Đây là công ty phi tài chính đầu tiên của Nhật Bản rót vốn vào một doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Itochu hiện làm ăn với khoảng 100 hãng dệt may Việt Nam. Hãng kinh doanh khá nhiều mặt hàng, từ nguyên liệu thô đến hàng thời trang tại Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Itochu là công ty lớn nhất trong ngành dệt may Nhật Bản.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hiện có khoảng 200 nhà máy trên cả nước. Khoảng 30 đang sản xuất cho Itochu theo hợp đồng. Hãng đang lên kế hoạch mua sợi và các nguyên liệu khác trong nước hoặc các quốc gia láng giềng như Thái Lan, để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Các nguyên liệu này sau đó sẽ được xử lý tại nhà máy của Vinatex để xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh ra thế giới.
Vinatex đã thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 22/9 trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. 90,6% số cổ phiếu chào bán trong phiên đấu giá công khai đã được đặt mua, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua gần một nửa.
Chia sẻ với VnExpress, nguồn tin từ đơn vị tư vấn IPO cho Vinatex chia sẻ việc Itochu muốn đầu tư vào doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã được chuẩn bị từ lâu. Ban đầu, nhà đầu tư Nhật Bản định làm đối tác chiến lược nhưng cuối cùng lại chọn mua theo hình thức đấu giá.
Thương vụ thành công nhưng theo nguồn tin này, chưa thể phản ánh ngay kết quả vào tình hình kinh doanh của Vinatex trong năm nay. “Cả khối công ty lớn như vậy vẫn phải cần nhiều thời gian mới nhìn thấy rõ hiệu quả”, nguồn tin chia sẻ.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 5 thế giới. Nikkei nhận xét dù chi phí nhân công cao hơn Bangladesh và Myanmar, cơ sở hạ tầng và mạng lưới phân phối tại Việt Nam đã giúp nước này có lợi thế làm hàng xuất khẩu. Chính phủ cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi hoàn tất, thuế nhập khẩu từ Mỹ và Nhật Bản có thể sẽ được bãi bỏ.
Theo VnExpress