn.

Như vậy, với 100km và chi phí xăng xe chỉ khoảng 100.000 đồng, trong khi tiền thu từ khách là hơn 1 triệu đồng, phần chênh lệch dôi ra khoảng 900.000 đồng sẽ vào túi doanh nghiệp và tài xế. Phần nhiều sẽ thuộc về tài xế nếu làm việc dưới dạng góp cổ phần vào công ty (sở hữu xe, chỉ mất chi phí bộ đàm, nhãn hiệu), và nếu tài xế chỉ "lái thuê" thì phần nhiều hơn sẽ thuộc về doanh nghiệp.

Theo Zing

Các tin cũ hơn