Tại buổi làm việc, ông Lê Huy, Cán bộ Quản lý rủi ro của Dalat milk, cho biết hiện mỗi ngày nhà máy chế biến sữa của công ty hoạt động hết công suất cũng chỉ chế biến tối đa là 8 tấn sữa.
Bò sữa trở thành “con gây nghèo” cho người chăn nuôi. |
Trong khi đó, lượng sữa nguyên liệu thu mua vào từ các hộ chăn nuôi lên tới trên 12 tấn. Thu mua hết lượng sữa cho những hộ đã ký hợp đồng, mỗi ngày Dalat milk phải đổ bỏ 3,5-4 tấn sữa. Do đó, việc Dalat milk thu mua hết sữa cho những gia đình trước đó đã ký hợp đồng với công ty chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt.
Người chăn nuôi nói từ trước đến nay chưa nhận được cảnh báo từ chính quyền. |
“Về lâu dài, chúng tôi cứ thu mua hết sữa về rồi đem đổ sẽ không ổn, công ty khó mà trụ được. Chúng tôi hết sức xin lỗi người chăn nuôi và mong muốn được bà con chia sẻ trước khó khăn này”, ông Huy nói.
Ông Đoàn Anh Tùng, Phó tổng giám đốc Dalat milk, cho biết để tiêu thụ hết lượng sữa, về lâu dài Dalat milk sẽ phải đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sữa, tìm kiếm thị trường mới, thay đổi công nghệ. Ông Tùng nói trong tuần tới ông sẽ đi nước ngoài để tìm hiểu, xúc tiến việc đổi mới công nghệ chế biến sữa của Dalat milk.
Trước việc bế tắc đầu ra cho sữa nguyên liệu, người chăn nuôi bò sữa tại Lâm Đồng đang hết sức lo lắng. Riêng những hộ ký hợp đồng cung cấp sữa cho Dalat milk đã 2 tháng nay chưa nhận được tiền bán sữa do công ty này vừa chuyển giao cho TH True milk, hoạt động chưa ổn định.
Hiện toàn huyện Đơn Dương có 8.848 con bò sữa, trong đó đàn bò đang cho sữa khoảng 4.000 con, sản lượng sữa tươi đạt 70 tấn mỗi ngày. Có 3 doanh nghiệp đang thu mua sữa tại địa phương gồm Dalat milk, Vinamilk và Cô Gái Hà Lan.
Theo Nguoilaodong