Vì sao Nguyễn Kim phải bán mình cho tỷ phú Thái?

Thứ sáu, 16/01/2015, 07:03
Đặt mục tiêu là nhà bán lẻ điện máy hàng đầu Việt Nam với mức tăng trưởng từ 30% đến 50%, nhưng Nguyễn Kim lại đánh mất chính mình vì sa lầy trong kế hoạch kinh doanh đa ngành.

Những ngày giữa tháng 1/2015, thương vụ công ty Power Buy - đơn vị chuyên về bán lẻ thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat - hoàn tất mua lại 49% cổ phần công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu công ty Thương mại Nguyễn Kim - đã làm rúng động thị trường.

Giống như rất nhiều công ty thuần Việt có chỗ đứng vững chắc, Nguyễn Kim - nhà bán lẻ điện máy hàng đầu tại thị trường Việt Nam - cũng phải tìm tới một hậu thuẫn tài chính, trong chiến dịch giữ thị phần và tốc độ tăng trưởng trong ngành, cũng như tham vọng mở rộng ngành kinh doanh ngoài điện máy.

Vì sao Nguyễn Kim phải bán mình cho tỷ phú Thái?
Nguyễn Kim trở thành cái tên mới trong ngành bán lẻ Việt Nam bị người Thái thâu tóm. Ảnh: Nguyễn Kim.

Thành lập năm 2001, Nguyễn Kim hiện có 21 siêu thị điện máy trên cả nước. Công ty này từng được tạp chí Retail Asia đánh giá là một trong ba nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Thống kê của Viện đại học châu Âu (EUI) cho biết, năm 2010, Nguyễn Kim chiếm khoảng 27% thị phần bán lẻ điện máy Việt Nam.

Trong giai đoạn chạy đua cạnh tranh với hàng loạt đối thủ tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM, Nguyễn Kim lựa chọn chiến lược mở rộng hệ thống theo chiều ngang. Suốt 3 năm, từ 2010 đến 2012, công ty này mở liên tục 18 trung tâm điện máy.

Quá trình "phình to" của ông lớn này bước đầu mang lại kết quả khả quan khi doanh thu năm 2011 đạt 400 triệu USD, tăng tưởng 30% so với năm 2010. Từ đây, Nguyễn Kim hướng đến tham vọng tăng lên 2 tỷ USD vào năm 2015, tức là duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 30% đến 50%/năm.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc mỗi tháng trong năm 2015, Nguyễn Kim phải đạt doanh số ít nhất là 160 triệu USD (hơn 3.300 tỷ đồng) trên con số 50 trung tâm điện máy mục tiêu của công ty. Làm một phép tính đơn giản, kế hoạch của Nguyễn Kim chỉ có thể đạt được nếu trung bình doanh số mỗi trung tâm trên một ngày vào năm 2015 phải đạt 2 tỷ đồng.

Thực tế, kế hoạch này được Nguyễn Kim vạch ra vào năm 2011, nhưng ngay sau đó đã phải đối mặt với khó khăn do thị trường điện máy Việt Nam năm 2012 bất ngờ suy thoái ở mức âm 20%, và đến nay vẫn chưa hồi phục. Theo báo cáo của công ty chứng khoán Bualuang (Thái Lan), kết thúc năm tài chính 2013, doanh thu của Nguyễn Kim chỉ đạt hơn 8.400 tỷ đồng, tức là chỉ tương đương với năm 2011. Thị trường không có động lực tăng trưởng, nên để đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra, Nguyễn Kim đã hướng nguồn vốn tới những ngành kinh doanh khác ngoài điện máy.

Hai ngành kinh doanh mà Nguyễn Kim lựa chọn để đa dạng hóa là dược phẩm và lương thực thông qua hàng loạt công ty vừa và nhỏ như Docimexco, Angimex, Dược 3/2 hay Dược Lâm Đồng... Nắm giữ từ 20% đến hơn 50% vốn tại các công ty này, Nguyễn Kim đã phải bỏ ra số vốn khoảng hơn 500 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thu được không tương xứng. Ví như Angimex từng lãi đến gần 200 tỷ đồng năm 2008 nhưng lại sụt giảm mạnh chỉ còn 7 tỷ đồng sau quý III/2014. Trong khi đó, Docimexco nối dài chuỗi kinh doanh ảm đạm khi lỗ tới gần 250 tỷ đồng chỉ trong vòng 3 năm.

Việc 49% vốn của Nguyễn Kim rơi vào tay người Thái với giá trị khoảng 200 triệu USD cho thấy công ty này hiện được định giá trong ngưỡng 400 triệu USD. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đặt câu hỏi Nguyễn Kim sẽ san sẻ phần vốn của cổ đông nào để đưa Central Group vào HĐQT.

Trước đó, theo cơ cấu cổ đông của Nguyễn Kim, gia đình ông chủ Nguyễn Văn Kim nắm giữ vừa tròn 50% vốn của công ty, và là một trong những gia đình doanh nhân triệu phú tại Việt Nam chưa có mặt trên sàn chứng khoán.

Theo Zing

Các tin cũ hơn