“Buôn tài không bằng dài vốn”, câu nói này có lẽ rất đúng đối với ngành hàng không trong nước. Với đặc thù của ngành cùng với việc Vietnam Airlines đang thống trị trên bầu trời thì để có thể tồn tại được, các hãng hàng không tư nhân cần phải có một chỗ dựa tài chính vững chắc.
Vietjet hiện có Sovico Holdings và HDBank đứng sau; Air Mekong có BIM Group, trong khi Indochina Airlines chỉ có mình nhạc sĩ Hà Dũng.
BIM Group là ai?
Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long (BIM Group), trụ sở chính tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, là công ty tư nhân được thành lập vào năm 1994, xuất phát điểm nổi bật là khách sạn Hạ Long Plaza.
Ông Đoàn Quốc Việt - Chủ tịch BIM Group & Air Mekong
Chủ tịch Tập đoàn này là ông Đoàn Quốc Việt – một Việt kiều về nước đầu tư sau một thời gian làm ăn tại Ba Lan.
BIM có nhiều công ty thành viên và công ty liên kết hoạt động trên các lĩnh vực như:
* Lương thực - thực phẩm
Tôm - Hàu: Công ty BIM Seafood hoạt động trong lĩnh vực chế biên tôm hàu đông lạnh xuất khẩu. Các đơn vị vận hành liên quan: Trung tâm đầu tư và phát triển nguồn giống Phú Quốc, Khu nuôi tôm Đồng Hòa, Khu nuôi tôm Minh Thành, Nhà máy chế biến thủy sản Tắc Cậu, Khu nuôi hàu Thái Bình Dương (nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu tôm, hàu);
Gạo: Nhà máy xay xát và chế biến gạo Hòn Đất: sấy, xay xát gạo, lau bóng gạo, điện trấu, chức năng kho gạo và sản xuất thức ăn gia súc.
Muối: Cánh đồng muối rộng nhất Đông Nam Á tại Quán Thẻ, tỉnh Ninh Thuận rộng 2.500ha; Công ty cổ phần muối Cà Ná - Ninh Thuận, tổng diện tích 2000ha. Ngoài ra, BIM Group còn là cổ đông chi phối tại Công ty cổ phần muối Ninh Thuận, được biết đến với cánh đồng muối Cà Ná và Tri Hải.
* Bất động sản: Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Syrena
BIM Group đã và đang phát triển nhiều dự án bất động sản tại Việt Nam và Lào.
Có thể kể tên một số dự án tiêu biểu như: Tòa tháp Syrena Hà Nội, Khu căn hộ cao cấp cho thuê Fraser Suites Hà Nội, Khách sạn Hạ Long Plaza, Khu đô thị du lịch Halong Marina, Khu chung cư Green Bay, Tổ hợp Thương mại và Giải trí Hạ Long Marine Plaza, Khu du lịch mới Phú Quốc, Khu tổ hợp thương mại - khách sạn 5 sao Vientaine - Lào, Khu đô thị bờ biển Rạch Giá, Khu liên hợp Bệnh viện Quốc tế Hà Đông,...
* Khách sạn và du lịch: Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Syrena
Du thuyền Syrena; Khu Căn hộ dịch vụ Fraser Suites; Tòa nhà Syrena; Khách sạn Crowne Plaza Viêng Chăn; Khách sạn Crowne Plaza Viêng Chăn; Intercontinental Phú Quốc; Khách sạn Halong Plaza...
Tổ hợp Syrena tại 51 Xuân Diệu, Hà Nội bao gồm khu căn hộ cao cấp Fraser Suites Hanoi của Tập đoàn Fraser&Neave, câu lạc bộ Elite Fitness & Spa, Trung tâm thương mại Syrena.
* Thương mại dịch vụ
Trung tâm giải trí và giáo dục tiNiWorld; Zpizza; Elite Fitness & Spa.
* Ngoài ra, BIM Group còn đầu tư xây dựng dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông và Dự án khai thác năng lượng gió đặt tại tỉnh Ninh Thuận có diện tích 2.500ha...
Chống lưng có vững cũng khó làm hàng không
Không riêng gì Air Mekong, nhiều bài học từ các hãng hàng không trên thế giới cho thấy một thực tế phũ phàng rằng, kinh doanh hàng không là chuyện vô cùng nan giải, hàng không giá rẻ lại càng nan giải.
Về phía BIM Group, tính đến cuối năm 2010, BIM Group sở hữu hơn 16 triệu cổ phiếu SHB, tương đương 4,6% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Sau đó thì không còn thông tin về sở hữu của BIM tại SHB.
Theo số liệu của Trung tâm thông tin tín dụng, năm 2011, BIM Group đạt 968 tỷ đồng doanh thu thuần và 816 tỷ đồng LNST. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lần lượt là hơn 5.000 tỷ và gần 2.200 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu lần lượt là 84,3% và 37,73%.
Có thể BIM Group là một tập đoàn lớn, nhưng tập đoàn này cũng khó có thể dốc toàn bộ nguồn lực cho Air Mekong vì vẫn còn rất nhiều mảng kinh doanh khác.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây của chúng tôi, ông Lương Hoài Nam, cựu giám đốc điều hành Air Mekong, hiện là Phó chủ tịch kiêm CEO hàng không Hải Âu nhận định: "Kinh doanh hàng không giá rẻ ở Việt Nam không dễ kiếm lãi mặc dù thị trường có tiềm năng. Giá xăng dầu máy bay ở Việt Nam cao hơn, giá phục vụ mặt đất cao hơn, các phí sân bay cao hơn, thuế thu nhập cá nhân đối với phi công và kỹ sư nước ngoài cao hơn..."
Các hãng hàng không muốn bay phải chuẩn bị phương án lỗ kéo dài, có vốn rất lớn mới có thể chịu lỗ trong vài năm kinh doanh. Tỷ phú người Anh ông Richard Branson (chủ của các hãng hàng không Virgin Atlantic, Virgin Blue, Virgin America) nói: "Muốn thành triệu phú thì bắt đầu từ tỷ phú rồi đi... làm hàng không".
"Lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ, là tình hình phổ biến của ngành hàng không thế giới. Các hãng hàng không Mỹ hết năm này sang năm khác bị phá sản, sáp nhập. Ở Ấn Độ, hãng hàng không Kingfisher Airlines lớn nhanh như thổi lên quy mô 70-80 máy bay, rồi sập đánh rầm. Đây là ngành kinh doanh rất thách thức", ông Lương Hoài Nam cho hay.
Theo CafeF