Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh tại Hội thảo thường niên 2015 Doanh nghiệp Việt – Hội nhập kinh tế thế giới giai đoạn mới, do GIBC tổ chức chiều ngày 5/2 tại TP.HCM.
Đừng đổ tại khủng hoảng!
Theo diễn đàn kinh tế thế giới, trong năm 2014- 2015, năng lực cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam không thể hiện được sự cải thiện nhiều so với những năm trước. Việt Nam dù lên được 2 bậc so với thời kỳ của 2013-2014, nhưng mấy bậc lên của thời gian qua chưa đủ bù lại được một lần bị giảm tới 16 bậc của những năm trước.
Về điểm nền tảng các nhân tố cơ bản, cộng lại sau 3 năm liên tục cải thiện thì vẫn tăng chưa tới 10 điểm. Nếu nhìn vào trong các năng lực cạnh tranh của Việt Nam thì những yếu tố cơ bản vẫn ở mức điểm không cao, thứ hạng là 79/144 nền kinh tế, đạt 4,4 điểm/7 điểm, tức là chỉ trên trung bình.
Thứ hai là nhóm các nhân tố thúc đẩy hiệu suất nền kinh tế, điều chúng ta hướng tới thì Việt Nam đang đứng thứ 74, nhưng điểm thì chỉ có 4 điểm. Và nhóm thứ ba các nhân tố sáng tạo, đây là nhân tố để nền kinh tế vượt lên được về năng lực cạnh tranh dài hạn thì Việt Nam đứng thứ 98, điểm chỉ là 3,4 điểm tức là dưới trung bình.
“Nhìn vào các con số cũng thấy rất rõ Việt Nam hiện nay chưa vượt ra khỏi được mức độ phát triển dựa trên các yếu tố nền tảng, chưa sang được giai đoạn thứ hai, là dựa trên hiệu suất của nền kinh tế và càng xa vời so với nhóm thứ ba là dựa trên các yếu tố sáng tạo”, bà Phạm Chi Lan cho biết.
Đặt trong so sánh với các nước khác, trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thì Việt Nam với tỷ lệ tăng trưởng 6,8% đứng thứ 2 trong khu vực này sau Trung Quốc (+11,9%) và sau cuộc khủng hoảng thì Trung Quốc giảm còn 8,8% thì Việt Nam tụt xuống 5,8%.
Theo đó có 2 nước khác là Indonesia và Philippines trước đây tăng trưởng thấp hơn Việt Nam, nhưng sau khủng hoảng đã vượt lên trên Việt Nam.
“Đừng đổ tại khủng hoảng, cùng bị khủng hoảng nhưng họ vượt lên được nhưng chúng ta vẫn chìm trong những khó khăn. Chúng ta bỏ rất nhiều tiền đầu tư, mức đầu tư rất cao nhưng mức tăng trưởng không tương ứng với tỷ lệ đầu tư bỏ ra”, bà Lan nói.
Trong Asean thì Việt Nam chỉ hơn Lào và Campuchia
Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam khá lạc hậu. Chúng ta rất tự hào về thành tích xuất khẩu. Coi hai đầu tàu cho tăng trưởng là xuất khẩu, FDI.
Về xuất khẩu phải nhớ là xuất khẩu của Việt Nam không phải là những sản phẩm có mức độ phức tạp về kỹ thuật cao. Có tới 70% xuất khẩu của Việt Nam là ở trong nhóm hàng phức tạp thấp, chủ yếu là hàng gia công, thức ăn chưa qua chế biến… Ngay như Philippines cũng chỉ có 13% xuất khẩu dựa vào sản phẩm có độ phức tạp thấp, còn Indonesia là 49%.
“Nếu so sánh về chất lượng xuất khẩu thì chúng ta còn thua nước khác nhiều. Tôi nhắc lại trong Asean thì Việt Nam chỉ hơn Lào và Campuchia thôi”, chuyên gia kinh tế này nhận định.
Và theo bà, điều này dẫn đến việc là khi chúng ta tham gia cộng đồng kinh tế Asean, hàng hóa của các nước khác có năng lực cạnh tranh cao hơn hoàn toàn có thể chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, khu vực tư nhân trong nước vẫn nhỏ và yếu. Lẽ ra chúng ta phải coi khu vực doanh nghiệp tư nhân là một động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế, nhưng trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam với 3 khu vực chính là DN nhà nước, FDI và tư nhân trong nước, thì DNNN được ưu tiên số 1, rồi đến FDI và sau cùng là tư nhân.
Bà Lan cho biết: “Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam sau 10 năm phát triển năm 2012 so với 2002 đã nhỏ đi 50% về quy mô. Số lượng doanh nghiệp hàng năm vẫn tăng lên nhưng quy mô về lao động cũng như về vốn là giảm đi một nửa. Tức là không lớn lên được mà còn nhỏ đi. Như vậy điều này là hết sức nghịch lý.”
Bà Phạm Chi Lan - Ảnh: Nguyệt Vy. |
Đừng để Việt Nam tạo cơ hội cho người khác
Hội nhập sẽ tạo cơ hội các nước, trong đó có Việt Nam. Vấn đề là chúng ta định vị mình như thế nào trong nhóm cơ hội này, hay là chúng ta chấp nhận cạnh tranh chủ yếu với Lào, Campuchia và Myanmar?
Nhìn về dài hạn Việt Nam vẫn có những tiềm năng tăng trưởng tốt. GDP tiếp tục tăng lên, đô thị hóa, tuổi thọ tăng lên... Làm thế nào phải khai thác được những động lực này thành lực mới trong nền kinh tế, khả năng cạnh tranh mới trong nền kinh tế…
Tiêu dùng rất đáng lạc quan vì tầng lớp trung lưu ở Việt Nam tăng lên ngày càng nhanh. Năm 2012 Việt Nam có 8 triệu người, với mức tiêu dùng 46 tỷ USD. Dự kiến đến 2020 có 40 triệu người trung lưu và mức tiêu dùng lên đến 310 tỷ USD, và đến 2030 là 95 triệu người và 940 tỷ USD.
“Vậy đến 2020 – 2030 liệu những con số 310 – 940 tỷ liệu có bao nhiêu là của doanh nghiệp nội địa, hay là Việt Nam lại là thị trường tiêu thụ hàng hóa nước ngoài là chính”, chuyên gia Phạm Chi Lan đặt ra vấn đề.
Như vậy ở trên là triển vọng chung của nền kinh tế, nhưng với doanh nghiệp thực sự là một dấu hỏi rất lớn. Làm sao doanh nghiệp Việt phải tăng lên trong con số ở trên.
“Bây giờ Thái Lan đang mua hàng loạt các siêu thị. Liệu mai đây hàng hóa Việt Nam có còn 90% hàng Việt trong siêu thị, hay tới đây sẽ là 90% là hàng Thái? Đòi hỏi cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp phải giải đáp bài toán này chứ đừng để Việt Nam chỉ cung cấp cơ hội cho những người khác, tự mình lại không giành được cơ hội cho mình”, bà Lan nói.
Theo Bizlive