“Bán” đường cao tốc = Giảm nợ công?

Thứ tư, 29/10/2014, 07:35
“Không phải là bán 5 tuyến đường cao tốc của TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), mà thực chất là chúng tôi thực hiện chủ trương cổ phần hóa VEC theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GTVT” - đó là khẳng định của ông Mai Tuấn Anh - Tổng Giám đốc VEC - với PV ngày 27/10.

Theo phương án cổ phần hóa TCty do VEC trình Bộ GTVT, sẽ có phương án chuyển nhượng quyền thu phí các tuyến cao tốc để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Đây liệu có phải là một biện pháp để giảm gánh nặng nợ công và đầu tư từ ngân sách?

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Hiệu quả từ đầu tư công

Hiện TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc có tổng chiều dài 540km, với tổng mức đầu tư 125.572 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án tại 5 dự án là 71.555 tỉ đồng (chiếm 57%); VEC tự huy động 54.000 tỉ đồng (chiếm 43%) từ nguồn vốn phát hành trái phiếu công trình, vốn vay thương mại (OCR) của ADB và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD) thuộc WB.

Các tuyến cao tốc sau khi được đưa vào khai thác đã đạt hiệu quả cao, như giảm thời gian vận chuyển và tiết kiệm từ 10-15% chi phí. Đặc biệt tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giảm chi phí vận tải tới 30% và tăng lợi nhuận khai thác đến 30%. Cụ thể, chi phí vận tải của một xe khách từ TP.HCM về Vũng Tàu trước đây hết 1.700.000 đồng/chuyến, nay chỉ còn 1.300.000 đồng/chuyến. Điều này khẳng định hiệu quả kinh tế của đầu tư công trên các tuyến đường cao tốc.

Theo ông Mai Tuấn Anh - TGĐ VEC - tính đến hết tháng 10/2014, VEC đã đưa vào khai thác, thu phí các tuyến cao tốc như: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai và một phần tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng chiều dài 320km. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2018 VEC sẽ đưa vào khai thác lần lượt phần còn lại của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (năm 2015); Đà Nẵng - Quảng Ngãi (năm 2017) và Bến Lức - Long Thành (năm 2018).

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng kiểm tra quá trình thi công đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Cũng theo đại diện của VEC, hiện các tuyến đường cao tốc do đơn vị này vận hành khai thác, thu phí đều đang phát huy hiệu quả to lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước và các địa phương có tuyến đường đi qua. Từ giữa năm 2012 tới nay, VEC đã phục vụ hơn 22 triệu lượt xe cơ giới (bình quân khoảng 40.000 lượt xe/ngày) với tốc độ tăng trưởng lưu lượng sát với dự báo, giúp TCty có doanh thu ổn định, phục vụ công tác bảo trì; trả lãi và nợ gốc đúng như cam kết.

Nhằm thu hút đầu tư và tạo nguồn vốn phát triển tiếp các tuyến cao tốc mới, VEC đặt mục tiêu trong năm 2015 sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa (CPH) TCty cổ phần hoặc chuyển nhượng, bán quyền thu phí các tuyến đường này. Đây là một chủ trương mới, chưa từng có tiền lệ, nhưng nếu thực hiện thành công sẽ góp phần giảm áp lực đầu tư công và vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; giúp VEC sớm thu hồi vốn, để có nguồn lực đầu tư triển khai các tuyến đường cao tốc khác đã được Chính phủ, Bộ GTVT phê duyệt.

Giảm chi ngân sách

Theo ông Mai Tuấn Anh, hiện VEC đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT rà soát, nghiên cứu các cơ sở pháp lý cho việc triển khai chủ trương CPH nói trên. Theo đó, VEC tiến hành thăm dò nhu cầu thị trường; tính toán các phương án hợp lý nhất để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia góp vốn phù hợp với các quy định của pháp luật và nhu cầu huy động vốn của TCty.

Cũng theo ông Mai Tuấn Anh, các dự án đường cao tốc thuộc hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia, do vậy việc CPH hoặc chuyển nhượng, bán quyền thu phí sẽ gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách cũng như tính pháp lý. Chính vì vậy, sau khi xây dựng xong đề án, VEC sẽ báo cáo Bộ GTVT xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất.

Việc CPH nêu trên sẽ giảm áp lực đầu tư công vào hạ tầng, tạo điều kiện cho DN chủ động và có nguồn vốn để triển khai các dự án tiếp theo. Được biết, VEC đang đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng mới thêm 500km đường cao tốc. Do vậy, bằng việc bán quyền thu phí trong vòng 5 hoặc 10 năm, VEC sẽ có kinh phí xây dựng các tuyến mới.

Để thu hút khách hàng tích cực tham gia việc CPH, chuyển nhượng quyền thu phí trên các tuyến đường cao tốc, thời gian qua VEC đã xây dựng các tuyến cao tốc văn hoá, văn minh, xanh-sạch-đẹp để thu hút các phương tiện lựa chọn di chuyển trên đường cao tốc, nhằm tạo sự hấp dẫn cho các đối tác đầu tư.

Cũng theo đại diện VEC, nếu chỉ chuyển nhượng quyền thu phí thì các đối tác chỉ tập trung vào lợi nhuận. Do vậy, cần phải nghiên cứu kỹ đến từng chi tiết các hợp đồng BOT quốc tế để vận dụng vào việc CPH và chuyển nhượng quyền thu phí các tuyến đường cao tốc. Theo đó, VEC đã đề ra 3 nội dung cơ bản để phát triển, đầu tiên là xây dựng hình ảnh đẹp trước hành khách, đối tác và cùng Bộ GTVT xây dựng cơ chế, chính sách để tạo hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư cũng như hỗ trợ các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc quản lý và kinh doanh các tuyến cao tốc.

Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mỗi ngày thu được 1,5 tỉ đồng tiền phí

Đưa vào khai thác từ tháng 9.2014, đến nay, theo báo cáo của VEC, mỗi ngày tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai thu được 1,5 tỉ đồng tiền phí, sản lượng vận tải tăng hơn 30%. Theo các hãng vận tải tự hạch toán kinh doanh, sau khi đã trừ tiền mua vé, nếu chở đúng tải thì giảm được chi phí 30%. Còn đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, chi phí vận tải cũng giảm được 30% sau khi trừ tiền mua vé. Hiện VEC đang xúc tiến chuẩn bị hồ sơ mời thầu. Về chuyển nhượng, các nhà đầu tư cũng quan tâm phí, giá vé để tính toán khả năng thu hồi vốn đầu tư, tính hiệu quả, an toàn, đồng thời cũng quan tâm đến cơ chế, chính sách. Với các dự án cao tốc thường có thời gian hoàn vốn lớn, nên các quỹ đầu tư nước ngoài là thích hợp.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn