10 tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới năm 2014

Thứ ba, 23/12/2014, 08:40
Trong số 10 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới mà trang The Richest vừa công bố, có tới 6 tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, và một nửa là tập đoàn nhà nước của Trung Quốc.

Một cửa hàng của Tập đoàn dầu khí hoàng gia Hà Lan - Royal Dutch Shell. Ảnh: The Richest.

1. Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC)

Quy mô tài sản: 3.124,9 tỷ USD

Được thành lập vào năm 1984 như một công ty TNHH, Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã dần phát triển thành tập đoàn tài chính lớn nhất trên thế giới về tổng tài sản.

Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngân hàng cá nhân, bao gồm cả tiền gửi cá nhân, các khoản vay cá nhân, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, ngân hàng tư nhân, quỹ đầu tư và các dịch vụ tài chính cá nhân, dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, bao gồm cả các khoản tiền gửi của công ty, cho vay, thanh toán quốc tế.

2. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc - China Construction Bank (CCB)

Quy mô tài sản: 2.449,5 tỷ USD

Năm 1954, CCB được thành lập như một ngân hàng quốc doanh đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Trung Quốc và là một nhà phân phối các quỹ dự án xây dựng quốc gia. Từ năm 1979, nó đã bắt đầu lấn sân sang các hoạt động thương mại và hcinhs thức trở thành một ngân hàng thương mại cổ phần vào năm 1994. Sau đó, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc vào năm 1996.

Ngày nay, hoạt động kinh doanh của ngân hàng bao gồm cả tiền gửi của công ty, cho vay tín dụng doanh nghiệp, tạm giữ tài sản, doanh nghiệp niên kim, tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế, tài chính quốc tế và các dịch vụ giá trị gia tăng.

3. JP Morgan Chase

Quy mô tài sản: 2.435,3 tỷ USD

Được thành lập từ năm 1799, JP Morgan là một trong những tổ chức tài chính lâu đời nhất ở châu Mỹ. Được đặt tên theo John Pierpont Morgan, một trong những tên cướp khét tiếng người Mỹ, JP Morgan đã trở thành một biểu tượng của New York trong hơn 150 năm.

Năm 2000 JP Morgan đã hợp nhất cùng Công ty Inc. và Tập đoàn Chase Manhattan để trở thành JP Morgan Chase. Ngày nay, JPMC là một trong những công ty đầu tư và dịch vụ tài chính lớn nhất trên thế giới. Tính đến năm 2014, công ty này có giá trị tài sản tương đương hơn 2.435 tỷ USD.

4. Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc – Agricultural Bank of China (ABC)

Quy mô tài sản: 2.405,4 tỷ USD

Theo giới thiệu trên trang web của ngân hàng: "Tiền thân của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc là Ngân hàng Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập vào năm 1951. Kể từ cuối năm 1970, Ngân hàng đã được chuyển đổi từ một ngân hàng nhà nước thành ngân hàng thương mại cổ phần”.

Hiện nay, ngân hàng này hoạt động như một công ty đầu tư kinh doanh toàn diện, cung cấp sản phẩm và dịch vụ ngân hàng cho một loạt các khách hàng cũng như thực hiện các hoạt động tín dụng khác.

5. Bank of China - Ngân hàng Trung Quốc

Quy mô tài sản: 2.291,8 tỷ USD

Được thành lập với tên gọi ban đầu là Ngân hàng Đại Thanh vào năm 1908, đến năm 1912, ngân hàng này chính thức được đổi tên thành Ngân hàng Trung Quốc. Đây là tổ chức ngân hàng lâu đời nhất của Trung Quốc.

Năm 1949, sau khi nước CHDCND Trung Hoa được thành lập, ngân hàng này được chia làm 2 công ty, công ty mẹ vẫn ở Trung Quốc đại lục và một công ty con đặt Đài Loan (Ngân hàng Thương mại quốc tế của Trung Quốc) mà sau này đã đổi tên thành MICB (Mega International Commercial Bank).

6.  Wells Fargo

Quy mô tài sản: 1.543 tỷ USD

Wells Fargo được thành lập từ năm 1852 bởi Henry Wells và William Fargo với chức năng như một ngân hàng, đầu tư và một số dịch vụ tài chính ngân hàng khác. Năm 1888, Wells Fargo đã chính thức trở thành tập đoàn đa quốc gia đầu tiên và kể từ đó, vị thế của tập đoàn này đã không ngừng được củng cố. Năm 2014, quy mô của Wells Fargo đã chính thức vượt mốc 1.500 tỷ USD và là tập đoàn lớn thứ 6 trên thế giới.

7. General Electric

Quy mô tài sản: 646,6 tỷ USD

Nhà khoa học Thomas Edison có lẽ cũng không thể ngờ được rằng Công ty Edison Electric Light do ông thành lập vào năm 1878 cuối cùng sẽ trở thành “con bạch tuộc” khổng lồ General Electric ngày nay.

General Electric là tập đoàn công nghệ và tài chính đa dạng. Công ty không chỉ sản xuất động cơ máy bay, điện, xử lý nước, và đồ dùng gia đình, thiết bị y tế mà còn kinh doanh tài chính. GE hiện đã có mặt tại hơn 100 quốc gia với tổng quy mô tài sản sẽ sớm đạt 650 tỷ USD.

8. Berkshire Hathaway

Quy mô tài sản: 493,4 tỷ USD

Sau khi mua lại 49% cổ phần của Berkshire Hathaway vào năm 1963, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet đã không ngừng phát triển mở rộng nền tảng kinh doanh này ra nhiều lĩnh vực và biến nó trở thành một trong những công ty bảo hiểm và đầu tư lớn nhất thế giới.

Nhờ chiến lược đầu tư thông minh của nhà lãnh đạo nổi tiếng kiên nhẫn, chuyên nhắm vào các cơ hội đầu tư đang bị đánh giá thấp, Berkshire Hathaway đã vươn lên trở thành “con quái vật” trong ngành tài chính – chứng khoán và xếp thứ 8 trong danh sách này.

9. PetroChina – Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc

Quy mô tài sản: 386,9 tỷ USD

Công ty TNHH PetroChina chủ yếu là tham gia vào việc sản xuất, phân phối và vận chuyển các sản phẩm dầu khí. Hoạt động kinh doanh chính của công ty này bao gồm việc thăm dò, phát triển, sản xuất và bán dầu thô, khí tự nhiên; tinh chế các sản phẩm dầu thô và xăng dầu, sản xuất và bán các sản phẩm hóa dầu cơ bản và các sản phẩm hóa chất khác. Năm 2000, PetroChina niểm yết trên sàn chứng khoán New York và kể từ đó cho đến nay, quy mô tài sản của công ty này không ngừng tăng lên tới gần 387 tỷ USD.

10. Royal Dutch Shell – Tập đoàn dầu khí hoàng gia Hà Lan

Quy mô tài sản: 357,5 tỷ USD

Năm 1985, công ty hóa chất Shell của Mỹ đã thâu tóm cả công ty Shell Transport của Anh và hãng dầu khí Royal Dutch của Hà Lan để sáp nhập thành Royal Dutch Shell. Hiện nay, trụ sở chính của tập đoàn này đang đặt tại thành phố Hague, Hà Lan.

Royal Dutch Shell luôn là một trong những tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới, không chỉ hoạt động trong lĩnh vực hóa dầu và hóa chất mà còn tích cực tham gia tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Trong khoảng 10 năm đổ lại đây, tập đoàn này đã đổ khá nhiều tiền đầu tư vào các mỏ dầu lớn của Trung Quốc và Nga.

Theo Bizlive

Các tin cũ hơn