Thống đốc ngỏ ý "nhờ vả" "ông lớn" ngân hàng chuyện sáp nhập

Thứ bảy, 24/01/2015, 10:40
Khẳng định chuyện sáp nhập ngân hàng nhỏ vào nhà băng lớn quốc doanh không phải là “ép buộc” mà là Ngân hàng Nhà nước “nhờ” và trông cậy vào hệ thống “ông lớn” này sẽ vực dậy ngân hàng yếu hơn.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu quan điểm về xu hướng sáp nhập ngân hàng lớn "ôm" nhà băng nhỏ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của VietinBank vừa qua.

Ông nhấn mạnh, đây không phải là việc “ép buộc” các ngân hàng thương mại quốc doanh mà là Ngân hàng Nhà nước “nhờ”.

Sáp nhập với ngân hàng nhỏ hơn, VietinBank sẽ được hưởng cả hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch mới "đồ sộ" chỉ sau "một đêm"

“Những ngân hàng này tham gia vào quá trình tái cơ cấu này sẽ không bị thiệt thòi về mặt tài chính, vì đã là ngân hàng cổ phần rồi. Điều mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhờ, đó là sự tham gia của các ngân hàng quốc doanh lớn dưới góc độ con người, quản trị, uy tín của hệ thống để có thể vực dậy các nhà băng nhỏ”, ông nói.

Ngoài ra, nếu ngân hàng lớn “ôm” nhà băng nhỏ, “cái lợi” lớn nhất nếu theo quan điểm của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là các ngân hàng lớn sẽ có thêm hàng trăm chi nhánh, phòng giao dịch mới “chỉ sau một đêm”.

“Các ngân hàng lớn muốn phát triển thì tất yếu phải đẩy mạnh mảng dịch vụ bán lẻ để “ăn sâu bám rễ trong nền kinh tế”. Muốn vậy thì cần phải có một mạng lưới hệ thống rộng khắp. Chẳng còn cách nào khác là phải sáp nhập, đây cũng là quyền lợi của chính các ngân hàng lớn, là cách thức tốt để thực hiện mục tiêu trên” – người đứng đầu ngành ngân hàng phân tích.

Chốt lại, ông nhấn mạnh, thông qua việc sáp nhập này cái được lớn nhất  mà các ngân hàng quốc doanh sáp nhập với ngân hàng là hệ thống ngân hàng sẽ có các ngân hàng quy mô lớn, tầm cỡ khu vực. Để đạt được quy mô này thì không thể nào phát triển tiệm cận như từ trước tới giờ vì sẽ mất hết thời cơ, mà chỉ thông qua chương trình tái cơ cấu này mới đạt nhanh được.

Về chủ trương tăng trưởng tín dụng năm 2015, mục tiêu chung của NHNN là 15%, so với mục tiêu năm 2014 chỉ tiêu này tăng khoảng 1-3%. Đưa ra con số này lãnh đạo cơ quan điều hành đã rất cân nhắc dựa trên cân đối các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống ngân hàng.

NHNN định hướng các ngân hàng phải chú trọng vào chất lượng tín dụng, chứ không phải chạy theo số lượng như trước” – ông Bình chia sẻ và bật mí, có thể hết 6 tháng đầu năm 2015, căn cứ vào tình hình NHNN có thể nới tín dụng tăng lên thêm khoảng 2% nữa, là 17%. Nếu giá dầu thô dưới 60 USD/thùng thì sản lượng khai thác dầu thô sẽ giảm khoảng 1,5 triệu tấn dầu và GDP sẽ giảm khoảng 0,2%. Lúc đó sẽ rất cần nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng “đổ” vào hoạt động sản xuất kinh doanh để cân bằng hoạt động kinh tế.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn