Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Bảng xếp hạng VNR500 (Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam).
Theo bảng xếp hạng VNR500, số CEO có độ tuổi dưới 40 ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 8,6%, thấp hơn rất nhiều so với số lượng CEO từ 41 đến 50 tuổi (33,8%) và từ 51 tuổi trở lên (57,6%).
Tỷ lệ này cho thấy cơ cấu CEO doanh nghiệp VNR500 chủ yếu là CEO lớn tuổi. Thực tế này hoàn toàn dễ hiểu, bởi độ tuổi từ 45 trở lên được coi là độ tuổi thành đạt của doanh nhân Việt, khi họ đã có đủ vốn liếng, kinh nghiệm lãnh đạo và cả các mối quan hệ cần thiết trong kinh doanh.
Gần 40% CEO trẻ là người tuổi Ngọ
Theo Vietnam Report, xét theo tuổi 12 con giáp, phần đông các CEO trong nhóm CEO dưới 40 tuổi ở Việt Nam tuổi Ngọ (sinh năm 1978), tiếp đến là tuổi Mão (sinh năm 1975) và tuổi Thìn (sinh năm 1976). Theo quan niệm của phương Đông, những người tuổi Ngọ thường rất giỏi kinh doanh, giỏi đoán ý đồ người khác để “lựa lời mà nói”, do vậy dễ thành công sớm trong sự nghiệp.
Cơ cấu tuổi của các lãnh đạo doanh nghiệp VNR500 dưới 40 tuổi. Nguồn: Vietnam Report
Đáng chú ý, trong nhóm CEO trẻ tuổi không có lãnh đạo nào tuổi Sửu, Dần, Thân, Dậu, Hợi. Có lẽ bởi các doanh nhân trẻ tuổi này vẫn đang trong giai đoạn tích lũy để vươn tới thành công bền vững trong tương lai.
Hơn 68% CEO trẻ đến từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước
68,8% số CEO dưới 40 tuổi trong bảng xếp hạng VNR500 đến từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, cho thấy sự năng động, sáng tạo và không ngừng nỗ lực của các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân, mà đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số đông này đóng góp trên 53,1 nghìn tỷ đồng vào tổng doanh thu bảng xếp hạng VNR500 năm 2014.
Cơ cấu doanh nghiệp và doanh thu trong nhóm doanh nghiệp VNR500 có CEO dưới 40 tuổi. Nguồn: Vietnam Report
Theo một số chuyên gia nhận định, khu vực tư nhân đang có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế khi chiếm áp đảo về số lượng và có đóng góp to lớn trong nền kinh tế Việt Nam trong việc tạo ra công ăn việc làm, tạo ra nguồn thu của ngân sách.
Tuy nhiên, nhìn về sức mạnh của khối doanh nghiệp này, Tổng cục Thống kê đưa ra con số: năm 2002 doanh nghiệp tư nhân đóng góp 8,5% vào GDP, đến năm 2012 đóng góp 11,1% – mức tăng không đáng kể. Do đó, trong thời gian tới, lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân cần nhận thức rõ hơn nữa thực trạng và vai trò của mình, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội đầu tư và kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh với các khối doanh nghiệp khác.
Nếu phân tích theo ngành nghề, thì các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong ngành thực phẩm – đồ uống, thép, viễn thông – tin học – công nghệ thông tin. Ngành thực phẩm – đồ uống đặc biệt được đánh giá là ngành có khả năng sinh lời tốt nhất toàn Bảng xếp hạng khi có ROE trung bình đạt 0,36; đồng nghĩa với việc mỗi 100 đồng vốn chủ sở hữu sẽ sinh được 36 đồng lời.
Tóm lại, các doanh nhân dưới 40 tuổi trong Bảng xếp hạng VNR500 chủ yếu thuộc độ tuổi 7x, hầu hết đến từ khối tư nhân trong nước. Hiện nay có rất nhiều người trẻ tuổi đạt được thành công sớm trong sự nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực mang tính sáng tạo, nghệ thuật, công nghệ thông tin…, tuy nhiên thành công tại vị trí “ghế nóng” như Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn thì thực sự không có nhiều.
Trong năm 2015, sẽ có khá nhiều các lãnh đạo lớn tuổi nhường ghế cho đội ngũ kế cận. Đây là cơ hội rất tốt cho những người trẻ có tài, có tâm khẳng định mình để trở thành một ứng viên tiềm năng. Hy vọng rằng dưới sự điều hành của đội ngũ lãnh đạo trẻ, sẽ ngày càng có nhiều các doanh nghiệp Việt năng động, sáng tạo lọt vào Bảng xếp hạng VNR500 năm tới.
Theo Trí thức trẻ