Nhiều năm nay, cứ từ giữa tháng 12 tới sát Tết Âm lịch là khoảng thời gian chị Dương Thu cũng như nhiều phụ trách truyền thông nội bộ thế hệ trước của một công ty chuyên về xây dựng - xuất nhập khẩu tại Thanh Xuân (Hà Nội) bận rộn chuẩn bị Tết cho tập thể.
Chị Thu chia sẻ, những ngày này, chuyện 22 - 23h đêm chị mới từ cơ quan về nhà là bình thường. Bởi theo văn hóa doanh nghiệp, việc "bếp núc, củi lửa" chuẩn bị làm quà Tết tặng nhân viên và đối tác của công ty này "nặng" hơn gấp nhiều lần các đơn vị khác. Theo đó, do cá tính riêng của người sáng lập doanh nghiệp, Tết Nguyên Đán không chỉ là dịp để tặng những món quà có giá trị kinh tế tri ân đối tác, khách hàng và nhân viên mà còn là dịp nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ, "uống nước, nhớ nguồn".
Công ty chị Thu có một trang trại khá lớn ở ngoại thành cách trung tâm thủ đô khoảng hơn chục km, được phát triển theo mô hình VAC, nuôi lợn, cá, gà, ủ rượu nếp cẩm hạ thổ. Những khi cán bộ, nhân viên muốn cùng gia đình hoặc đồng nghiệp "xả hơi" hoặc vào các dịp kỷ niệm, lễ, Tết, trang trại đồng quê này thực sự là nơi nghỉ ngơi, vui chơi lý tưởng.
CBNV một công ty tại Hà Nội chuẩn bị chum để hạ thổ rượu cẩm, tự tay làm đặc sản tri ân đối tác và tứ thân phụ mẫu trong dịp lễ, Tết. Ảnh: Diệp Sa. |
Trước mỗi dịp Tết về, như thường lệ, chị Thu tất bật lo đặt sản xuất vò gốm đựng nếp cẩm, chỉ đạo đội hậu cần thịt lợn làm giò, chọn những con cá chép to nhất để kho và chuẩn bị nguyên vật liệu chờ tới ngày truyền thống 23 tháng Chạp sẽ tập hợp nhân viên cùng gói bánh chưng, có năm giã cả bánh dày. Tất cả sản vật tự làm nói trên cùng với mai miền Nam, đào/quất miền Bắc không chỉ được chọn làm quà tặng ý nghĩa của công ty gửi tới khách hàng và đối tác mà còn là món quà báo hiếu của CBNV gửi dâng đấng sinh thành.
"Công việc sẽ đơn giản hơn nếu công ty tôi chỉ ở Hà Nội nhưng vì công ty có văn phòng cả ba miền nên thường phải thuê hai xe tải cỡ lớn để vận chuyển giò, bánh, rượu và cây cảnh vào miền Trung và Nam, khá vất vả", chị Thu tâm sự. Tuy nhiên, theo chia sẻ của phụ trách truyền thông nội bộ, một số thành viên công ty và phụ huynh, tuy giá trị vật chất không lớn nhưng những món quà tặng truyền thống tự làm cùng hoạt động tập thể đi kèm khiến mọi người cảm nhận doanh nghiệp này chính là gia đình thứ hai - nơi người lao động muốn gắn bó lâu dài.
Không quá ôm đồm làm nhiều đặc sản vùng miền như doanh nghiệp nói trên nhưng cũng đứng trong top các đơn vị ủng hộ kiểu tặng quà truyền thống, một công ty thực phẩm có tiếng tại Hoài Đức (Hà Nội) đã chọn giò ngựa bạch và giò bò làm quà tặng quý tới nhiều đối tác, khách hàng từ 4 năm nay. Theo chia sẻ của một nhân viên trong công ty, từ đầu tháng 12, doanh nghiệp này đã mua ngựa bạch và bò về để chuẩn bị ngả thịt làm giò tặng sớm cho khách hàng dịp tổng kết năm và Tết Dương lịch.
"Nếu khách hàng không thích có lẽ các sếp cũng chỉ đạo đổi món từ đầu nhưng vì hai loại giò đều rất ngon, nhất là giò ngựa bạch không bán trên thị trường nên được nhiều khách thích và tỏ ý trân trọng. Một số khách còn nói khéo muốn đặt công ty làm thêm để mua tặng người thân. Xã hội càng hiện đại, hình như người ta càng quý những thứ mộc mạc, truyền thống", vị này cởi mở.
Ngoài các sản vật tự làm lấy như giò, bánh chưng, bánh dày, nhiều doanh nghiệp còn chọn nước mắm, cá tươi, lợn, gà làm quà quý tặng khách VIP. Một con gà Hồ hay còn gọi là gà tiến vua như trong hình có giá cận Tết lên tới 4 - 5 triệu đồng. Ảnh: Duy Hiếu. |
Theo chia sẻ của nhiều nhân viên các công ty tại Hà Nội, chuyện tự làm đặc sản vùng miền làm quà tặng Tết cho đối tác hiện không còn là hiếm, lạ trên đất thủ đô. Ngoài các món phổ biến trong dịp Tết cổ truyền như các loại giò, cá kho, bánh chưng, bánh dày, nhiều doanh nghiệp còn "mạnh dạn" tặng đối tác VIP nước mắm, cá tươi, gà quý như gà Hồ (Bắc Ninh), gà Đông Tảo (Hưng Yên), lợn tên lửa... Đây là những sản vật không chỉ có ý nghĩa mà xét về khía cạnh vật chất, đều có giá trị kinh tế không hề nhỏ.
Một chủ nuôi gà Hồ tại làng Lạc Thổ (Bắc Ninh) cho hay, khoảng 1 tuần trước, ông đã được một số mối doanh nghiệp nhờ tìm 2 bộ gà Hồ đẹp mã để làm quà tặng cho khách VIP dịp Tết Dương lịch sắp tới. Tính giá thị trường, một cặp gà Hồ đẹp vào độ trưởng thành có giá lên tới gần 10 triệu đồng. "Tuy nhiên, nhiều dân có tiền mà chưa chắc mua được gà vì hiện ở làng này, mỗi nhà nhiều nhất cũng chỉ có vài ba cặp nhân giống và để chơi chứ không để bán. Khách săn được 1 cặp gà tiến vua mà tặng khách hàng cũng khổ công lắm", chủ trại gà thẳng thắn.
Một số doanh nghiệp khác chọn chính sản phẩm do công ty mình sản xuất để làm quà tặng dịp cuối năm. Chị Minh Châu, nhân viên công ty chuyên về may mặc tại Hà Nội cho biết, năm trước, dịp Tết Dương lịch và Âm lịch, công ty chị thưởng Tết cho nhân viên mỗi người hàng trăm đôi tất, kèm theo đó là quần áo trẻ em - mặt hàng chủ lực của đơn vị này.
Nhận quà Tết, chị Minh Châu đem tặng bạn bè, họ hàng mỗi người 3 đôi tất. Số còn lại cùng với quần áo trẻ em, chị rao bán trên chợ online, thu được gần 2 triệu đồng. "Thay vì nhận tiền, mình nhận đồ của công ty rồi đem bán, cũng như cách để tiêu thụ hàng cho chính nơi mình làm việc, nhưng lại mất công đi bán", chị Châu chia sẻ và cho biết, để chọn giữa thưởng hiện vật và tiền, chị vẫn hào hứng với phương án thứ hai hơn.
Theo Zing