“Theo đó, đối với hoạt động đổi tiền lẻ là không được phép hoạt động, do vậy nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Đây là điểm mới trong năm nay”, ông Tú cho biết.
Ông Tú cho hay, đây là năm thứ 3 NHNN thực hiện chủ trương không in mới tiền mệnh giá nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu Tết. Tuy nhiên, các loại tiền nhỏ (mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống) vẫn được các ngân hàng cung ứng, nhưng đó là những tiền cũ đủ điều kiện lưu thông.
Được biết, từ năm 2013, NHNN bắt đầu hạn chế không đưa tiền mệnh giá nhỏ, loại mới tinh vào lưu thông dịp Tết vì thực tế hiện nay là tiền nhỏ lẻ đang được sử dụng không hợp lý tại các lễ hội, đình chùa… Việc làm này giúp Ngân hàng Nhà nước tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng đã công bố các con số cụ thể sau khi khảo sát ở 3 tỉnh, thành phố có nhiều đền chùa bao gồm: Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh, với con số cụ thể là: Năm 2013 khi không đưa tiền 500 đồng vào lưu thông đã tiết kiệm được (thông qua việc không in ấn, chi phí vận chuyển, bốc vác, bảo quản…) đã tiết kiệm được 94 tỷ đồng.
Năm 2014 không tin mới tiền mệnh giá 1.000 đồng - 2.000 đồng đã tiết kiệm được 314 tỷ đồng và nếu cộng dồn với việc không in ấn và lưu thông tiền lẻ mệnh giá 500 thì năm 2014 đã tiết kiệm được 409 tỷ đồng.
Năm 2015 nếu không in tiền mệnh giá 5.000 đồng mới vào lưu thông thì sẽ tiết kiệm được khoảng 171 tỷ đồng.
Cộng dồn cả ba mệnh giá và sau 3 năm thực hiện, NHNN đã tiết kiệm được số tiền 1.084 tỷ đồng.
Cũng theo Phó thống đốc Tú, các năm trước việc xử phạt được thực hiện ở nơi có nơi không, nhưng năm nay, sau khi Nghị định 96 ra đời, hành vi này sẽ được xử lý nghiêm khắc. “Mức phạt 20 triệu - 40 triệu đồng sẽ đủ mạnh để răn đe các vi phạm này”, ông Tú nhận xét.
Theo đó, NHNN sẽ phối hợp chặt với quản lý thị trường, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra xử lý nhằm đảm bảo việc xử dụng đồng tiền Việt Nam đúng với chức năng vốn có của nó.
Về cung ứng tiền tại các máy ATM phục vụ người dân dịp Tết, để đảm bảo sự thông suốt, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp quỹ kịp thời, chủ động lập kế hoạch phục vụ chi trả lương bằng tiền mặt cho doanh nghiệp tại các khu vực có ATM không đáp ứng kịp thời nhu cầu. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cũng được giao theo dõi sát công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động ATM trên địa bàn.
Cơ quan quản lý cũng xem xét cho một số ngân hàng triển khai dịch vụ ATM lưu động nhằm hỗ trợ giảm tải cho các ATM cố định, nhất là vào thời gian cao điểm.
“Lượng tiền mặt để cung ứng cho các ATM đã được cung ứng đầy đủ cho các thành phố, nhất là các nơi tập trung nhiều nhà máy công nhân”, ông Tú cho hay.
Số liệu do NHNN công bố cho thấy, tính đến hết tháng 11/2014, cả nước đã có trên 79 triệu thẻ do 52 tổ chức phát hành. Song song với việc phát triển dịch vụ, trong năm 2014, các ngân hàng tiếp tục tích cực đầu tư, phát triển mạng lưới ATM/POS để phục vụ nhu cầu giao dịch thanh toán ngày càng tăng của khách hàng.
Đến hết tháng 11/2014, số lượng ATM được lắp đặt trên toàn quốc là 15.931 máy. Số lượng POS cũng được phát triển đạt tới 167.943 máy góp phần giảm bớt áp lực cho hệ thống ATM của các ngân hàng.
Tuy nhiên, do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến nên các giao dịch qua ATM chủ yếu vẫn là giao dịch rút tiền mặt; mặc dù tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt qua ATM đã giảm so với các năm trước nhưng vẫn chiếm gần 80% tổng số giao dịch qua ATM. Đặc biệt vào dịp lễ, Tết, nhu cầu rút tiền mặt qua ATM thường gia tăng mạnh, gây áp lực lớn và dẫn đến tình trạng quá tải ATM.