Đại gia chứng khoán mất ít tiền hơn trong năm 2014

Thứ ba, 23/12/2014, 12:36
Giá chứng khoán giảm, cộng thêm việc bán ra cổ phần khiến tài sản của 100 doanh nhân mất tiền nhiều nhất trên sàn chứng khoán giảm hơn 4.200 tỷ đồng từ đầu năm.

Trước đó trong năm 2013, danh sách 100 doanh nhân có tài sản giảm mạnh nhất trên sàn mất hơn 4.700 tỷ đồng, nhiều hơn năm nay gần 500 tỷ đồng. Theo danh sách được VnExpress và đối tác cung cấp dữ liệu VNDIRECT thống kê, trong số hơn 8.000 cổ đông thuộc diện phải công bố thông tin trên sàn chứng khoán năm nay, có gần 1.970 trường hợp ghi nhận tài sản sụt giảm so với năm ngoái.

Dù thị trường địa ốc đang có dấu hiệu ấm dần lên, danh sách 10 doanh nhân có tài sản giảm mạnh nhất vẫn ghi nhận tới 3 ông chủ đang hoạt động trong lĩnh vực này. Cổ phiếu giảm giá cộng với việc bán cổ phần để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân là những lý do chủ yếu khiến tài sản của những vị này hao hụt.

Đứng đầu danh sách doanh nhân có tài sản giảm mạnh nhất trên sàn chứng khoán đến thời điểm này là ông Đỗ Hữu Hạ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (Mã CK: HHS). Với việc bán hơn 760.000 cổ phần để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân, cộng với giá cổ phiếu công ty giảm gần 42%, tài sản của ông Hạ giảm hơn 246 tỷ đồng. Doanh nhân trẻ Đỗ Hữu Hậu, con trai ông Hạ và hiện là Ủy viên Hội đồng quản trị HHS cũng có tài sản cổ phiếu giảm hơn 75 tỷ đồng trong kỳ.

Ông Phạm Văn Khương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup đứng thứ ba trong danh sách này. Cổ phiếu VIC đã mất 30% giá trị từ đầu năm, cộng với việc bán ra hơn 2,5 triệu cổ phiếu công ty đã khiến tài sản của vị doanh nhân này giảm gần 191 tỷ đồng

VIC giảm giá cũng khiến tài sản chứng khoán của tỷ phú đôla Mỹ đầu tiên của Việt Nam không khỏi ảnh hưởng, giảm hơn 31 tỷ đồng từ đầu năm. Trước đó, ông Phạm Nhật Vượng 4 năm liên tiếp được công nhân là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Trên thế giới, tạp chí Forbes của Mỹ cũng vinh danh ông là tỷ phú đôla Mỹ đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến 21/12/2014, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng chỉ còn 1,5 tỷ USD, lùi về bằng mốc thời điểm ông lần đầu được Forbes xếp hạng (tháng 3/2013). Sau hơn một năm rưỡi, vị trí của ông Vượng cũng giảm mạnh từ 974 xuống 1.092, lùi 118 bậc trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới.

pham-nhat-vuong-4070-1419232981.jpg

Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm hơn 30 tỷ đồng kể từ đầu năm do giá cổ phiếu VIC giảm.

Việc giảm hạng trên diễn ra trong bối cảnh 3 quý đầu năm,Vingroup lãi hơn 3.400 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo giải trình của công ty, lợi nhuận giảm do doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản giảm và chi phí quản lý tăng do tập đoàn phát triển thêm các lĩnh vực kinh doanh mới.

Hoạt động chính trong lĩnh vực xây sựng, song năm 2011 ông Nguyễn Đức Thụy (hay còn gọi là Bầu Thụy) quyết định đầu tư vào Công ty Chứng khoán Xuân Thành (nay là Chứng khoán IB). Tuy nhiên, kết quả kinh doanh trồi sụt khiến năm 2014, vị này quyết định thoái toàn bộ hơn 24 triệu cổ phiếu ở công ty. Sau khi rút khỏi đây, tài sản của vị doanh nhân này giảm 180 tỷ đồng và đứng thứ 4 trong danh sách doanh nhân có tài sản giảm mạnh nhất.

Chung hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Công ty Phát triển bất động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR) cũng bị giảm tài sản gần 100 tỷ đồng, với nguyên nhân chính là giá cổ phiếu PDR từ đầu năm giảm gần 8%.

Ngoài ra, trong danh sách 100 người có tài sản giảm trên sàn chứng khoán năm nay còn ghi nhận nhiều tên tuổi lớn. Giá cổ phiếu Công ty Đầu tư Alphanam (Mã CK: ALP) rớt từ 4.000 đồng cuối năm ngoái xuống 3.400 đồng phiên 22/12 khiến tài sản ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch công ty (đang sở hữu 116 triệu cổ phiếu) giảm gần 70 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh kém khả quan ba năm gần đây, cổ phiếu ALP sẽ chính thức hủy niêm yết trên sàn chứng khoán từ 30/12/2014. Trước những khó khăn này, gia đình ông Nguyễn Tuấn Hải đã tìm hướng đi mới, đó là tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm với thương hiệu Alphanam Food.

Giá cổ phiếu MSN giảm 6% cũng khiến bà Nguyễn Hoàng Yến - Ủy viên Hội đồng quản trị Masan (Mã CK: MSN), vợ Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang bị hao hụt tài sản hơn 108 tỷ đồng. Ông Hồ Hùng Anh - Phó chủ tịch công ty cũng mất gần 79 tỷ đồng. Tháng vừa qua, ông Hồ Hùng Anh đã đăng ký bán toàn bộ gần 15,8 triệu cổ phiếu công ty, cùng thời gian vợ ông đăng ký mua cổ phiếu.

Dù giá cổ phiếu Kinh Bắc (Mã CK: KBC) phục hồi hơn 57% từ đầu năm, song tài sản của vợ công ông Đặng Thành Tâm - bà Nguyễn Thị Kim Thanh vẫn bị giảm 90 tỷ đồng do việc bán ra 49 triệu cổ phần, riêng ông Đặng Thành Tâm đã bán 41 triệu đơn vị. Chung quyết định như người anh, bà Đặng Thị Hoàng Phượng, hiện là Tổng giám đốc Sài Gòn Quy Nhon (Mã CK: SQC) cũng bán 19 triệu cổ phiếu KBC, khiến tài sản giảm 170 tỷ đồng trong năm.

Việc gia đình ông Đặng Thành Tâm liên tiếp bán cổ phần diễn ra trong bối cảnh công ty đang phải tiếp tục tái cơ cấu nợ và vừa qua đã chào bán riêng lẻ 1.200 tỷ đồng cổ phiếu và phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.

Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã CK: VNM) cũng nằm trong danh sách năm nay. Dù nhận thêm 453.000 cổ phần từ đợt phát hành cổ phần trong quý III, song giá cổ phiếu VNM giảm từ 135.000 đồng cuối năm ngoái xuống còn 94.000 đồng hiện nay (giảm 43%) dẫn tới tài sản của vị nữ tướng có gần 40 năm gắn bó với ngành sữa mất hơn 50 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.

10 doanh nhân có tài sản trên sàn chứng khoán giảm mạnh nhất năm 2014

STT Họ tên Cổ phiếu Tài sản so với cuối năm 2013
1 Đỗ Hữu Hạ HHS 239
2 Đinh Xuân Bồng BBS 192
3 Phạm Văn Khương VIC 191
4 Nguyễn Đức Thụy VIX 182
5 Đặng Thị Hoàng Phượng KBC 170
6 Hà Bình Sơn TAC 135
7 Võ Thị Thanh GTT 118
8 Nguyễn Văn Đạt PDR 100
9 Phạm Vũ Phương Linh DQC 84
10 Đặng Thành Duy VNS 78

Đơn vị: tỷ đồng

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích