Ngày 26/12/2014, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2014 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Tại Đại hội, một số nội dung quan trọng đã được biểu quyết thông qua với sự nhất trí cao.
Cụ thể, Vietcombank đã có tờ trình về việc thôi đảm nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với bà Nguyễn Thị Kim Oanh để dự kiến giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc; tờ trình về việc thôi đảm nhiệm chức vụ thành viên Ban kiểm soát đối với ông Lại Hữu Phước để cử giữ chức vụ Trưởng phòng Kiểm tra, giám sát, tuân thủ; các tờ trình của HĐQT về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vietcombank; sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT.
Đồng thời, Đại hội cũng tiến hành bầu bổ sung ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Hà Nội, vào HĐQT nhiệm kỳ 2013 - 2018.
Đáng chú ý, Đại hội cũng đã trình cổ đông về việc chủ trương sáp nhập một tổ chức tín dụng vào Vietcombank; giao HĐQT tìm kiếm đối tác phù hợp, thực hiện việc nghiên cứu khả thi, lập Đề án sáp nhập trình ĐHĐCĐ, NHNN và các cơ quan chức năng khác theo quy định liên quan của pháp luật.
“Việc thực hiện sáp nhập ngân hàng là cơ hội tốt giúp Vietcombank tăng quy mô năng lực cạnh tranh và góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam; phù hợp với định hướng - mục tiêu chiến lược của Vietcombank là trở thành ngân hàng số một của Việt Nam” – lãnh đạo ngân hàng này khẳng định.
Lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2017, NHNN định hướng giảm bớt số lượng ngân hàng xuống còn khoảng 20 ngân hàng và hình thành một số NHTM có quy mô lớn với khả năng cạnh tranh mạnh, đặc biệt tăng cường được quy mô và vị trí chi phối của các NHTM NN trong hệ thống.
Vietcombank hiện đang sở hữu cổ phần tại một số tổ chức tín dụng khác như: Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) và Công ty Tài chính Xi măng (CFC).
Thời gian vừa qua, nhất là sau khi hàng loạt lãnh đạo cấp cao Ngân hàng xây dựng (VNCB) bị bắt, nhiều người dự báo khả năng sáp nhập giữa Vietcombank và ngân hàng này rất lớn bởi những động thái hỗ trợ của Vietcombank với VNCB.
Tuy nhiên, một nguồn tin đáng tin cậy trong giới tài chính ngân hàng cho hay, Vietcombank chỉ tham gia hỗ trợ, quản lý ngân hàng này chứ không hề có ý định sáp nhập với VNCB.
Trước đó, lãnh đạo Vietcombank cũng từng khẳng định, việc hỗ trợ vốn cho VNCB được Vietcombank cho biết là sẽ thực hiện phù hợp với pháp luật và quy định nội bộ mỗi bên, nhằm chi trả kịp thời tiền gửi hợp pháp của người gửi tiền. Hai bên thống nhất hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện các giao dịch về vốn và kinh doanh tiền tệ khi có nhu cầu.
Riêng hợp tác về mặt quản trị, điều hành, Vietcombank sẵn sàng cử cán bộ có kinh nghiệm, trình độ để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với VNCB để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành.
Trước đó, trao đổi với báo giới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Phước Thanh cho biết “khả năng VNCB về với VCB hay không tôi không nói trước được, thời gian sẽ trả lời. Vì bản thân hai ngân hàng đều là cổ phần nên mọi việc nếu có xảy ra sẽ được làm theo quy định của pháp luật”.
Nguồn tin trên cũng tiết lộ, ngân hàng có nhiều khả năng sáp nhập với Vietcombank là Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank).
SaigonBank mới tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên SaigonBank thông qua tại Nghị quyết số 18/2004/NQ-ĐHĐCĐ ngày 26/4/2014.
Trước đó, Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGBank) công bố tài liệu họp ĐHCĐ (diễn ra ngày 18/04) với đề xuất sáp nhập với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Trước đó Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MaritimeBank, tổng tài sản 97.700 tỷ đồng) dự kiến sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (tổng tài sản 6.400 tỷ đồng).
Đáng chú nhất là thương vụ ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sẽ sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam (tổng tài sản 77.500 tỷ đồng). ĐHCĐ của Sacombank đã thông qua chủ trương này.
Theo Báo PL