Đua nhau “đổi mặt”
Bộ nhận diện thương hiệu là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng làm nên thành công của doanh nghiệp. Quá trình đưa bộ nhận diện thương hiệu đến gần hơn với khách hàng ngốn của doanh nghiệp nhiều thời gian và công sức.
Thế nhưng, dù đã được hàng triệu khách hàng quen mặt nhưng nhiều “nhà giàu Việt” vẫn mạo hiểm thay đổi diện mạo.
Đầu năm 2015, ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) gây chú ý khi công bố bộ nhận diện thương hiệu mới. Đây là lần thay đổi thương hiệu đầu tiên, sau 21 năm thành lập ACB.
Logo mới của công ty cơ điện Trần Phú. |
Theo lý giải của đại diện nhà băng, đây là hình ảnh cách điệu thể hiện trọng tâm của nụ cười hài lòng, của vòng tay gắn kết, gợi cảm hứng về mối quan hệ bền vững giữa ACB với khách hàng, nhân viên, cộng đồng, cơ quan quản lý cũng như các cổ đông.
Nối gót ACB, công ty Cổ phần Cơ điện Trần Phú cũng ghi tên mình vào danh sách “nhà giàu Việt” “đổi mặt”. Theo đó, một logo mới đi kèm biểu tượng “Vietnam Value – Tự hào Thương hiệu Quốc gia” đã được gắn trên bộ nhãn mới của loại dây điện quen thuộc mang thương hiệu Trần Phú.
Đây được xem là bước đi khá táo bạo của công ty này vì khách hàng đã quen thuộc với logo trong suốt hai thập kỷ qua. Việc thay đổi logo với một thương hiệu đã có tên tuổi hàng thập kỷ là một bước đi mang tính chiến lược.
“Logo Trần Phú với hai chữ TP quen thuộc đã rất quen thuộc đối với người dân. Nhưng bối cảnh kinh doanh giai đoạn hội nhập này đòi hỏi Cơ điện Trần Phú phải có một logo mới hiện đại và chuyên nghiệp hơn. Công ty cũng muốn tạo ra sự khác biệt với một số loại dây điện mang thương hiệu cùng tên và sử dụng logo tương tự.” Đại diện Công ty Cổ phần Cơ điện Trần Phú cho biết.
Trước ngân hàng ACB và công ty cơ điện Trần Phú, TPBank, Oceanbank và Bảo Việt cũng đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu. Nếu TPBank bỏ đi biểu tượng FPT trên logo thì cả Oceanbank và Bảo Việt đều công bố những logo mới hiện đại hơn.
Thành công nhờ mạo hiểm?
Thay đổi những gì đã in sâu trong tâm trí khách hàng là động thái táo bạo, mạo hiểm của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể thất bại nếu logo mới không gần gũi, thân thiện như logo cũ. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp kể trên đều có được thành công nhất định khi đổi mới.
Mặc dù hoạt động kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ACB nhận được đánh giá cao từ khách hàng khi thay đổi bộ nhận diện thương hiệu. Nhiều người đánh giá bộ nhận diện mới có hình ảnh trẻ trung đầy sức sống.
Trong khi đó, dây điện màu vàng mang thương hiệu Trần Phú vẫn duy trì được vị trí bán chạy nhất miền Bắc. Thậm chí, cuối tháng 12/2014, dây điện Trần Phú được Hội đồng Thương hiệu Quốc gia và Bộ Công Thương lựa chọn trở thành Thương hiệu Quốc gia và được trao tặng biểu trưng Vietnam Value (Giá trị Việt Nam).
Trước đó, TPBank, Oceanbank, Bảo Việt đều nhận được sự đánh giá cao từ khách hàng khi thay đổi bộ nhận diện thương hiệu.
Theo VTCnews