Thương lái Trung Quốc mua tôm tạp chất: Âm mưu hiểm?

Chủ nhật, 21/12/2014, 14:15
Tôm được chích tạp chất theo yêu cầu của khách hàng Trung Quốc, đằng sau yêu cầu này ẩn chứa những toan tính hết sức nguy hiểm.

Hàng loạt cảnh báo hết sức đáng lưu ý liên quan đến việc bơm tạp chất vào tôm đã được các đại biểu lên tiếng tại hội nghị góp ý cho đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất. Hội nghị do Bộ NN&PTNT, Bộ Công an tổ chức ngày 19/12 tại TP.HCM.

“Buôn tôm tạp chất lời như buôn ma túy”

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết hiện nay tình trạng bơm tạp chất chủ yếu là chất agar (bột rau câu) nhằm tăng trọng lượng tôm đang diễn ra tràn lan.

Thương lái Trung Quốc mua tôm tạp chất: Âm mưu hiểm?
Cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đang kiểm tra một vụ tôm bơm tạp chất.

Theo ông Quang, trước đây nạn bơm tạp chất chỉ diễn ra nhiều ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng nhưng giờ đây đã diễn ra ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, lên tới TP.HCM, Bình Thuận và tận một số tỉnh ngoài miền Bắc. Thậm chí có những nhà máy chế biến cá ở trong khu công nghiệp nay chuyển sang chế biến tôm, họ đầu tư hẳn dây chuyền hiện đại để bơm tôm tạp chất.

Theo ông Quang, hiện nay đa phần người nuôi, cơ sở chế biến nước ta bơm tạp chất theo yêu cầu của chính thương lái Trung Quốc. Tôm chứa tạp chất hiện xuất lọt được sang Trung Quốc nhiều nhất, một số sang các thị trường khác nhờ lượng tạp chất bơm vào thấp hơn khoảng 5%-10%.

“Siêu lợi nhuận trong sự vụ này như buôn ma túy vậy. Tôm bơm tạp chất sẽ tăng trọng lượng 15%-20%, mỗi ký tôm bơm tạp chất họ lãi 80.000-85.000 đồng. Khổ nhất là nó làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm xấu hình ảnh tôm Việt Nam” - ông Quang cho hay.


Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh nông nghiệp nông thôn (Tổng cục An ninh 2), cho biết trong quá trình ngăn chặn, xử lý tình trạng trên đã có nhiều trường hợp đe dọa cán bộ làm công tác kiểm tra tạp chất. Đối tượng còn manh động dùng hung khí để chống đối. Thậm chí các cơ sở bơm tôm tạp chất còn thuê người đóng giả xe ôm canh gác ngay trụ sở cơ quan chức năng tại địa phương.

Theo tướng Thế, hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh lừa dối khách hàng (theo Điều 162 Bộ luật Hình sự năm 1999).

Tuy nhiên, đến nay chưa có đối tượng nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chủ yếu là xử lý hành chính. Để có hướng xử lý hình sự hành vi này, tới đây Bộ Công an sẽ chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn Điều 162 đối với hành vi trên.


Âm mưu phá hoại kinh tế?

Theo báo cáo của Cục An ninh nông nghiệp nông thôn, xuất hiện yếu tố nghi ngờ phá hoại kinh tế từ nước ngoài thông qua hoạt động bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Tình hình cho thấy nhiều nhà máy trực tiếp tiến hành bơm chích tạp chất theo yêu cầu từ khách hàng Trung Quốc.

Khi mặt hàng này về nước, chế biến, xuất khẩu sang nước thứ ba, nếu bị phát hiện tạp chất, họ sẽ công bố rộng rãi với đối tác do mua tôm tạp chất từ Việt Nam.

Điều này không chỉ làm ảnh hưởng uy tín hàng hóa Việt Nam mà còn phá hoại chính sách ngăn chặn giảm thiểu tình trạng này trong những năm qua của cơ quan chức năng, Chính phủ Việt Nam.


Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết đây là thông tin có cơ sở, xuất phát từ cách thức giao thương đặc thù của thương lái Trung Quốc.

Nhiều trường hợp gây thiệt hại cho người dân, làm mất an ninh kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp như hoạt động ồ ạt thu mua tôm nguyên liệu cuối năm 2013 khiến doanh nghiệp trong nước thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Hay như gần đây là việc thu mua lá khoai lang, rễ tiêu…


Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho rằng thực trạng bơm tạp chất vào tôm tràn lan vì cơ chế xử lý chưa đảm bảo tính răn đe. Vì vậy để ngăn chặn tình trạng này, ông Lân đề nghị cần tăng mức xử phạt hành chính lên cao và hướng truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh lừa dối khách hàng đối với hành vi này là chính xác.

Cách nhận biết tôm bơm tạp chất

Loại tôm bơm tạp chất này nhìn bằng mắt sẽ thấy bóng mướt, nặng cân, màu sắc tươi nguyên như lúc vừa đánh bắt, chỉ khác là toàn thân căng phồng, cảm giác béo nứt vỏ.

Chỉ khi người tiêu dùng mua về chế biến mới phát hiện do tôm bị teo lại, chảy hết nước và hỗn hợp chất phụ gia. Loại này thịt thường bở hoặc rữa, không chắc, ăn nhạt hơn so với bình thường.

Người tiêu dùng khi mua tôm cần lưu ý một số đặc điểm cảm quan như sau: Tôm bị bơm tạp chất thường bị phù đầu, giãn đốt, nhô đầu, gai vểnh, xòe đuôi.


Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep)

Báo động tôm, cá Việt nhiễm kháng sinh

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, trong năm 2014, Thương vụ Việt Nam tại EU, Nhật Bản và Mỹ liên tục nhận được nhiều thông tin cảnh báo về các lô hàng thủy sản của nước ta do dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức cho phép. Chiếm đa số trong các lô hàng bị cảnh báo là chỉ tiêu oxytetracycline và nitrofurazone.
Cụ thể số lô hàng nhiễm hóa chất, kháng sinh sang thị trường EU đã tăng gấp bảy lần, từ năm 2013 chỉ có bảy lô hàng bị cảnh báo nhưng đến năm 2014 đã lên con số 51 lô hàng.
Tính tổng cả thị trường Nhật Bản và EU có tới 72 lô hàng bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, tăng gần gấp đôi so với năm 2013. Tại thị trường Mỹ, năm nay số lô hàng bị cảnh báo cũng tăng 1,6 lần lên 58 lô. Mặt hàng thủy sản bị cảnh báo nhiều nhất là tôm và cá tra, một số ít là cá rô, lươn, ếch.

Tội lừa dối khách hàng

1. Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.


(Trích Điều 162 Bộ luật Hình sự năm 1999)

Theo Pháp Luật

Các tin cũ hơn