Theo ông Ralph Jenning, chuyên gia về thị trường tài chính châu Á, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang bị chậm lại và chi phí lao động ngày càng đắt đỏ thì Việt Nam lại ngày càng trở thành một môi trường sản xuất hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu tư nước ngoài vào sản xuất ở Việt Nam còn đang phát triển ở các lĩnh vực lắp ráp công nghệ cao và có giá trị cao. Hiện hai hãng xe hơi nổi tiếng Ford và Toyota đều mở rộng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Các công nhân Việt Nam trong một nhà máy sản xuất của hãng xe hơi Ford tại Hải Dương. |
Chưa dừng lại ở đó, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục có những chính sách để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư.
Ông Ralf Matthaes thuộc công ty tư vấn đầu tư Infocus Consultant có trụ sở tại TP HCM nhận định: “Chính phủ Việt Nam đang chào đón và mở cửa thị trường cho hầu hết các lĩnh vực, do đó, việc xin cấp phép và hoạt động trở nên đơn giản hơn nhiều so với Trung Quốc”.
Vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam đang rất lớn. Hãng sản xuất vi xử lý máy tính Intel đang hoạt động nhà máy lắp ráp và thử nghiệm có trị giá tới 1 tỷ USD ở TP HCM từ năm 2010. Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Công ty điện tử Samsung Electronics cũng đang đầu tư tới 11 tỷ USD ở Việt Nam. Nhà thầu Hon Hai Precision của Apple cũng đang sản xuất nhiều linh kiện cho điện thoại thông minh (smartphone) ở Việt Nam.
Chính phủ Trung Quốc cho biết tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2014 là 7,4%, mức thấp nhất trong 24 năm qua, một phần là do sản xuất công nghiệp chỉ tăng 8,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,7% của năm 2013. Ngân hàng Thế giới dự đoán, năm 2015, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ còn tăng trưởng ở 7,1%.
Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc năm 2014 chỉ là 119,6 tỷ USD, tăng chưa đến 2% so với năm 2013.
Bên trong một nhà máy của Samsung Electronics ở Việt Nam. |
Các quan chức ở Bắc Kinh đang soạn thảo luật đầu tư trực tiếp nước ngoài mới để giúp các dự án đầu tư sản xuất của nước ngoài được đối xử bình đẳng hơn so với các dự án trong nước. Theo truyền thông Trung Quốc, luật này có thế loại bỏ bớt những rào cản đối với các dự án đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chi phí lao động cùng với giá nhà đất tăng trong 5 năm qua đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách cắt giảm chi phí ở Trung Quốc.
Trong quý IV/2014, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8 tỷ USD chỉ trong 3 tháng. Kết quả trên đạt được phần nhiều là do chi phí lao động ở Việt Nam vẫn thấp hơn từ 20% đến 23% so với Trung Quốc. Kể từ năm 2011, Việt Nam đã có nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát và ngăn chặn tình trạng đồng tiền mất giá.
Ngoài ra, theo công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting ở Bắc Kinh và Thượng Hải, các thủ tục cấp giấy phép xây dựng của Việt Nam cũng thuận tiện hơn của Trung Quốc. Điều này khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy ở Việt Nam. Daxue Consulting cho biết, để xây dựng một nhà máy ở Việt Nam chỉ mất khoảng 114 ngày, nhanh hơn nhiều so với 244 ngày ở Trung Quốc. Chi phí xuất hàng tính trên mỗi container khỏi Trung Quốc cũng đắt hơn 200 USD so với Việt Nam.
Ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của công ty tư vấn kinh tế Mekong Economics tại Hà Nội nhận định, Việt Nam đã có thể cạnh tranh tốt hơn trong “chuỗi giá trị toàn cầu” trong bối cảnh chi phí lao động ở Trung Quốc đang ngày càng tăng và 10 thành viên khu vực Đông Nam Á đang cùng nhau tăng khả năng cạnh tranh.
Trong khi đó, ông Matthaes cho hay: “Tất cả các rào cản thực sự đã được biến thành lợi ích đối với các nhà đầu tư, thúc đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và môi trường đầu tư của Việt Nam, trong khi Trung Quốc bắt đầu chậm lại”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ tài chính The Street của Đài Loan. Tờ này được thành lập từ năm 1996, chuyên cung cấp thông tin về thế giới đầu tư, tài chính, kinh doanh trên toàn thế giới.
Theo Infonet