Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến tháng 11/2014, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng là 3,8%, tỷ lệ nợ xấu theo kết quả phân loại của NHNN, dựa trên thông tin tín dụng của Trung tâm Thông tin tín dụng (NHNN) là 5,3%.
Như vậy, số nợ xấu của hệ thống ngân hàng chưa giảm so với cuối năm 2013 (3,79%). Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là, kết quả nợ xấu năm 2014 mà nhiều ngân hàng vừa công bố đều giảm đáng kể.
Cuối tuần qua, Vietcombank đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015. Theo số liệu mà ngân hàng này công bố, nợ xấu của Vietcombank tính đến hết ngày 31/12/2014 là 7.407 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 2,29%), giảm 0,4% so với năm 2013.
Như vậy, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2014, nợ xấu của Vietcombank đã giảm hàng ngàn tỷ đồng. Trước đó, báo cáo tài chính quý II/2014, nợ xấu của Vietcombank lên tới 9.000 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 3,09% tổng dư nợ. Trong đó, riêng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) là 4.765 tỷ đồng, tăng gần 71% so với cùng kỳ năm 2013.
Kết quả nợ xấu năm 2014 nhiều ngân hàng vừa công bố đều giảm đáng kể. Nợ xấu của Vietcombank tính đến hết ngày 31/12/2014 là 7.407 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 2,29%). |
Theo Vietcombank, có được kết quả này, ngoài việc bán gần 1.300 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, Vietcombank còn thu hồi nợ xấu rất tốt. Tại một số ngân hàng khác, kết quả nợ xấu của năm 2014 cũng khá “sạch”. Đơn cử, nợ xấu của BIDV là 1,8%, của TPBank là 1%, MBBank là 2,73%... Tại VietinBank, theo nguồn tin chưa chính thức, nợ xấu của ngân hàng vào cuối năm 2014 là 1,3%. Điểm chung của các ngân hàng này là, bên cạnh thu hồi nợ xấu còn kiểm soát chặt chẽ chất lượng khoản vay mới, tránh tình trạng nợ xấu thu được một đồng lại phát sinh hai đồng.
Dĩ nhiên, đây mới chỉ là số liệu nợ xấu của các ngân hàng khỏe. Bức tranh nợ xấu ngân hàng sẽ chính xác hơn khi tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng trung bình và yếu lộ diện. Song điều đáng được ghi nhận là tỷ lệ thu hồi nợ đang tăng lên. Năm 2014, Vietcombank đã thu hồi được 1.905 tỷ đồng nợ ngoại bảng, đạt 147% kế hoạch 2014, tăng hơn gấp đôi so với năm 2013. Trước đó, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, bà Bùi Như Ý, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, tỷ lệ nợ xấu thu hồi được tại VietinBank khoảng 1.000-1.200 tỷ đồng, thuộc diện “khá” trong số các ngân hàng thương mại.
Như vậy, chỉ tính riêng số nợ mà Vietcombank và VietinBank thu hồi trong năm 2014 đã đạt khoảng 3.000 tỷ đồng. Con số này gần bằng tổng số nợ xấu mà VAMC xử lý trong suốt năm 2014 (4.000 tỷ đồng).
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về câu chuyện thu hồi nợ của ngân hàng và VAMC, phó tổng giám đốc một ngân hàng nhận xét: “Việc VAMC thu hồi nợ thấp là dễ hiểu, bởi các khoản nợ xấu mà ngân hàng bán cho VAMC hầu hết là nợ “vô phương cứu chữa”, các khoản nợ có khả năng thu hồi, ngân hàng đã để lại để tự xử lý. Trong khi đó, với cơ chế hiện nay, VAMC không thuận lợi hơn ngân hàng trong thu hồi nợ. Đây là lý do việc thu hồi nợ của ngân hàng tốt hơn VAMC”.
Chia sẻ nhận định này, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, VAMC đang gặp vướng mắc hơn chục thông tư, nghị định và bộ luật. Nếu không khẩn trương có một nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thì VAMC sẽ vẫn bế tắc trong xử lý nợ.
Được biết, tính đến cuối tháng 12/2014, VAMC đã mua khoảng 130.000 tỷ đồng nợ xấu và đang định gom thêm 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay.
Giải thích lý do VAMC vẫn chỉ là “kho” chứa nợ xấu, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC lý giải, muốn bán nợ xấu, VAMC phải bán nhà máy, phát mãi tài sản thế chấp…, song bản thân các doanh nghiệp muốn có thêm thời gian để tái cấu trúc, hoặc ít nhất cũng đợi bất động sản tăng giá một chút để bán tài sản thế chấp có lợi hơn. Chính vì vậy, VAMC đã để ra một khoảng trống để các doanh nghiệp có thêm thời gian để tự xử lý, khoảng trống đó sẽ được kéo dài đến hết năm nay.
Theo Đầu Tư