Ngày 13/8/2009, dự án Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia - Bể thử mô hình tàu thủy (gọi tắt là bể thử) được khởi công tại khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc (Hà Nội) với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng với nguồn vốn vay ODA của Ba Lan.
Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin khi đó, và SBIC bây giờ) là cơ quan chủ quản của dự án. Theo dự kiến, đến năm 2013, dự án sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng.
Theo mục đích của dự án, Việt Nam khi đó mang tham vọng xây dựng bể thử với quy mô lớn nhất châu Á, vượt mặt cả các bể thử của những quốc gia có ngành công nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Theo thiết kế, dự án gồm có 3 bể thử kéo tốc độ tới 10m/s, một hồ thử mô hình ngoài trời, một ống thử thủy động học và một ống thử khí động học, xưởng chế tạo mô hình thử nghiệm tạo năng lực công nghệ giải quyết các vấn đề khoa học trong nghiên cứu và thiết kế các phương tiện vận tải thủy, công trình nổi và giàn khoan, công trình công nghiệp bờ biển...
Và đối tác trong dự án này với Vinashin là tập đoàn CENZIN/CTO (cũng của Ba Lan). Sau khi nhập toàn bộ máy móc về (ước chừng khoảng 130 container, trong đó nhiều container siêu trường siêu trọng), dự án đắp chiếu từ đó cho đến nay, chỗ máy móc thiết bị này hiện vẫn nằm chất đống ở cảng Hải Phòng.
Đại học Hàng Hải "gánh nạn"?
Chiều ngày 28/10/2014, phóng viên đã có cuộc làm việc với Đại học Hàng Hải Việt Nam (Trường). Ông Lại Huy Thiện, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, xác nhận Trường đã được bàn giao cho quản lý dự án Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia - Bể thử mô hình tàu thủy.
Theo biên bản kết luận cuộc họp về công tác tiếp nhận Dự án từ ngày 3/9/2014, Trường đã hoàn thành cơ bản công tác tiếp nhận hồ sơ thiết kế do đối tác Ba Lan lập và báo cáo giám sát đánh giá đầu tư cho toàn bộ dự án.
Đã hoàn thành công tác thăm dò địa chất phục vụ điều chỉnh thiết kế tại khu vực thôn Đền, xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, sẽ không thi công tại khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc (Hà Nội). Kho bãi chứa thiết bị cũng đã được thiết kế và thi công xây dựng.
Đại học Hàng Hải Việt Nam đang là cơ quan quản lý dự án bể thử khổng lồ này |
Tổng cục Hải quan cũng đã có công văn chấp thuận cho di lý các lô hàng thiết bị đã nhập khẩu về bãi chứa của trường. Đồng thời cũng có thỏa thuận với các hãng tàu về việc chấp thuận giảm giá lưu kho bãi lô hàng 130 container này. Còn một vướng mắc lớn là hai kiện hàng siêu trường siêu trọng tại Cảng Hải Phòng chưa xác định chính xác kích thước, trọng lượng để lên phương án và chi phí vận chuyển.
Khi được hỏi về hiện trạng thiết bị trong các kiện hàng, bởi đã bị bỏ mặc khoảng 5 năm trời, ông Thiện cho biết: “Chúng tôi chỉ được nhận nguyên trạng các kiện hàng như thế, còn bên trong tình trạng, chất lượng thế nào chúng tôi không thể biết được.”
Nỗi khổ của trường Hàng Hải
Khi trao đổi với Giám đốc Ban quản lý dự án Bể thử, ông Thái Hoàng Yên vào tối ngày 28/10/2014, ông Yên đã phải than trời về những tàn dư mà Vinashin để lại. Mà theo cách gọi của ông Yên, đây là “di chứng của lịch sử”
“Chính phủ đã giao, Bộ cũng trao trách nhiệm thì chúng tôi phải hết sức mà làm. Nhưng khi tiếp nhận thì dự án gần như chưa có gì.” – Ông Yên cho biết.
Khi được hỏi về hiện trạng của dự án, ông Thái Hoàng Yên cho biết: “Dự án đang còn vướng mắc rất nhiều vấn đề, tôi chẳng thể nào mà trả lời được. Dự án thì hết hạn, thậm chí bây giờ phải xin gia hạn dự án cũng rất nhiều thủ tục. Máy móc bây giờ cũng rất phức tạp, Vinashin chỉ nhập về, còn các thủ tục bàn giao thuế quan, lưu kho lưu bãi, quản lý rất lung tung.
Trường phải xông vào mà tháo gỡ cho Vinashin, cũng vì sự nghiệp phát triển đào tạo, sự nghiệp phát triển công nghệ đóng tàu của đất nước. Nhưng thực sự thì cực kỳ phức tạp, thực sự rất khó.”
Theo Đất Việt