Nước ta có 25 tỉnh chung đường biên giới với các nước bạn chiều dài 4.510km, tiếp giáp hai tỉnh của Trung Quốc, 10 tỉnh của Lào và chín tỉnh của Campuchia. Kinh tế biên giới là một phần quan trọng với quy mô giao thương qua 23 cửa khẩu quốc tế, 24 cửa khẩu chính, 42 cửa khẩu phụ, 160 đường mòn đã giúp thương nhân các bên có điều kiện phát triển buôn bán, không chỉ giải quyết đời sống gia đình mà còn đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế đất nước.
Trong hoạt động thương mại nói trên thì làm ăn tiểu ngạch ở vùng biên giới phía Bắc với Trung Quốc là phát triển mạnh nhất và cũng phức tạp hơn cả. Nhiều sản phẩm được thương nhân Trung Quốc đặt mua thật không bình thường, một thời đã thu hút người dân các tỉnh biên giới cung ứng bất chấp những thiệt hại cho sản xuất như móng trâu bò, rễ cây hồi và nhiều loại cây quý hiếm khác… Tất nhiên những thương vụ lạ lẫm này sau một thời gian đã được ngăn chặn nhưng rồi sau đó lại xuất hiện nhiều đợt làm ăn khác tương tự.
Điển hình như gần đây, lực lượng liên ngành khu vực biên giới Lạng Sơn và Quảng Ninh đã bắt giữ một số vụ vận chuyển sâu từ Trung Quốc vào Việt Nam mà theo thương nhân là để bán cho các điểm nuôi chim cảnh không chỉ ở địa phương mà cho nhiều nơi khác kể cả Hà Nội. Cảnh sát kinh tế huyện Chi Lăng, Lạng Sơn cho biết nơi đây đã bắt giữ nhiều vụ nhập sâu bọ như vậy, người buôn bán đã sử dụng xe du lịch để đưa về miền xuôi.
Ảnh minh họa. |
Số lượng không phải nhỏ, có vụ vận chuyển sâu đến hàng tạ được chuyển về Hà Nội bày bán trên một số đường phố mà khách hàng là những người nuôi chim cảnh. Cơ quan chức năng ở biên giới cho biết phần lớn các loại sâu được vận chuyển vào lãnh thổ nước ta là loại sâu rồng và sâu quy, nhập với giá 3-4 nhân dân tệ/kg, tương đương 13.000-14.000 đồng và khi đến tay người tiêu dùng được bán với giá gấp đôi, lợi nhuận này thu hút nhiều người tham gia.
Các cơ quan chức năng ở trung ương cũng đã được thông báo tình trạng này nhưng dường như chưa có giải pháp xử lý. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, toàn bộ sâu lạ này đều là hàng lậu vì luật pháp của chúng ta cấm gây nuôi loại sâu độc hại này. Do đó trách nhiệm ngăn chặn chính thuộc về các cơ quan chống buôn lậu là Hải quan, Bộ đội Biên phòng, còn ngành kiểm dịch chỉ là đơn vị phối hợp khi có yêu cầu.
Có người đặt vấn đề nhập sâu bọ như vậy có gây nguy hại gì không mà lại cấm? Câu trả lời của ông Nguyễn Xuân Hồng là rất rõ ràng: Theo quy định của pháp luật, các loại sâu đều được xếp vào nhóm đối tượng dịch bệnh và có nguy cơ lây lan cao nên đều bị cấm nhập khẩu. Nước ta là nước nhiệt đới vốn là môi trường tốt cho sâu bệnh sinh sôi nảy nở khiến nông dân phải rất tốn kém để ngăn chặn và tiêu diệt nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn mối nguy tổn hại môi trường. Đặc biết loại sâu đang được nhập lậu từ biên giới phía Bắc thuộc hệ đa thực hoặc “siêu sâu” ăn rất nhiều thứ khác nhau, mà theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nếu để phát triển tự nhiên sẽ rất nguy hiểm cho mùa màng.
Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm cho việc nhập lậu sinh vật lạ về buôn bán, gây nuôi gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như nạn ốc bươu vàng, chồn nhung đen, cu ly, gián đất. Nay với việc nhập sâu lạ chắc chắn thiệt hại sẽ không nhỏ và các cơ quan chức năng nên có biện pháp ngăn chặn khi chưa muộn. Mới đây, chúng ta đã tạm dừng nhập khẩu rau quả từ Úc vì nước này đã bùng phát dịch ruồi dấm không kiểm soát được. Ngăn chặn từ xa các mầm mống dịch bệnh chính là biện pháp an toàn nhất.
Theo DNSG