“Tiền cứ chảy vào ngân hàng thì lấy đâu ra lãi”

Thứ hai, 29/12/2014, 10:35
Không chỉ có lãi, nhiều ngân hàng đã báo lỗ từng quý và lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ không “sôm” như những năm trước nữa.

Ảnh minh họa.

Vài ngày nữa sẽ khép lại năm 2014 với nhiều biến động với ngành ngân hàng. Điểm mới trong bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay là có nhiều màu sắc khác nhau. Không chỉ có lãi, nhiều ngân hàng đã báo lỗ từng quý và lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ không “sôm” như những năm trước nữa.

Thực tế, khi được hỏi về lợi nhuận, nhiều lãnh đạo ngân hàng né tránh và không muốn chia sẻ, mặc dù, theo công bố, lợi nhuận của những ngân hàng đó cũng khá tốt, gần như có thể cán đích chỉ tiêu đặt ra.

Có nhiều nguyên do, nhưng về cơ bản, có thể hiểu theo cách nói của ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB: “Không có nhiều hy vọng để lợi nhuận ngân hàng có diễn biến theo chiều hướng thuận lợi”.

Khuyến mại nhiều thì lấy đâu ra lãi

Ông Toại cho biết lợi nhuận của ACB không tốt, có nhiều nguyên do nhưng kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, nhu cầu tín dụng thấp thì ngân hàng khó có lãi.

“Mặc dù lãi suất huy động giảm sâu nhưng tiền vẫn chảy vào ngân hàng, điều đó cho thấy tiền không chảy ra lưu thông vào nền kinh tế. Điều đó có thể thấy nhu cầu vốn của doanh nghiệp thấp và lợi nhuận biên của ngân hàng cũng thấp”, ông Toại bình luận.

Đồng quan điểm trên, ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank, cho rằng lợi nhuận ngân hàng năm nay chỉ tà tà, khó có thể ở mức cao. “Nếu có ngân hàng nào công bố lợi nhuân cao thì cần phải khách quan để xem xét lại theo tiêu chuẩn quốc tế có đạt không. Nếu có ngân hàng nào công bố lợi nhuận/vốn khoảng 15% tôi sẽ rất ngạc nhiên, có thể do họ đã cơ cấu lại nợ”, ông Khánh bình luận.

Ông Khánh cho biết lợi nhuận của SeABank nằm ở khoảng dưới 10%. Mặc dù tăng trưởng tín dụng tốt ở cả mảng doanh nghiệp và bán lẻ, nhưng lợi nhuận không cao vì lãi suất cho vay giảm khá mạnh và phải trích lập dự phòng lớn.

“Năm nay, theo quy định mới ngân hàng phải trích lập dự phòng cả trái phiếu, nên SeABank phải trích khoảng 100 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro. Không những thế, trong những khoản dư nợ hiện nay, ngân hàng cũng gần như không có lãi do khuyến mại quá lớn”, ông Khánh phân tích.

Ông  Khánh cho biết, với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, muốn tính lợi nhuận lại phải tính trên bài toán tổng thể mà doanh nghiệp đó mang về cho ngân hàng theo hướng dùng dịch vụ chứ không thể có lời ngay đối với hoạt động tín dụng.

“Vì trong điều kiện tăng trưởng tín dụng khó, để cho vay được doanh nghiệp lớn và tốt thì lãi suất cho vay phải kèm theo khuyến mại, có khi còn thấp hơn lãi suất huy động, khiến cho có những khoản vay bị âm sau khi trích lập dự phòng”, ông Khánh phân tích.

Mảng khách hàng cá nhân với SeABank cũng không có nhiều lợi nhuận trong năm nay mặc dù tăng trưởng khá tốt. Nguyên nhân cũng do ngân hàng khuyến mại rất ghê, hầu hết các khoản vay nửa năm đầu không có lãi, thậm chí, có những khoản vay còn bị âm sau khi đã trích lập dự phòng.

“Tuy nhiên, với những khoản vay này, năm sau lợi nhuận của SeABank sẽ ổn hơn, vì khi đó các khuyến mại lãi suất của những khoản vay này kết thúc. Nhưng nếu tăng trưởng tín dụng năm tới cũng phát triển theo hướng này thì bài toán lợi nhuận của ngân hàng cũng không khá hơn năm nay là bao”, ông Khánh chia sẻ.

Hy sinh lợi nhuận để xử lý nợ xấu


Một nguyên nhân khá lớn tác động tới nợ xấu của ngân hàng đó là nợ xấu. Bao nhiêu lãi lời có được, các ngân hàng phải đẩy mạnh trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Khánh cho biết nợ xấu đang khiến các ngân hàng đau đầu. Việc xử lý nợ xấu không có nhiều triển vọng. “Nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu nên chưa thể trả, hoặc có doanh nghiệp sau một thời gian dài vất vả đòi nợ qua tòa án cũng chỉ lấy được tiền gốc, mà còn không đủ do chi phí để theo tòa mấy năm cũng tốn kém”, ông Khánh chia sẻ.

Cùng quan điểm này, ông Toại cũng cho biết riêng vấn đề nợ xấu, giải pháp năm nay cũng chỉ trông chờ vào VAMC, cho nên mọi giải pháp cũng mang tính tương đối, có ngân hàng tốt, có ngân hàng xấu.

“Năm tới, không thấy có nhiều dấu hiệu, nhưng vẫn phải hy vọng. Hiện tại, nền kinh tế còn khó khăn, bất động sản vẫn là nút thắt của nền kinh tế, nợ xấu chưa có giải pháp xử lý nào khác ngoài VAMC. Riêng với giải pháp cơ cấu nợ thành cổ phần cũng là tốt, nhưng giải pháp ấy phải có lợi ích với ngân hàng và khách hàng khi thực hiện. Hơn nữa, áp dụng biện pháp này cũng còn tùy từng khách hàng, đối tác”, ông Toại bình luận.

Đại diện Sacombank cũng thừa nhận mặc dù lợi nhuận có thể hoàn thành chỉ tiêu đề ra hồi đầu năm nhưng với diễn biến của nợ xấu thì việc trích lập dự phòng luôn được ưu tiên.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần nhỏ cũng chia sẻ lợi nhuận của ngân hàng gần như rất khiêm tốn do rủi ro nợ xấu vẫn quá lớn.

Thực tế, lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ khó khăn hơn do vấn đề nợ xấu chưa giải quyết được nhiều trong khi quy định mới của Thông tư 09/2014/TT-NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng có hiệu lực lại càng làm trầm trọng hơn vấn đề nợ xấu. Khiến cho lợi nhuận ngân hàng vốn đã nhiều gam màu tối, nay còn tối hơn do phải trích lập dự phòng rủi ro lớn.

Khi được hỏi về kế hoạch lợi nhuận năm tới, nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết sẽ phải tính toán thận trọng, bởi nền kinh tế cũng không khá hơn năm 2014 là mấy.

Trong khi đó, một quy định mới, đó là Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động của ngân hàng.

Quan trọng hơn, các ngân hàng chưa thấy triển vọng về giải pháp xử lý nợ xấu. Hiện chỉ trông chờ vào VAMC, trích lập dự phòng… trong khi nhiều ý kiến cho rằng nợ xấu chỉ có thể được giải quyết khi có tiền tươi.

Theo Bizlive

Các tin cũ hơn