Mở đầu cuộc họp, người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Tất cả các lĩnh vực từ đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa đến hàng hải có xã hội hóa được không? Xã hội hóa phải làm thế nào? Các dự án đã đầu tư xây dựng có bán được không?...”.
Trả lời các câu hỏi của Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, hiện nay, nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào các cảng hàng không chỉ chiếm 12%, còn lại là vốn của TCT Cảng Hàng không VN (ACV) và vốn ODA. “Chỉ có một số hạng mục nhỏ lẻ được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa”, ông Thanh nói.
Cảng hàng không Phú Quốc do Tổng công ty Cảng hàng không VN đầu tư. |
Lý giải về việc này, Chủ tịch HĐTV ACV Nguyễn Nguyên Hùng cho rằng, việc xã hội hóa ở khu vực nhà ga tại các cảng hàng không sẽ không gặp khó khăn. Tuy nhiên, vướng mắc nằm ở khu vực đường băng, bởi hầu hết tại các cảng hàng không, hạng mục này đang dùng chung với các hoạt động quân sự.
"Chúng ta phải đề xuất được cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực, tạo bộ mặt hạ tầng mới theo hướng thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giúp người dân được hưởng dịch vụ tốt nhất mà giá rẻ nhất”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Không đồng tình với lý giải trên, Bộ trưởng Thăng đặt vấn đề, cảng hàng không Phú Quốc, ACV đầu tư vốn 100% cả khu vực nhà ga lẫn đường băng, vậy tại sao không đề xuất bán cho tư nhân quản lý?
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng, ông Nguyễn Nguyên Hùng thừa nhận, đây là việc làm khả thi. Trong khi đó, Cục trưởng Cục Hàng không VN cũng đồng tình: “Sân bay Phú Quốc có thể bán được”.
Để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào ngành hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu: “Phải xã hội hóa từ việc đào tạo con người đến các khu vực trên không. Đối với khu vực mặt đất cũng tiến hành xã hội hóa, nhưng phải xem ở mức độ nào phù hợp để đảm bảo an ninh quốc phòng. Đặc biệt, về lâu dài ngành hàng không phải tách Jetstar Pacific ra khỏi Vietnam Airlines, chỉ có như vậy người dân, hành khách đi máy bay mới được hưởng dịch vụ và giá cả hợp lý”.
Liên quan tới lĩnh vực đường sắt, Bộ trưởng nêu vấn đề: “Đài Loan có gần 1 nghìn tỷ USD dự trữ, nhưng họ không dùng vốn ngân sách mà kêu gọi vốn nước ngoài đầu tư vào hệ thống đường sắt cao tốc rất có hiệu quả. Điển hình như tuyến đường sắt cao tốc Đài Bắc - Cao Hùng đi vào hoạt động khiến thị phần hàng không bị sụt giảm ngay. Vậy ngành đường sắt nước ta có xã hội hóa được đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Nha Trang, TP.HCM - Vũng Tàu, Hà Nội - Hải Phòng không?”.
Trả lời Bộ trưởng, ông Vũ Tá Tùng - Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN khẳng định, trước mắt sẽ tiến hành xã hội hóa tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Nha Trang, để có kết quả đánh giá trước khi nhân rộng ra nhiều tuyến đường sắt khác.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp trong các lĩnh vực: Đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, những hạng mục nào chưa xã hội hóa được cần khẩn trương triển khai. “Nhiệm vụ của ngành Giao thông là phải huy động bằng được mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực tái cơ cấu đầu tư công mạnh mẽ. Để thực hiện được điều đó, chúng ta phải dùng hạ tầng như là “vốn mồi” để tiếp tục phát triển hạ tầng. “Vốn mồi” ở đây là toàn bộ kết cấu hạ tầng Nhà nước đã đầu tư và hệ thống cơ chế, chính sách”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp chiều 28/10. |
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các Thứ trưởng chỉ đạo các vụ, cục xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách xã hội hóa cụ thể từng lĩnh vực theo cơ chế đặc thù, đồng thời đề xuất dự án nào khả thi sẽ triển khai ngay.
“Để đẩy mạnh xã hội hóa, số một là phải đẩy nhanh công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp giao thông, đưa lên sàn, vừa thu hút vốn đầu tư tư nhân vào các doanh nghiệp này, vừa có nguồn thặng dư vốn cổ phần để đầu tư trở lại lĩnh vực hạ tầng. Chừng nào các đồng chí còn sợ mất quyền, cổ phần hóa không thể nhanh, mạnh được”, Bộ trưởng nói.
Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu phải nghiên cứu, triển khai ngay việc bán các dự án giao thông. Bộ trưởng gợi ý: “Bán cả dự án mà khó thì chia nhỏ dự án ra để bán. Chẳng hạn, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đoạn Lào Cai - Yên Bái khó bán thì bán phần Hà Nội - Yên Bái trước, thậm chí trong đoạn này có thể chia nhỏ hơn nữa. Phải tính toán mức phí sao cho nhà đầu tư đảm bảo thu hồi vốn nhưng doanh nghiệp, người dân cũng chịu đựng được”.
Bộ trưởng lưu ý, phải tạo cơ chế để nhà đầu tư khai thác tối đa giá trị hạ tầng, như quyền kinh doanh hai bên đường, kinh doanh trạm dừng nghỉ, dịch vụ đi kèm... có như vậy mới đảm bảo người bán có lãi mà dự án vẫn hấp dẫn nhà đầu tư.
“Một đất nước muốn phát triển không thể không đầu tư hạ tầng. Song đầu tư như thế nào, nguồn lực ở đâu?”, Bộ trưởng nêu vấn đề và chỉ rõ, nguồn lực nhất thiết phải từ mở rộng xã hội hóa, để góp phần giảm dần nợ công. Muốn vậy, phải đề xuất cơ chế tháo gỡ từng nút thắt về vốn.
Chẳng hạn như nguồn vốn tín dụng, nút thắt là thời hạn vay vốn dự án giao thông thường dài, trong khi ngân hàng chủ yếu huy động kỳ hạn ngắn; hay quy định một tổ chức tín dụng không được cho vay vượt 15% vốn tự có, trong khi dự án hạ tầng thường có giá trị rất lớn... Để thành lập, mở rộng quỹ đầu tư hạ tầng, phải chứng minh được đồng vốn Nhà nước, nhân dân giao cho chúng ta được sử dụng hiệu quả, bằng cách kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí...
Theo GTVT