Chân dung CEO cùng lúc cầm cương 3 công ty ôtô

Thứ sáu, 16/01/2015, 16:50
Ghosn nói ông "sống như sư", ăn ngủ và tập thể dục đều đặn như cái máy, tạp chí Fortune tiết lộ.

Chỉ có duy nhất một người cùng lúc giữ chức Giám đốc điều hành 2 công ty trong top Fortune Global 500, đó là Carlos Ghosn. Ông được mệnh danh là cha đẻ của cấu trúc quản lý phức tạp nhất lịch sử, chỉ xếp sau Vatican, và cũng là người duy nhất trên thế giới có khả năng điều hành nó.

Carlos Ghosn cùng lúc lãnh đạo Renault, Nissan và AvtoVaz.

Carlos Ghosn cùng lúc lãnh đạo Renault, Nissan và AvtoVaz.

Ông giữ chức chủ tịch kiêm CEO tại cả Nissan - công ty sản xuất xe trụ sở Nhật Bản, và Renault -công ty trụ sở tại Boulogne-Billancourt, Pháp. Ghosn có vẻ sinh ra để làm việc này. Ông có khả năng kết nối tức thời với những người lần đầu gặp mặt, quản lý thời gian hợp lý, không đam mê bất cứ thú vui cá nhân nào, và sẵn sàng dịch chuyển gần 500.000km mỗi năm.

Sống như sư

Giờ đây, Ghosn vẫn làm việc 15-16 tiếng mỗi ngày, công tác vòng quanh thế giới bằng chiếc máy bay Gulfstream. Ông dành 1/3 thời gian ở Pháp, 1/3 ở Nhật, và 1/3 còn lại bay vòng quanh 68 quốc gia, tới nơi có nhà máy của Liên minh. Rất khó để điều chỉnh tình trạng lệch múi giờ sinh học, thức ăn lạ và chất chồng những quyết định phải xem xét. Ghosn nói ông "sống như sư", ăn ngủ và tập thể dục đều đặn như cái máy.

 Carlos Ghosn làm việc 15 - 16  tiếng mỗi ngày.

Carlos Ghosn làm việc 15-16 tiếng mỗi ngày.

Nhiệm vụ này hao tổn sức lực tới nỗi chính Ghosn từng nói sau khi ông về hưu, không ai nên lên thay ông cả. Có lần ông nói với đồng nghiệp: "Mà cũng chẳng ai muốn làm công việc này". Tạm thời, Ghosn là người duy nhất muốn. Ông đã xây dựng Renault-Nissan trở thành nhà sản xuất xe lớn thứ tư trên thế giới, sau Toyota, General Motor và Volkswagen. Mỗi năm, Renault-Nissan tẩu tán thành công 8,5 triệu chiếc xe. Toyota, General Motor và Volkswagen, mỗi công ty bán 10 triệu chiếc.

Cổ phiếu hai công ty cùng leo dốc mạnh mẽ trong 3 năm vừa qua, với cổ phiếu Nissan tăng 50%, cổ phiếu Renault tăng hơn gấp đôi. Tuy nhiên vị CEO này còn nhiều việc để làm nếu muốn đưa công ty vào top 3 nhà sản xuất lớn nhất thế giới.

Renault-Nissan đề ra chiến lược chinh phục thị trường BRIC, tuy nhiên nền kinh tế Brazil và Trung Quốc đang giảm tốc, còn Nga thì chới với bên bờ suy thoái. Nội tại công ty, mẫu Infiniti thất bại trong phân khúc cao cấp, doanh số thất vọng đến nỗi Ghosn từng có ý định tống khứ nó. Chưa kể mẫu Nissan Leaf trị giá 6 tỷ USD tiền phát triển cũng chưa gỡ lại được vốn.

Hy sinh cuộc sống

Văn phòng Ghosn đặt tại Amsterdam, nơi bảng tên ông ghi chức vụ Chủ tịch kiêm CEO Liên minh Renault-Nissan. Tập đoàn này có ban quản trị riêng, gồm ít nhất 3 lãnh đạo Renault và 3 của Nissan. Chưa hết phức tạp, mùa hè năm 2014, Liên minh mua công ty AvtoVaz của nhà - cha đẻ của dòng xe Lada.

Renault-Nissan  có 68 nhà máy trên toàn thế giới.

Renault-Nissan có 68 nhà máy trên toàn thế giới.

Ghosn giờ là Chủ tịch của cả AvtoVaz, nên trên danh nghĩa ông điều hành cùng lúc 3 công ty, với 3 ngôn ngữ khác nhau. Ba công ty này bán ra 10% số lượng xe trên toàn thế giới. Tháng 1/2014, trong bài phát biểu trước Trường kinh doanh Stanford, Ghosn thừa nhận ông đã lên lịch làm việc dày đặc trong cả năm. Ghosn có nhà ở Pháp, Nhật Bản và Brazil, đã ly dị với 4 người con trưởng thành.

Nhiều lãnh đạo từng làm việc với ông kể rằng họ chưa bao giờ thấy ông giải trí ngoài giờ làm việc, trừ đá bóng. Bản thân những lãnh đạo dưới quyền Ghosn tiết lộ họ đã phải hy sinh cuộc sống cá nhân vì công việc. Năm 2014, nhiều lãnh đạo Liên minh lần lượt rũ áo ra đi. Ban đầu là Giám đốc kế hoạch của Nissan, theo sau là Trưởng nhóm phát triển mẫu Infiniti, rồi đến 2 Giám đốc tài chính của Renault.

Nhiều nguồn tin cho biết những nhân vật này viện đủ lý do, từ quá mệt mỏi vì nhịp độ làm việc, tới tìm được vị trí khác tốt hơn. "Một khi họ hiểu cách làm việc tại Liên minh, nhiều người quyết định bỏ cuộc chơi", một cựu lãnh đạo kể lại. Ghosn có vẻ không mấy để tâm tới việc này. "Ai cũng nói tỷ lệ nhảy việc tại Nissan và Renault cao, mặc dù tôi không nghĩ nó cao bằng General Motors, Ford hay Volkswagen", ông chỉ ra.

Người cắt chi phí

Ghosn nổi như cồn sau khi ông vực dậy thành công Nissan năm 1999. Ông đã làm những việc không ai nghĩ ông có thể làm tại Nhật Bản: Phá vỡ truyền thống "sống lâu lên lão làng" ở Nissan, tuyển mộ các lãnh đạo trẻ vào ban quan quản trị. Kết quả, ông đưa Nissan từ một công ty lỗ nặng sang làm ăn có lãi chỉ trong hai năm. Ông làm việc quyết liệt và tìm kiếm sự hiệu quả ở mức cao nhất.

Tại Nhật, ông được coi như một người anh hùng.

Tại Nhật, ông được coi như một người anh hùng.

Truyền thông từng đặt biệt danh cho Ghosn là “le cost cutter”, tức "người cắt giảm chi phí". Tiếng vang lan xa tới nỗi một nhà xuất bản từng vẽ ông thành nhân vật truyện tranh. Bộ truyện 7 cuốn bán được hơn 300.000 bản tại Nhật.

Jose Muñoz, chủ tịch Nissan Bắc Mỹ cho biết Ghosn chỉ đưa ra quyết định đúng nơi, đúng lúc. "Không bao giờ có chuyện ông ấy quyết định điều gì ở bàn uống nước, từ việc lớn tới việc nhỏ", Jose khẳng định.

Giống như một vị chỉ huy quân đội, Ghosn tuân thủ một số quy tắc chặt chẽ. Khi đến Nhật, ông chỉ đưa ra quyết định cho Nissan. Khi ở Pháp, ông sẽ quyết định cho Renault. Tương tự với AvtoVaz ở Nga. "Điều này đơn giản hóa cuộc sống của tôi, mang lại cảm giác được tôn trọng cho các nhóm làm việc", Ghosn chỉ ra.

Sáp nhập như hôn nhân

Nhiều ý kiến cho rằng Nissan là một công ty thành công, nhưng không đạt mức tuyệt hảo, Ghosn có tham vọng thay đổi lập trường này. Ông cho biết đang sử dụng chiến lược "phủ sóng rộng khắp", đồng nghĩa Liên minh sẽ có mặt trong mọi phân khúc thị trường, tại mọi thị trường trên toàn thế giới.

Nghe có vẻ tham vọng, nhưng Liên minh đang nỗ lực. Tập đoàn cho ra 110 mẫu xe khác nhau tại 170 thị trường. Gần đây nhất là mẫu sedan Nissan Maxima, SUV Murano, minivan Espace.

Truyền thông từng đặt biệt danh cho Ghosn là “le cost cutter”, tức

Truyền thông từng đặt biệt danh cho Ghosn là “le cost cutter”, tức "người cắt giảm chi phí".

Để đưa Liên minh chen chân vào top ba nhà sản xuất, Ghosn phụ thuộc vào một ván cược "tất tay" có tên Power 88 Plan. Nissan sẽ nhắm tới giành 8% thị trường toàn cầu và tỷ lệ lãi suất cận biên tại 8% tính đến tháng 3/2017.

Hiện Nissan đang ở mức Power 66 - 6% thị phần và lợi nhuận cận biên. Vậy công ty chỉ còn chưa đầy 3 năm để tăng gấp rưỡi thị phần và lợi nhuận. "Đưa ra mục tiêu cao để phấn đấu là một chuyện, nhưng nếu đó là đích đến không tưởng, người tài có thể bất mãn và ra đi", giáo sư Useem tại Đại học kinh doanh Wharton nhận xét.

Tuy nhiên Liên minh có cơ sở để kỳ vọng vào mục tiêu Ghosn đặt ra. Cấu trúc sở hữu chéo khiến Renault và Nissan gặp nhau ở nhiều mặt lợi ích. Trong thời đại tối tăm của các vụ M&A ngành ôtô, điển hình như Chrysler với Daimler, GM với Fiat, Ghosn thành công khi ông cho phép Nissan và Renault có quyền tự quyết trong một mức độ nhất định.

Ông từng so sánh Renault-Nissan với một đám cưới: "Sau khi lấy nhau, cặp vợ chồng không hòa hợp thành một người, một tính cách. Thay vào đó, họ vẫn duy trì cá tính riêng và chung tay xây dựng tổ ấm". "Không giống các vụ sáp nhập truyền thống, ở Liên minh không tồn tại khái niệm 'Tôi thắng, anh thua' sau khi hai công ty về một mối", một cựu lãnh đạo chia sẻ.

Theo Bizlive

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn