Canon Việt Nam là doanh nghiệp chế xuất, 100% vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay doanh nghiệp có 3 nhà máy ở Hà Nội và Bắc Ninh. Nhà máy tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) được cấp giấy phép tháng 4-2001; nhà máy ở Quế Võ cấp phép đầu tư tháng 3-2005 và nhà máy Tiên Sơn được cấp phép đầu tư vào tháng 3-2006.
Tổng vốn đầu tư Canon đăng ký “rót” vào Việt Nam là 306,7 triệu USD.
Nếu như hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Samsung được cập nhật thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, thì với Canon, điều này lại trái ngược. Những thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Canon tại Việt Nam rất ít ỏi.
Theo thông tin từ Canon Việt Nam, sản phẩm của các nhà máy này là máy in phun, máy in laser, máy scan. Từ năm 2010 đến tháng 10-2014, sản lượng của các nhà máy Canon tăng đều đặn.
Chẳng hạn với sản phẩm máy in phun, năm 2010, Canon sản xuất được 12,9 triệu sản phẩm, thì năm 2011 là 13,05 triệu sản phẩm; năm 2012 là 13,9 triệu sản phẩm; năm 2013 là 14,6 triệu sản phẩm; 10 tháng năm 2014 có dấu hiệu “chững” lại khi đạt 11,1 triệu sản phẩm.
Doanh thu của Canon cũng từ đó mà có sự tăng trưởng sau nhiều năm. Năm 2010, doanh thu của Canon là hơn 1,4 tỷ USD thì năm 2011 tăng lên là 1,6 tỷ USD; năm 2012 là 1,85 tỷ USD; năm 2013 là 1,86 tỷ USD, còn 10 tháng năm 2014 là 1,36 tỷ USD.
Nếu doanh thu của Canon đã đạt con số “tỷ đô” thì số nộp ngân sách của Canon còn chưa được như kỳ vọng. Năm 2010 Canon nộp ngân sách 5,9 triệu USD; năm 2011 nộp 7 triệu USD; năm 2012 nộp 9,4 triệu USD; năm 2013 là gần 9,6 triệu USD; còn 10 tháng năm 2014 nộp 8,5 triệu USD.
Số nộp ngân sách của Canon có thể chưa làm thỏa mãn nhiều người, song con số lao động làm việc tại các nhà máy của Canon lại rất đáng ấn tượng. Số lao động tại các nhà máy của Canon lên đến hơn 2 vạn lao động và ít có biến động.
Cụ thể năm 2010 số lao động tại các nhà máy của Canon tại Việt Nam là 20,03 nghìn người; năm 2011 gần 22,1 nghìn người; năm 2012 là 23,5 nghìn người; năm 2013 là 22,9 nghìn người; 10 tháng 2014 là 21,2 nghìn người.
Theo Baohaiquan