Những bước ngoặt giúp đảo ngọc Phú Quốc “lột xác"

Chủ nhật, 18/01/2015, 11:47
Bên cạnh việc cho phép Phú Quốc mở khu giải trí có casino, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt quyết định khác để nâng tầm Phú Quốc. 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan về dự án, trên cơ sở đó hướng dẫn việc lập dự án theo đúng quy định của pháp luật, đề xuất ý kiến cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về kinh doanh casino.

Như vậy, Phú Quốc sẽ là huyện đảo đầu tiên tại Việt Nam có khu nghỉ dưỡng phức hợp bao gồm casino.

Trước đó, cuối tháng 11/2013, trên cơ cở đề xuất của tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng cũng đã đồng ý về việc điều chỉnh vị trí xây dựng khu vui chơi giải trí, casino từ ấp Đá Chông, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc đến vị trí khác, giao tỉnh Kiên Giang và Bộ Xây dựng cùng đối tác Singapore nghiên cứu, tìm vị trí thích hợp.

Nhung buoc ngoat giup dao ngoc Phu Quoc “lot xac“
Một góc đảo ngọc Phú Quốc.

Tiếp đó, đến tháng 12/2013, Thủ tướng ra quyết định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc.

Tháng 9/2014, Thủ tướng có Quyết định công nhận huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là đô thị loại II. Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bộ ngành và UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng Đề án thành lập Đặc khu kinh tế Phú Quốc với mục tiêu đưa nơi đây trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực.

Tối 15/11/2014, tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 17/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại II thuộc tỉnh.

Theo tỉnh Kiên Giang, sau khi công bố Phú Quốc là đô thị loại II, tỉnh Kiên Giang tiếp tục tiến hành các thủ tục để thành lập thành phố biển Phú Quốc trực thuộc tỉnh. Đây cũng là bước đi quan trọng trong lộ trình tiến tới thành lập đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc trong thời gian tới.

Đảo ngọc Phú Quốc tiếp tục được nhân lên sức bật, tạo đà phát triển mạnh mẽ khi Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc có thêm những đường bay quốc tế từ ngày 1/11/2014 ngoài đường bay Nga - Phú Quốc đang khai thác hiệu quả.

Đó là đường bay quốc tế từ Phú Quốc đến Singapore tần suất 2 chuyến/tuần và Siem Reap (Campuchia) tần suất 3 chuyến/tuần.

Ngoài ra, Hãng hàng không Quốc gia Hàn Quốc (Korean Air) phối hợp với Công ty du lịch Hanjin Travel (Hàn Quốc) cũng đến Phú Quốc để tìm hiểu, xúc tiến mở đường bay từ Sân bay Incheon Hàn Quốc đến Sân bay Quốc tế Phú Quốc.

Hiện, các đơn vị chức năng của hai bên đang xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện.

Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, việc mở thêm đường bay thẳng từ Singapore tới Phú Quốc sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tiềm năng của Singapore vào Phú Quốc, góp phần đẩy mạnh giao thương giữa hai nước.

Hình ảnh Phú Quốc sẽ được quảng bá sinh động, sâu sắc hơn đối với các thị trường du lịch Singapore, các nước trong khu vực và thế giới.

Đây là một động lực mới, tạo cho Phú Quốc sức bật mới phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, trở thành một thành phố biển và một đặc khu kinh tế-hành chính trong tương lai với định hướng phát triển bền vững, hiện đại tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Bên cạnh việc mở đường bay quốc tế, dự án đầu tư Cảng hành khách Quốc tế tại đảo ngọc Phú Quốc cũng đã được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Tổng cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất lựa chọn vị trí xây dựng tại thị trấn Dương Đông.

Công suất thiết kế của cảng cho phép đón từ 105.000-190.000 hành khách/năm vào năm 2020 và năm 2030, con số này từ 350.000-550.000 hành khách/năm.

Cảng hành khách Quốc tế Phú Quốc có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 225.000 GT, sức chở từ 5.000-6.000 khách.

Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng cảng này hơn 1.254 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho hay Phú Quốc đang được tiếp thêm nhiều nguồn lực, tăng thêm sức bật mới nhờ Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg, ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc.

Cụ thể là các cơ chế chính sách đặc thù tập trung vào ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, xuất nhập cảnh, cư trú đi lại, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, đầu tư các công trình trọng điểm trên đảo, sử dụng vốn đầu tư vào các công trình trọng điểm.

Huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm tại vùng biển Tây của Việt Nam. Phú Quốc nằm ở trung tâm Đông Nam Á, trên vành đai kinh tế biển Việt Nam - Campuchia - Thái Lan, với diện tích 589,23km2, dân số 96.940 người và 10 đơn vị hành chính. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 25% với bình quân thu nhập đầu người khá cao, hơn 3.416 USD/người/năm.

Huyện đảo này là khu kinh tế - hành chính đặc biệt; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực. Phú Quốc cũng là đầu mối giao thông quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển. Huyện đảo còn có vị trí đặc biệt về an ninh - quốc phòng.

Theo Kiến thức

Các tin cũ hơn