Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, đồng Rúp có lúc lên mức cao nhất trong hơn 3 tuần, nhưng đã quay đầu giảm trở lại ngay sau đó - Ảnh: Reuters.
Giới chức Chính phủ Nga ngày 26/12 thừa nhận, giá dầu sụt giảm sẽ đẩy nước này rơi vào suy thoái sâu và lạm phát hai con số trong năm 2015.
Theo tin từ Reuters, phát biểu trước báo giới ở Moscow, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov dự báo, nền kinh tế Nga có thể suy giảm 4% trong năm 2015, đánh dấu cuộc suy thoái đầu tiên kể từ năm 2009, nếu giá dầu trung bình ở ngưỡng 60 USD/thùng như hiện tại.
Cỗ máy kinh tế Nga đang giảm tốc mạnh do tác động cùng lúc của lệnh trừng phạt và giá dầu giảm. Các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine khiến hoạt động đầu tư giảm sút và các dòng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi Nga. Trong khi đó, giá dầu lao dốc khiến nguồn thu từ xuất khẩu của Nga sa sút và tỷ giá đồng Rúp giảm chóng mặt.
Tuần qua, Chính phủ Nga đã ra tay hỗ trợ các ngân hàng quan trọng ở nước này và xử lý cuộc khủng hoảng tỷ giá đồng nội tệ bằng cách tăng mạnh lãi suất. Tuy vậy, giới phân tích vẫn đang tỏ ra bi quan về triển vọng của cả nền kinh tế Nga và đồng Rúp.
Trong phát biểu ngày 26/12, ông Siluanov cũng nói rằng, thâm hụt ngân sách của Nga sẽ ở mức hơn 3% vào năm tới nếu giá dầu không tăng.
“Chắc chắn, năm tới chúng tôi sẽ phải dùng tới quỹ dự trữ”, ông Siluanov nhắc đến một trong hai quỹ đầu tư quốc gia của Nga nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Theo ông Siluanov, để ngân sách Nga cân bằng trong thời gian từ nay đến năm 2017, giá dầu cần ở mức 70 USD/thùng.
Từ mức đỉnh vào tháng 6 tới nay, giá dầu thế giới đã giảm khoảng một nửa do dư thừa nguồn cung và việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) không cắt giảm sản lượng. Saudi Arabia, nước có ảnh hưởng lớn nhất trong OPEC, đã tuyên bố sẵn sàng đương đầu với việc giá dầu ở mức thấp trong một thời gian dài.
Tuần này, Chính phủ Nga đã áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn không chính thức, bao gồm yêu cầu các công ty quốc doanh lớn như Gazprom và Rosneft bán một phần ngoại tệ để bảo vệ tỷ giá đồng Rúp.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, đồng Rúp có lúc lên mức cao nhất trong hơn 3 tuần, nhưng đã quay đầu giảm trở lại ngay sau đó. Vào cuối ngày theo giờ Moscow, tỷ giá đồng Rúp là 53,9 Rúp tương đương 1 USD, đã phục hồi mạnh so với mức thấp kỷ lục mọi thời đại là hơn 80 Rúp đổi 1 USD vào tuần trước, nhưng vẫn còn cách xa ngưỡng 30-35 Rúp/USD vào nửa đầu năm nay.
Gần như chắc chắn, sự mất giá của đồng Rúp sẽ đẩy lạm phát tại Nga tăng cao hơn trong năm 2015. “Dự báo lạm phát là cao. Chúng tôi dự báo mức lạm phát 10% vào cuối năm 2015”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev phát biểu hôm 26/12.
Vị quan chức này nói rằng, trong cả năm 2015, lạm phát của Nga sẽ ở mức hai con số, trong đó tốc độ tăng giá sẽ đạt đỉnh vào quý 1 hoặc quý 2.
Một số chuyên gia nhận định, nếu giá dầu giảm về mức 50 USD/thùng, Chính phủ Nga sẽ không có đủ khả năng để duy trì tỷ giá đồng Rúp, cho dù các công ty xuất khẩu có bán thêm ngoại tệ ra thị trường.
Cũng trong ngày 26/12, nhà chức trách Nga tăng mạnh khoản chi cho cuộc giải cứu ngân hàng Trust Bank. Theo đó, nhà băng tầm trung này sẽ được bơm 2,4 tỷ USD vốn vay. Trust Bank là ngân hàng đầu tiên ở Nga trở thành nạn nhân trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Đồng Rúp mất giá đã khiến người dân Nga đổ đi rút tiền gửi tiết kiệm để mua ngoại tệ, gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng của nước này vốn đang trong tình trạng không thể huy động được vốn từ thị trường quốc tế do lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bộ trưởng Siluanov nói, nhà chức trách có thể cung cấp thêm vốn cho ngân hàng lớn thứ nhì Nga là VTB và một ngân hàng quốc doanh khác là Gazprombank. Theo đó, VTB có thể được bơm 250 tỷ Rúp và Gazprombank có thể được nhận 70 tỷ Rúp.
Trong tuần này, tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard &Poor’s cảnh báo có thể cắt giảm điểm tín nhiệm của Nga xuống ngưỡng không khuyến nghị đầu tư do sự suy giảm nhanh chóng trong mức độ linh hoạt tiền tệ của nước này. Bộ trưởng Ulyukayev nói, việc hạ điểm tín nhiệm có thể làm gia tăng sự tháo chạy của các dòng vốn khỏi Nga.
Dự trữ ngoại hối của Nga hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 do Ngân hàng Trung ương nước này liên tục phải chi ngoại tệ để bảo vệ tỷ giá đồng Rúp. Tuần trước, dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm 15,7 tỷ USD, xuống dưới mức 400 tỷ USD, từ mức 510 tỷ USD vào đầu năm.