Theo đánh giá của chuyên gia, Việt Nam hiện nay là một thị trường có tính biến động cao. Để thành công tại thị trường này, các doanh nghiệp và tổ chức cần có cái nhìn đúng đắn về hành vi của người tiêu dùng trên cả nước, qua đó có cơ hội mở rộng thị trường cũng như sản xuất.
Báo cáo cho thấy, 45% dân số Việt Nam tự tin về vấn đề việc làm của cá nhân. Bên cạnh đó, 54% tự tin làm chủ được các vấn đề về tài chính và 37% sẵn sàng chi tiền cho việc mua sắm. Những con số trên chỉ ra rằng, người Việt luôn tỏ ra thận trọng với nghề nghiệp cũng như các vấn đề tiền bạc của bản thân. Kết luận này càng được khẳng định rõ hơn khi mà 85% người Việt gần đây có xu hướng tiết kiệm thay vì chi tiêu nhiều như trước.
85% người Việt gần đây có xu hướng tiết kiệm thay vì chi tiêu nhiều như trước. Ảnh: Anh Tuấn |
GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2015 dự kiến sẽ đạt 2.200 USD. Nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực như Singapore hay Malaysia, Thái Lan thì chúng ta còn kém khi so sánh về thu nhập bình quân. Song, điều này không làm người Việt cảm thấy bớt lạc quan về cuộc sống của mình, khi mà chúng ta được đánh giá là có mức độ hài lòng ngang với Singapore, quốc gia có thu nhập bình quân đầu người lên tới hơn 55.000 USD, cao hơn cả cường quốc kinh tế thế giới là Mỹ. So sánh với các năm trước, năm 2014 chứng kiến tỉ lệ người lao động hài lòng với công việc đạt mức 65%, trong đó 12% tuyệt đối hài lòng.
Bất chấp những tín hiệu lạc quan về công việc hay tài chính cá nhân, người Việt vẫn tỏ ra dè dặt với vấn đề chi tiêu. 79% dân số Việt Nam có xu hướng để tiền tiết kiệm sau khi đã sử dụng cho các chi phí sinh hoạt bắt buộc, cao nhất từ 2011. Chi tiêu cho những việc về môi trường sống, quần áo, sản phẩm công nghệ cao hay giải trí cũng có xu hướng giảm, duy chỉ có du lịch là tăng. Ở một khía cạnh khác, chỉ 4% người Việt không có tiền tiết kiệm, giảm đáng kể từ mức 7% so với năm 2013.
Các con số trên có thể được lý giải thông qua việc ngày càng có nhiều người Việt tin rằng kinh tế nước nhà đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Nếu như năm 2010, chỉ khoảng hơn 30% người dân tin rằng nền kinh tế đang gặp khủng hoảng thì tới năm 2013, con số này lên tới gần 80%. Trên thực tế, kể từ cuối năm 2010, Việt Nam luôn ở trong trạng thái bi quan về nền kinh tế. Điều này phần nào lý giải lý do tại sao người dân tiêu ít tiền hơn trước.
Theo lý thuyết, khi dân số tiêu nhiều tiền hơn thì kinh tế sẽ tăng trưởng. Điều đó có nghĩa là các mục tiêu của chính sách kinh tế nên hướng tới việc duy trì một mức độ chi tiêu hợp lý sao cho có thể duy trì việc phát triển cũng như giảm thiểu các rủi ro không thể tránh khỏi của các chu kỳ kinh tế.
Theo Zing