Mỹ lấy lại ngôi vị đầu tàu tăng trưởng của thế giới

Thứ hai, 12/01/2015, 17:01
Sau 15 năm bị Trung Quốc và các nước mới nổi vượt mặt, Mỹ đã quay trở lại với tư cách động lực chính của kinh tế toàn cầu.

Theo các nhà kinh tế học tại JPMorgan Chase, Deutsche Bank và BNP Paribas, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng ít nhất 3,2% năm nay - mạnh nhất từ năm 2005, nhờ thị trường việc làm hồi phục khiến tiêu dùng tăng lên. Đây sẽ là lần đầu tiên từ năm 1999 Mỹ không tăng trưởng dưới trung bình toàn cầu, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

"Mỹ lại một lần nữa trở thành động cơ tăng trưởng toàn cầu. Nền kinh tế đang khởi sắc và trong trạng thái tốt nhất từ thập niên 90", Allen Sinai - CEO Decision Economics cho biết trên Bloomberg.

Tín hiệu lạc quan gần đây nhất là báo cáo việc làm tháng 12 của Bộ Lao động Mỹ. Theo công bố cuối tuần trước, Mỹ đã tạo ra 252.000 việc làm trong tháng cuối năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp cũng xuống 5,6% - thấp nhất từ tháng 6/2008. Tăng trưởng việc làm ngành xây dựng đã tăng mạnh nhất gần một năm. Các nhà máy, công ty chăm sóc sức khỏe và dịch vụ doanh nghiệp cũng tiếp tục tạo thêm việc làm.

US-3090-1421053137.jpg

Nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ được dự đoán vẫn mạnh trong năm nay. Ảnh: Bloomberg

Khoảng 3 triệu người Mỹ nữa sẽ tìm được việc làm năm 2014, mạnh nhất 15 năm. Đây cũng là tín hiệu cho thấy các công ty đang lạc quan rằng nhu cầu tại Mỹ vẫn mạnh bất chấp thị trường bên ngoài suy yếu.

Mỹ đang bứt phá so với phần còn lại của thế giới, do thành công hơn trong việc giải quyết sự dư thừa do vay nợ tràn lan đã đẩy toàn cầu vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ thập niên 30. "Quá trình này được thực hiện tốt hơn nhiều tại Mỹ", Glenn Hubbard - cựu kinh tế trưởng tại Nhà Trắng cho biết trong hội nghị thường niên của Hiệp hội Các nhà kinh tế Mỹ hồi đầu tháng.

Tỷ lệ chậm thanh toán các khoản vay trả góp tiêu dùng tại Mỹ (sửa nhà, mua ôtô, dùng thẻ tín dụng) đã xuống thấp kỷ lục 1,51% trong quý III, Hiệp hội Ngân hàng Mỹ cho biết cuối tuần trước. Con số này thấp hơn đáng kể so với trung bình 15 năm là 2,3%.

Người dân Mỹ đang được hưởng lợi từ thị trường lao động được cải thiện và giá dầu giảm. Giá xăng tại Mỹ hiện rẻ nhất trong 6 năm. Chi tiêu vào xe mới, đồ gia dụng, TV và trang phục đã tăng 0,6% trong tháng 11, gấp đôi tháng 10, theo số liệu của Bộ Thương mại nước này.

Với 11.500 tỷ USD năm 2013, tiêu dùng Mỹ lớn hơn bất kỳ GDP của một nền kinh tế nào trên thế giới, kể cả Trung Quốc, theo IMF. Số liệu này chưa điều chỉnh theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP).

Trong báo cáo tuần trước, các nhà kinh tế học tại Deutsche Bank dự đoán GDP Mỹ năm nay tăng 3,7%, cao hơn nhiều so với 2,5% năm ngoái. Mỹ cũng sẽ đóng góp 18% vào tăng trưởng toàn cầu, so với chỉ 11% của tất cả các quốc gia công nghiệp gộp lại.

Trong khi đó, các nước mới nổi (BRIC) - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc lại đang gặp khó sau gần 15 năm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài. Brazil đã bị đánh tụt tín nhiệm năm ngoái, lần đầu tiên trong một thập kỷ. Trong khi đó, Nga đang dần tiến vào suy thoái khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tăng trưởng tại Trung Quốc và Ấn Độ thì đang chậm lại trong quá trình cải cách kinh tế.

"Thời kỳ các nước mới nổi dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu đã qua rồi", Nancy Lazar - đồng sáng lập Cornerstone Macro kết luận.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn