Ngay trước thềm hội nghị thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vào tuần tới (1/2015), tổ chức này đã đưa ra những mối đe dọa lớn nhất tới nền kinh tế hiện vẫn còn bất ổn trong năm mới.
Trong những năm gần đây, WEF coi bong bóng nợ xấu và khủng hoảng tài chính là những điều kinh tế thế giới ''sợ'' nhất. Tuy nhiên, năm 2015, tổ chức này thay đổi danh sách của mình:
1. Xung đột liên lục địa
Mối hiểm họa lớn nhất cho sự ổn định của nền kinh tế thế giới trong vòng 10 năm tới sẽ đến từ những cuộc khủng hoảng địa chính trị.
Căng thẳng Nga và Ukraine đang khiến nền kinh tế thế giới trở nên bất ổn. |
Theo tờ Telegraph trích dẫn từ bản báo cáo WEF, cuộc khủng hoảng tại Ukraine, căng thẳng leo thang giữa Nga và Liên minh châu Âu, xung đột Nhật - Trung là những ví dụ dễ nhận thấy nhất về sự nhạy cảm của các cường quốc trên thế giới trong quan hệ ngoại giao.
Tình hình Trung-Nhật đang nóng lên trong thời gian qua. |
Mặc dù, không phải xung đột nào cũng có thể dẫn đến chiến tranh vũ trang, tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia này vẫn cần phải nỗ lực hơn trong các chiến lược ngoại giao hay kế hoạch phát triển của mình nhằm tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới.
Nhà lãnh đạo WEF, Margareta Drzeniek-Hanouz nói "25 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, thế giới lại một lần nữa đối mặt với nguy cơ xung đột leo thang giữa các Nhà nước".
2. Cuộc chiến nước sạch sẽ quyết liệt như cuộc chiến dầu mỏ
WEF lên án các quốc gia đang không thực sự hiểu rõ được sự nguy cấp của việc cạn kiệt nguồn nước. Họ cho rằng thế giới thiếu phương án dự phòng cho thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu.
Hiện nay, có hàng tỷ người trên Trái đất chịu ảnh hưởng của việc khủng hoảng nước sạch. Khu vực Trung Đông đang là điểm nóng cho việc thiếu nước sinh hoạt.
Cuộc chiến nước sạch sẽ trở nên khốc liệt như cuộc chiến dầu mỏ hiện nay. |
"Chúng ta cần nhìn nhận về khủng hoảng nguồn nước một cách nghiêm túc như những gì chúng ta đánh giá việc cạn kiệt dầu mỏ" - Giám đốc điều hành WEF, Espen Elde cho biết.
Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc thiếu thốn nguồn nước. Theo những thống kê của Ngân hàng thế giới (World Bank), khoảng 70% lượng nước hiện tại để phục vụ cho ngành nông nghiệp và cho đến năm 2030, chúng ta cần thêm tăng gấp rưỡi lượng nước sử dụng để có thể nuôi sống hàng triệu người có thêm mỗi năm của dân số thế giới.
Giống như cuộc chiến khốc liệt về dầu mỏ khi mà các cường quốc lớn sử dụng sức mạnh quân sự của mình để chiếm lấy ''vàng đen'', trong những năm tới đây, họ sẽ làm điều tương tự với nguồn nước sạch.
3. Sự sụp đổ của các Nhà nước.
Năm 2014 chứng kiến sự xuất hiện của những tổ chức phi-nhà nước và điều này đe dọa đến sự tồn vong của các mô hình Nhà nước đang tồn tại.
Phiến quân Hồi giáo đang lớn mạnh khiến cho các nhà lãnh đạo Syria, Iraq đặc biệt lo lắng. |
Điển hình là tổ chức phiến quân Hồi giáo IS. Phiến quân này đang ngày một lớn mạnh và liên tục hoành hành tại khu vực Trung Đông. IS thậm chí đã khiến cho các đại gia như Ả Rập Xê-út hay Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất lo sợ và buộc phải lên phương án phòng thủ hay lớn tiếng đe dọa sẽ tấn công Hoa Kỳ.
Sự phát triển của IS gây lo sợ cho những quốc gia mà chúng hoạt động là Syria và Iraq. Trong báo cáo của WEF, tổ chức này cho biết "Phiến quân IS đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ và thu hút khoảng 30.000 binh lính trong thời gian qua".
Iraq hay Syria dường như chưa đủ tiềm lực về quân sự để đẩy lùi phiến quân này và các tổ chức quốc tế cần phải hỗ trợ nếu không muốn viễn cảnh sụp đổ Nhà nước xảy ra.
4. Tỷ lệ thất nghiệp
"Thất nghiệp là nguồn gốc của các căng thẳng xã hội" - theo báo cáo WEF. Rõ ràng, tổ chức này đang không thể lạc quan với vấn nạn này. Nền kinh tế hồi phục quá chậm và không thể tạo ra đủ việc làm cho lực lượng lao động.
Thất nghiệp lần đầu tiên trở lại danh sách trong vòng 10 năm trở lại đây. |
Đây là lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây, "thất nghiệp" trở lại trong bản báo cáo thường niên.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề thất nghiệp leo thang là do nền khoa học công nghệ thế giới phát triển quá nhanh và mạnh khiến cho nhân công không kịp thích ứng, dẫn đến không còn phù hợp với công việc hiện tại.
Theo VTCNews